Hiệu quả của Ban thông tin truyền thông cấp xã
ĐBP - Sau 2 năm triển khai mô hình Ban thông tin truyền thông (TTTT) cấp xã tại xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên) và xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng) đã mang lại những kết quả tích cực. Hiện nay Ban TTTT của 2 xã hoạt động ổn định, hàng tháng biên soạn đều đặn các tin bài phổ biến, giáo dục pháp luật, phát triển sản xuất và tuyên truyền đường lối của Ðảng, chính sách của Nhà nước trên hệ thống loa truyền thanh của xã.
Nhóm tài chính tự quản xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng) thu thập thông tin của người dân trên địa bàn.
Ban TTTT xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng) được thành lập trong khuôn khổ Dự án Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin tại xã Ngối Cáy với sự hỗ trợ của Sở Tư pháp, Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh và Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam. Ông Lò Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Ngối Cáy, Trưởng ban TTTT xã cho biết: Ban TTTT tổ chức và thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao năng lực, hỗ trợ thực thi quyền tiếp cận thông tin cho cộng đồng. Thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau về các lĩnh vực văn hóa, đời sống, kỹ thuật sản xuất, pháp luật để biên soạn tài liệu truyền thông. Trước đây, công tác tuyên truyền được thực hiện thông qua các cuộc họp, qua hệ thống loa truyền thanh nhưng chưa được thường xuyên, liên tục và kịp thời. Mô hình Ban TTTT được triển khai không chỉ làm công tác tuyên truyền, trong quá trình hoạt động còn thành lập ở các bản Nhóm tài chính tự quản (VSLA). Sinh hoạt hàng tháng của nhóm với 2 nội dung chính là: Ðóng góp quỹ tương trợ, quỹ cho vay và triển khai các hoạt động tuyên truyền, đề xuất những thông tin cần tuyên truyền. Sau đó những thông tin được chuyển lên Ban TTTT xã, Ban sẽ biên soạn nội dung tuyên truyền phù hợp gửi lại cho các nhóm để tuyên truyền trong các cuộc họp nhóm và trên loa truyền thanh. Sau khi mô hình Ban TTTT hoạt động, việc chuyển tải các thông tin đến với người dân trên địa bàn xã Ngối Cáy phù hợp và được đón nhận nhiều hơn; hiểu biết của người dân được nâng lên, người dân tự tin trong giao tiếp, ứng xử, mạnh dạn phát biểu ý kiến trong các cuộc họp… Thời gian tới, để phát huy hiệu quả, xã sẽ kết hợp công tác tuyên truyền với tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, tìm hiểu pháp luật.
Chị Tòng Thị Tiên, trưởng nhóm VSLA bản Xuân Ban, xã Ngối Cáy chia sẻ: Ðược thành lập từ tháng 7/2018 với 20 thành viên, hàng tháng nhóm đều tổ chức sinh hoạt. Quỹ tương trợ của nhóm giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau. Nội dung sinh hoạt là tuyên truyền những thông tin do Ban TTTT xã biên soạn; đồng thời thu thập thông tin để chuyển tới Ban TTTT xã, vấn đề được người dân quan tâm đề xuất chủ yếu là các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quy định của pháp luật… Qua đây, người dân có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau và các chị em phụ nữ vùng cao đã tự tin hơn trong giao tiếp. Thời gian tới, nhóm sẽ thành lập đội văn nghệ, đội bóng chuyền hơi để tham gia giao lưu với các bản trong xã.
Là 1 trong những đại biểu của huyện Ðiện Biên được đi tham quan, học hỏi mô hình Ban TTTT cấp xã ở Ngối Cáy, bà Lò Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết: Sau khi đi tham quan ở xã Ngối Cáy, dù chưa thành lập được Ban TTTT, song chính quyền xã Thanh An đã phối hợp với các ban, đoàn thể xã xây dựng nội dung tuyên truyền để phát trên loa phát thanh xã, bản. Nội dung tuyên truyền tập trung về: chính sách trợ cấp xã hội; chăm sóc sức khỏe cộng đồng; sử dụng điện an toàn… Áp dụng bước đầu thấy hiệu quả tuyên truyền được nâng lên rõ rệt.
Với mô hình Ban TTTT cấp xã, việc phổ biến pháp luật trở nên gần gũi, phù hợp với điều kiện, nhận thức của người dân nông thôn; hình thức hoạt động (như việc thành lập các nhóm VSLA) đã lôi cuốn, hấp dẫn hơn được người dân đón nhận, hưởng ứng. Nội dung thông tin phong phú, thiết thực góp phần nâng cao nhận thức pháp lý, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất giúp người dân vận dụng trong đời sống sinh hoạt, phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ… Từ đó nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương.