Hiệu quả của Chỉ thị 23 trong việc 'kéo giảm' vi phạm xây dựng tại TP.HCM
Trước tình trạng vi phạm trật tự xây dựng 'nhức nhối' tại TP.HCM, tháng 7/2019 Thành ủy TP ban hành Chỉ thị 23 nhằm chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý lĩnh vực này. Đến nay, Chỉ thị 23 đã phát huy tác dụng, mang lại chuyển biến tích cực trong việc 'kéo giảm' vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM.
Vi phạm xây dựng giảm sâu
Trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 1.550 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, riêng huyện Bình Chánh phát hiện hơn 1.400 trường hợp vi phạm, đã khắc phục xử lý hậu quả 673 trường hợp. Bình quân số vụ vi phạm là 8,5 vụ/ngày.
Đến năm 2020, số vụ vi phạm tại huyện Bình Chánh giảm 59,2%. Đến hết năm 2022, tỷ lệ giảm là 72% so với năm 2021. Kết quả này đã chứng minh được hiệu quả của Chỉ thị 23 nói chung, cũng như cho thấy sự chuyển biến trong công tác quản lý trật tự xây dựng nói riêng tại huyện Bình Chánh.
Tại xã Vĩnh Lộc A, người dân đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền trong việc xử lý các trường hợp vi phạm.
“Hàng tháng đều họp tổ nhân dân, tổ trưởng tổ nhân dân hàng ngày đi kiểm tra. Nếu có phát hiện thì báo cáo ấp, ấp báo cáo về xã để kịp thời xử lý”, ông Võ Trung Tuyến, người dân xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh nói.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, sau gần 4 năm thực hiện Chỉ thị 23, tổng số công trình vi phạm trên địa bàn là 2.631 công trình, tỷ lệ giảm là 77,8% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 23. Riêng 4 tháng đầu năm 2023, tổng số công trình vi phạm là 110 công trình, bình quân có 0,9 vụ/ngày, tỷ lệ giảm 89,2%.
Cần giải quyết nhu cầu nhà ở
Việc xử lý vi phạm xây dựng mới chỉ là phần ngọn. Gốc rễ của vấn đề là nhu cầu về nhà ở của người dân rất cao nhưng chưa được đáp ứng. Đơn cử như huyện Bình Chánh, dân nhập cư nhiều, hầu hết vi phạm xây dựng đều ở trên đất nông nghiệp.
Bà Lê Thị Trà My, ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh cho rằng, người dân muốn giải quyết nhu cầu về chỗ ở: “Mỗi lần chính quyền thấy làm thì người ta xuống. Khi thấy cán bộ xuống thì người dân lại dẹp đi, đâu lại vào đó gọn gàng. Khi cán bộ về, người dân do không có chỗ ở, buộc lòng phải xây tạm bợ lên để ở”.
Để giải quyết căn cơ tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, chính quyền TP.HCM và các sở ngành chức năng phải giải được bài toán phát triển nhà ở. Về giải pháp, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đã triển khai việc hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân được cấp phép để xây dựng, cải tạo nhà trọ, phòng trọ cho công nhân, người lao động.
Theo ông Khiết, Sở Xây dựng đã ban hành các văn bản để thực hiện các quy định của Chính phủ và UBND TP. Tuy nhiên, thực tế triển khai vào cuộc sống vẫn không sát được.
“Sở Xây dựng đã ban hành văn bản 3979 năm 2020 hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân trình tự, thủ tục đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động nhưng qua khảo sát, giám sát thì thấy các điều kiện đặt ra vẫn còn khác xa so với điều kiện thực tế”, ông Khiết nêu thực tế.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, mỗi năm, TP tăng thêm 200.000 người. UBND TP đã phê duyệt đề án “Xây dựng Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030". Mục tiêu của chương trình là khắc phục những hạn chế trong việc phát triển nhà ở của TP trong thời gian qua, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với các mức thu nhập khác nhau.
“Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư để phát triển nhà ở, trên cơ sở đó, tập trung cho nhóm ưu tiên cho nhà ở xã hội, nhà trọ cho công nhân, người lao động trên địa bàn cũng như chính sách hỗ trợ cho dự án chỉnh trang đô thị”, ông Cường cho biết.
Theo ông Cường, TP.HCM đã đề xuất nhiều chính sách trong dự thảo thay thế Nghị quyết 54/2017 về cơ chế đặc thù. Nếu được phê duyệt, nghị quyết mới sẽ giúp cho TP.HCM có thể “cởi trói” về cơ chế, chính sách nhằm giải quyết tốt hơn nữa nhu cầu về nhà ở của người dân. Qua đó, góp phần thực hiện Chỉ thị 23 có hiệu quả hơn, căn cơ hơn./.