Hiệu quả công tác giáo dục chính trị trong quân đội
Sau 12 năm thực hiện Chỉ thị số 124 và 10 năm thực hiện Đề án đổi mới giáo dục chính trị (GDCT), công tác GDCT có nhiều đổi mới sáng tạo cả về nội dung, hình thức, phương pháp, tạo bước chuyển biến toàn diện. Hoạt động này đã trực tiếp góp phần xây dựng quân đội và lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) vững mạnh về chính trị, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu toàn quân.
Những đột phá, chuyển biến mạnh mẽ
Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Chỉ thị số 124 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác GDCT tại đơn vị trong giai đoạn mới” và 10 năm thực hiện Đề án “Đổi mới công tác GDCT tại đơn vị trong giai đoạn mới”.
Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho biết, qua 12 năm thực hiện Chỉ thị 124 và 10 năm thực hiện Đề án, công tác GDCT trong toàn quân đã có sự đột phá, tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ, trực tiếp góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu.
Điểm nổi bật là các cơ quan, đơn vị đã chủ động củng cố kiện toàn, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng năng lực, kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy, phương pháp soạn giáo án điện tử cho đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị. Đã kết hợp phương pháp giáo dục truyền thống với hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phương tiện trình chiếu để hỗ trợ nâng cao chất lượng bài giảng. Các thiết chế văn hóa phục vụ cho công tác giảng dạy chính trị cũng được kiện toàn, đầu tư nâng cao chất lượng, hiệu quả. Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị giỏi các cấp được quan tâm, tổ chức thường xuyên, tạo môi trường để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy chính trị.
Chương trình, nội dung giáo dục có sự đổi mới toàn diện, bảo đảm tính cơ bản, hệ thống; gắn kết giữa lý luận với thực tiễn, hình thức thể hiện phong phú, sát với các đối tượng ở đơn vị. Việc biên soạn tài liệu GDCT được đẩy mạnh ở tất cả các cấp trong toàn quân, với hàng nghìn loại tài liệu mới được biên soạn, là các chuyên đề, bài giảng GDCT ở tất cả các cấp.
Tùy đặc điểm, nhiệm vụ, những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong Quân khu 7 có nhiều mô hình hay về công tác GDCT. Thượng tá Trần Hoàng Giang, Chính ủy Sư đoàn 5 cho biết đã triển khai nhiều mô hình “Mỗi tối 1 câu hỏi, 1 đáp án chính trị bổ ích”, “Mỗi tháng 1 diễn đàn, mỗi quý 1 chuyên đề sinh hoạt”…
Ví dụ mô hình “Mỗi tối 1 câu hỏi, 1 đáp án chính trị bổ ích”, hằng ngày, đơn vị soạn câu hỏi ngắn gọn về chính trị, đạo đức, pháp luật lồng ghép trong các hoạt động, định hướng tốt tư tưởng bộ đội mọi lúc, mọi nơi; qua đó, đổi mới phương pháp, khắc phục sự khô cứng, ngại học chính trị của một số đồng chí, chiến sĩ nắm và chấp hành tốt kỷ luật.
Từ những mô hình làm điểm của Sư đoàn 5, Quân khu 7 đã rút kinh nghiệm chỉ đạo các đơn vị có nhiều cách làm sáng tạo, như Sư đoàn 302 có “Mô hình trực quan giáo dục chiến sĩ mới”; Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có mô hình “Vòng quay trí tuệ”… Các mô hình bảo đảm tính khoa học, dễ làm, dễ hiểu, dễ nhớ, sát đời sống chiến sĩ và lồng ghép tốt giữa giáo dục cơ bản với giáo dục chung, giáo dục riêng và giáo dục theo nhiệm vụ.
Ngoài chương trình quy định của Tổng cục Chính trị, 12 năm qua, các cấp của Quân khu 7 còn biên soạn thêm 1.980 chuyên đề giáo dục về biên giới quốc gia, biển, đảo; những quy định mới về pháp luật, vấn đề dư luận xã hội, chiến sĩ quan tâm... định hướng, giáo dục tốt tư tưởng cho chiến sĩ.
Rèn giũa đội ngũ cán bộ giảng dạy từ các cuộc thi
Trước khi tổ chức Hội nghị, từ 17 - 21/7, Tổng cục Chính trị đã tổ chức Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị trong Quân đội và DQTV cấp toàn quân năm 2023 với sự tham gia của 123 thí sinh đến từ các đầu mối đơn vị trong toàn quân.
123 thí sinh tham gia Hội thi là những cán bộ giảng dạy chính trị tiêu biểu được lựa chọn từ các đơn vị trong toàn quân và DQTV các địa phương thuộc 7 quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên triệu tập đối tượng DQTV của các địa phương tham gia Hội thi. Để chuẩn bị cho Hội thi này, từ đầu năm 2023, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tổ chức thi từ cấp cơ sở đến cấp trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nghiêm túc, chặt chẽ, đạt chất lượng tốt.
Tham dự Hội thi, Đội tuyển Quân khu 4 đoạt giải Nhất toàn đoàn khối DQTV và 6 đồng chí tham gia Hội thi đều đạt giải. Kết quả 1 đồng chí đạt giải Nhất, 2 đồng chí đạt giải Nhì, 1 đồng chí đạt giải Ba và 2 đồng chí đạt giải Khuyến khích.
Đoàn cán bộ Quân khu 2 có 6/6 thí sinh tham gia đều đạt giải, trong đó chị Phàn Thị Phượng, Chính trị viên Phó Ban CHQS xã Hợp Thành, TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đạt giải Nhì và 5 thí sinh còn lại đạt giải Khuyến khích. Đây là lần đầu tiên đoàn Quân khu 2 có 100% cán bộ đạt giải trong Hội thi giảng dạy chính trị cấp toàn quân.
Trung tướng Phạm Đức Duyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 2 cho biết, để chuẩn bị cho Hội thi lần này, ngay từ đầu năm 2023, các cơ quan, đơn vị trong Quân khu 2 đã tổ chức thi từ cấp cơ sở đến cấp Quân khu rất chặt chẽ, nghiêm túc, đạt chất lượng tốt. Từ đó lựa chọn những cán bộ tiêu biểu xuất sắc để bồi dưỡng tham gia thi cấp toàn quân. Trước khi đến với Hội thi cấp toàn quân, cán bộ được chọn về Quân khu từ rất sớm để bồi dưỡng, chỉnh sửa nội dung, bổ sung cập nhật thông tin cho giáo án, bài giảng; tổ chức luyện tập, rút kinh nghiệm về phương pháp, tác phong giảng bài, bảo đảm sát với nội dung, đối tượng, thời gian quy định.
Theo đánh giá của Đảng ủy Quân khu 7, hiện 100% cán bộ giảng dạy chính trị của quân khu có bản lĩnh vững vàng; sống có nghĩa có tình, thương yêu đồng đội; tích cực tự học, tự rèn nâng cao năng lực, phương pháp, kỹ năng công tác; gương mẫu chấp hành kỷ luật, hoàn thành tốt chức trách được giao. Từ đây, đội ngũ cán bộ đã đổi mới nội dung, phương pháp GDCT.