Hiệu quả công tác bảo vệ rừng ở Bát Xát

Giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng cho các tổ chức và cộng đồng thôn là cách làm hiệu quả mà huyện Bát Xát đã và đang thực hiện, giúp những cánh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn luôn xanh tốt. Cách làm này không chỉ ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản trái phép trên đất rừng tự nhiên, mà còn nâng cao ý thức giữ rừng của người dân và giúp họ có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Bàn phương án tuần tra rừng tại xã Dền Sáng.

Bàn phương án tuần tra rừng tại xã Dền Sáng.

Huyện Bát Xát hiện có 70.500 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên với hơn 51.900 ha. Rừng trên địa bàn huyện được đánh giá là giàu trữ lượng tài nguyên với nhiều động vật, thực vật phong phú, đặc biệt là nhiều loài thuộc diện nguy cấp, quý hiếm đang được bảo vệ nghiêm ngặt như pơ-mu, thông tre, thông đỏ, nghiến, trai, đinh, sến, dổi, các loài lan kim tuyến và một số loài dược liệu, động vật quý hiếm khác. Việc bảo vệ rừng được địa phương đặc biệt coi trọng bởi không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội, môi trường mà còn là sự bảo tồn, gìn giữ những nguồn gen đặc hữu cho thế hệ sau.

Tuy nhiên, do diện tích rộng, tài nguyên phong phú nên công tác bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Bát Xát gặp rất nhiều khó khăn. Không những thế, người dân tại 201 thôn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng vốn tự cung, tự cấp qua nhiều thế hệ, coi việc khai thác rừng là nguồn sống nên để thay đổi nhận thức không hề đơn giản. Trên địa bàn huyện vẫn xảy ra tình trạng người dân sử dụng các loại súng, bẫy tự chế để săn bắt động vật hoang dã, khai thác lâm sản trái phép...

Thực hiện công tác bảo vệ rừng, những năm gần đây, huyện Bát Xát đã cụ thể hóa các văn bản, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh để tuyên truyền, triển khai việc giao khoán bảo vệ rừng cho tổ chức và cộng đồng dân cư. Huyện kết hợp nhiều biện pháp để xác định thông tin chủ rừng phục vụ công tác giao đất, giao rừng đúng chủ. Đến nay, Bát Xát đã giao đất, giao rừng (đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng) cho 18 cộng đồng dân cư quản lý, gồm hơn 1.170 ha. Tổng diện tích đất lâm nghiệp đã giao và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các hộ đạt hơn 16.000 ha; khoán bảo vệ hơn 39.650 ha rừng tự nhiên; khoanh nuôi tái sinh hơn 1.000 ha rừng.

Các lực lượng chức năng huyện Bát Xát phối hợp thực hiện công tác bảo vệ rừng.

Các lực lượng chức năng huyện Bát Xát phối hợp thực hiện công tác bảo vệ rừng.

Ông Bùi Đức Túy, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát cho biết: Sau khi được giao đất, giao rừng, người dân và cộng đồng dân cư có ý thức tự chủ với tài sản được giao, có trách nhiệm hơn trong quản lý và sản xuất, hạn chế tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép. Việc phát triển kinh tế từ rừng cũng hiệu quả hơn. Những khu vực giáp ranh, rừng đầu nguồn giao cho cộng đồng dân cư được bảo vệ tốt, giúp tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 54,45% (năm 2015) lên 57% (năm 2018) và đặc biệt, chất lượng rừng cũng được nâng lên rõ rệt.

Định kỳ hằng tuần, Tổ bảo vệ rừng của thôn Trung Trải (xã Dền Sáng) kết hợp với cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát và Trạm Kiểm lâm xã Dền Sáng tổ chức tuần tra diện tích rừng mà thôn được giao bảo vệ. Công tác tuần tra, kiểm tra được tổ chức thường xuyên đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng như bẫy động vật hoang dã, chặt gỗ, thu hái phong lan... Được biết, thôn có 108 hộ nhận khoán bảo vệ hơn 200 ha rừng. Thôn đã thành lập tổ bảo vệ rừng gồm 10 thành viên để tuần tra, bảo vệ rừng, đây là những người yêu rừng, có uy tín trong cộng đồng thôn, thông thạo địa bàn, biết rõ những vị trí xung yếu, dễ xảy ra nguy cơ mất an toàn đến rừng.

Ông Tẩn Sài Vảng, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng thôn Trung Trải cho biết: Trung bình mỗi tháng, chúng tôi tổ chức 8 buổi tuần tra rừng, vào những tháng cao điểm mùa khô hanh sẽ tiến hành các buổi tuần tra đột xuất. Chúng tôi tuyên truyền người dân không nên mở rộng diện tích trồng thảo quả, chỉ tập trung chăm sóc diện tích có sẵn; không được chặt cây, săn bắt động vật hoang dã và sử dụng lửa trong rừng.

Những năm trước đây, một số đối tượng vì lợi nhuận đã khai thác trái phép gỗ, săn bắt động vật hoang dã. Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động các thôn ký cam kết quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng. Có 4/4 thôn ký cam kết bảo vệ rừng đặc dụng để nhận hỗ trợ và các thôn đều thực hiện nghiêm túc cam kết.

Ông Lý Láo San, Phó Chủ tịch UBND xã Dền Sáng cho biết: Là địa phương nằm trong vùng lõi của rừng đặc dụng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, xã phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng, phối hợp thực hiện các chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, cộng đồng thôn vùng lõi, vùng đệm phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập, từ đó giảm sự phụ thuộc vào rừng.

Mô hình giao khoán bảo vệ và phát triển rừng cho các tổ chức, cộng đồng dân cư đã đạt được kết quả, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng giảm rõ rệt. Trong 10 tháng năm 2019, trên địa bàn huyện đã xử lý 5 vụ vi phạm, tịch thu hơn 10,962 m3 khối gỗ, xử phạt hơn 75 triệu đồng (giảm 2 vụ so với năm 2018), không để xảy ra cháy rừng... Những tổ chức, cộng đồng dân cư làm tốt việc bảo vệ rừng được nhận hỗ trợ tiền khoán bảo vệ rừng và tiền dịch vụ môi trường rừng. Đây cũng là động lực để các tổ bảo vệ rừng tích cực trong công việc được giao khoán, hiệu quả công tác bảo vệ rừng ngày càng được nâng cao.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/hieu-qua-cong-tac-bao-ve-rung-o-bat-xat-z3n20191117091037622.htm