Hiệu quả của các chương trình giao lưu, đối thoại về việc làm

Các chương trình giao lưu, đối thoại và tìm hiểu việc làm cho người lao động, đoàn viên, thanh niên thời gian qua được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Quảng Trị phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức đạt được kết quả đáng khích lệ. Nhờ đó, nhiều người dễ dàng tiếp cận được thông tin cần thiết về thị trường lao động như ngành, nghề, quá trình tham gia đào tạo, nơi làm việc, chi phí xuất khẩu lao động... để có quyết định đúng đắn trong tìm kiếm việc làm.

Đoàn viên, thanh niên tham gia phiên giao dịch việc làm tại Trường THCS-THPT Tà Rụt, huyện Đakrông -Ảnh: TÚ LINH

Đoàn viên, thanh niên tham gia phiên giao dịch việc làm tại Trường THCS-THPT Tà Rụt, huyện Đakrông -Ảnh: TÚ LINH

Chương trình giao lưu, đối thoại và tìm hiểu về việc làm cho người lao động, đoàn viên thanh niên năm 2023 được Sở LĐ,TB&XH phối hợp với UBND huyện Cam Lộ tổ chức thu hút sự tham gia của 8 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tỉnh.

Chương trình này bao gồm các hoạt động tư vấn, phỏng vấn nhằm cung ứng lao động - việc làm trong nước và xuất khẩu lao động. Gần 500 đoàn viên thanh niên, người lao động trên địa bàn huyện Cam Lộ đến tìm hiểu thông tin thị trường lao động và tham gia đăng ký đào tạo, phỏng vấn tìm kiếm việc làm tại chương trình này.

Tại đây, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp đã tư vấn thông tin thị trường việc làm, chia sẻ, trao đổi, giải đáp ý kiến của đoàn viên thanh niên, người lao động về hoạt động đào tạo nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm, chính sách hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Những thông tin này đã giúp người lao động có định hướng nghề nghiệp, lựa chọn được ngành nghề, thị trường lao động phù hợp với năng lực.

Có mặt tại buổi giao lưu, học sinh Lê Minh Quân, lớp 11B1, Trường THPT Lê Thế Hiếu, Cam Lộ, cho biết: Em cùng các bạn rất vui khi biết có chương trình giao lưu, đối thoại và tìm hiểu việc làm cho thanh niên được tổ chức tại trung tâm huyện Cam Lộ nên đã cùng nhau đến từ rất sớm để tham gia.

Chương trình phân tích rõ ràng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nghề nghiệp và việc làm đối với thanh niên. Qua đó chúng em có định hướng rõ ràng hơn cho nghề nghiệp bản thân. Em có dự định sau khi tốt nghiệp THPT sẽ du học nước ngoài hệ vừa học, vừa làm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh, số người trong độ tuổi lao động của huyện chiếm trên 60% dân số, trong đó lao động có nhu cầu tìm việc làm rất lớn. Tuy nhiên, do quy mô nền kinh tế của huyện chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội nên vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Việc tổ chức chương trình giao lưu, đối thoại về việc làm cho người lao động và đoàn viên, thanh niên trên địa bàn luôn là sự quan tâm hàng đầu của huyện. Đây là đầu mối cung cấp cho người lao động và người sử dụng lao động những thông tin cần thiết về cung, cầu lao động, góp phần giúp huyện từng bước giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động.

Trước đó, tại huyện Đakrông, Sở LĐ,TB&XH phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ,TB&XH và UBND huyện Đakrông tổ chức giao lưu, đối thoại về việc làm cho hơn 500 đoàn viên, thanh niên các xã A Bung, A Vao, A Ngo, Tà Rụt, Hướng Hiệp, Mò Ó, Đakrông và thị trấn Klông Klang. Bí thư Xã đoàn Tà Rụt Hồ Văn Phong cho biết có hơn 30 đoàn viên, thanh niên của xã tham gia chương trình giao lưu, đối thoại về việc làm đợt này. Đa số các đoàn viên, thanh niên chưa có việc làm ổn định, cuộc sống khá khó khăn.

Họ rất mong muốn tìm được việc làm để thoát nghèo. Chương trình đã giúp các đoàn viên, thanh niên hiểu hơn về các chính sách thiết thực của trung ương và tỉnh quan tâm đến công tác việc làm cho người dân tộc thiểu số nên đã mạnh dạn đăng ký để được các đơn vị tham gia chương trình tư vấn việc làm.

Theo anh Hồ Văn Phong, nhờ chương trình giao lưu, 10 tháng đầu năm 2023, có hơn 10 thanh niên trên địa bàn xã đi làm việc ở Nhật Bản theo hợp đồng. Trước đó, thanh niên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhưng chưa nhiều. Sau khi tham gia chương trình giao lưu, với sự tư vấn nhiệt tình của các đơn vị, doanh nghiệp, nhiều đoàn viên, thanh niên quyết tâm đi xuất khẩu lao động để thoát nghèo.

Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Quảng Trị Lê Nguyễn Huyền Trang cho biết: Trong những năm qua, vấn đề lao động - việc làm luôn được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm. Hằng năm, trung bình tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động.

Riêng năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho hơn 16.100 lượt lao động; 6 tháng đầu năm 2023 giải quyết việc làm cho gần 7.300 lượt lao động. Đạt được kết quả quan trọng này, bên cạnh sự quan tâm của các cấp, ngành có sự đóng góp không nhỏ từ chương trình giao lưu, đối thoại về việc làm được ngành phối hợp tổ chức tại cơ sở.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng người lao động đi làm việc ở ngoại tỉnh và nước ngoài theo hợp đồng lao động chưa tương xứng với tiềm năng.

Do quy mô nền kinh tế nhỏ nên nhu cầu, số lượng tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa cao, chưa phong phú, đa dạng. Vẫn còn tình trạng lao động mất việc làm nhưng một số doanh nghiệp lại thiếu lao động cục bộ.

Ngoài ra, chất lượng cung cấp lao động của tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động hiện đại, có thu nhập cao.

Thời gian tới, ngành LĐ,TB&XH tiếp tục phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm cố định và lưu động trên địa bàn các huyện; tư vấn, tuyển chọn lao động (chú trọng ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số) tham gia xuất khẩu lao động ngày càng nhiều hơn.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/hieu-qua-cua-cac-chuong-trinh-giao-luu-doi-thoai-ve-viec-lam/180931.htm