Hiệu quả của Dự án 'Cải thiện nông nghiệp có tưới'

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Hồng Phương cho biết, dự án 'Cải thiện nông nghiệp có tưới' (WB7) nhằm phát triển và cải thiện tính bền vững của hệ thống sản xuất nông nghiệp được cung cấp dịch vụ tưới tiêu đã nâng cấp, hiện đại hóa tại 7 tỉnh ở khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung, Quảng Trị là một trong những tỉnh được hưởng lợi. Trong dự án WB7, dự án thành phần tỉnh Quảng Trị có 4 hợp phần, trong đó hợp phần 3 là 'Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu' (CSA).

 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức hội thảo để nông dân đánh giá mô hình CSA

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức hội thảo để nông dân đánh giá mô hình CSA

Mục tiêu của dự án là cải thiện sản xuất nông nghiệp có tưới nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp và bền vững thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở cải thiện hệ thống tưới tiêu và thể chế, chính sách quản lí thủy lợi, theo định hướng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hợp phần 3 của dự án WB7 tỉnh Quảng Trị tập trung vào các nội dung hỗ trợ xây dựng 15 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các thực hành CSA. Triển khai việc làm này nhằm tăng cường năng lực cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, thúc đẩy việc nhân rộng các thực hành và các hệ thống CSA, phổ biến kiến thức về CSA, đào tạo các thực hành và hỗ trợ mở rộng ứng dụng các thực hành CSA bền vững. Ngoài ra còn tổ chức hội thảo để các bên liên quan thảo luận, đánh giá các hệ thống CSA và các hoạt động, từ đó rút bài học kinh nghiệm và đề xuất kiến nghị phát triển CSA…

Mô hình này được triển khai theo phương pháp khuyến nông có sự tham gia của người nông dân, trong đó nông hộ tham gia về công lao động trực tiếp, được hỗ trợ kĩ thuật, 100% giống và chế phẩm vi sinh, 30% vật tư triển khai, toàn bộ sản phẩm thu được nông hộ được hưởng. Việc triển khai xây dựng mô hình cũng có sự tham gia của chính quyền, đoàn thể tại địa phương, thông qua công tác tuyên truyền vận động thực hiện chủ trương của dự án, giám sát kết quả thực hiện và tuyên truyền nhân rộng kết quả của mô hình.

Ông Nguyễn Ngọc Thành là một trong những hộ canh tác lúa theo mô hình thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại HTX Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh. Vụ hè thu 2019 mỗi héc ta lúa của gia đình ông Thành thu hoạch cho năng suất lên đến 56 tạ/ha, cao hơn 5- 8 tạ /ha so với canh tác truyền thống, lợi nhuận kinh tế mỗi héc ta cũng cao hơn gần 8 triệu đồng. Ông Thành vui mừng vì dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” đã mang lại cho người dân Quảng Trị nguồn thu nhập tăng rõ rệt.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gio Linh Lê Văn Viễn cho biết, việc tiến hành xây dựng mô hình được tiến hành qua 6 bước. Đầu tiên là tham vấn xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình; công khai mục tiêu, nội dung, mức độ đầu tư của dự án và trách nhiệm vốn đối ứng của nông dân tham gia đến các hộ nông dân và chính quyền sở tại. Tập huấn kĩ thuật, triển khai đầu vụ cho các hộ nông dân, cùng lên kế hoạch triển khai và chăm sóc, dựa trên cơ sở các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của từng đối tượng cây trồng. Các hộ tham gia mô hình được nhận giống và vật tư tương ứng theo định mức để thực hiện mô hình. Cán bộ kĩ thuật thường xuyên đi thăm đồng vào các thời điểm làm đất, gieo trồng, làm cỏ kết hợp bón phân, chuẩn bị thu hoạch hoặc khi có yêu cầu của nông dân đến xem xét những hiện tượng bất thường nảy sinh trên đồng ruộng. Thông qua các buổi thăm đồng, cán bộ kĩ thuật và nông hộ đánh giá, nhận định và đưa ra các giải pháp chăm sóc phù hợp; cùng với hộ nông dân trực tiếp xây dựng mô hình đánh giá những ưu điểm và nhược điểm, cũng như kết quả đạt được của mô hình. Tổ chức hội nghị tham quan đầu bờ cho các hộ nông dân trong và ngoài vùng dự án có điều kiện sản xuất tương tự để nhân rộng kết quả của mô hình cũng như dự án.

Theo bà Nguyễn Hồng Phương, qua hai năm hoạt động hợp phần 3 của dự án WB7 đã hỗ trợ xây dựng thành công 15 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các thực hành CSA bao gồm 6 mô hình “Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa và nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích” với diện tích 438 ha (4 vụ / 2 năm) gồm 456 hộ nông dân tham gia tại xã Cam Thanh (huyện Cam Lộ); các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm (huyện Vĩnh Linh), các xã Gio Mỹ, Gio Thành, Gio Quang (huyện Gio Linh) trên đất 2 vụ lúa. Ngoài ra còn 6 mô hình “Sản xuất cây trồng cạn (lạc, ngô, đậu xanh…) áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hướng hàng hóa” với quy mô gần 54 /67,39 ha, đạt 80% so với kế hoạch (2 vụ) được triển khai tại xã Cam Thanh (huyện Cam Lộ); các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh), các xã Gio Mỹ, Gio Thành (huyện Gio Linh). Mô hình “Sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm” với quy mô 2,03 ha tại phường Đông Thanh (TP. Đông Hà) và 2 mô hình trên cây tiêu.

Bên cạnh các mô hình CSA, dự án đã hỗ trợ xây dựng các mô hình nhân rộng CSA trên cây lúa, cây màu, cây rau. Với cây lúa đã thực hiện được 2 vụ (đông xuân và hè thu 2018) với quy mô hơn 647 ha (đạt 94% so với kế hoạch) tại các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh. Đối với mô hình nhân rộng CSA trên cây màu thực hiện trong vụ hè thu 2018 với quy mô 45 ha tại các huyện Cam Lộ và Vĩnh Linh. Mô hình nhân rộng CSA trên cây rau thực hiện vụ hè thu 2018 với quy mô 3 ha tại huyện Vĩnh Linh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hòe cho biết, qua 4 vụ triển khai thực hiện các mô hình CSA tại các địa phương cho thấy năng lực áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật mới và nhận thức về biến đổi khí hậu của nông dân các vùng dự án đã nâng lên thông qua các lớp tập huấn và xây dựng mô hình, góp phần đưa năng suất và hiệu quả kinh tế tăng lên, giảm phát thải nhà kính và ô nhiễm môi trường. Diện tích thực hiện mô hình CSA trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 3.908 ha. Trong đó diện tích thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu” 110 ha, diện tích CSA nhân rộng chính 2.835 ha…

Mặt khác, các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Mặt trận… cùng tham gia quản lí sản xuất và góp phần vào việc đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ sản xuất mới; tăng cường bình đẳng giới, vai trò, kiến thức, kĩ năng, sự tham gia của người phụ nữ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cán bộ địa phương và người dân thấy được những hiệu ích thiết thực mang lại từ mô hình như: Phương thức tổ chức sản xuất hợp lí, cơ giới hóa sản xuất, hệ thống tưới tiêu đồng bộ. Từ đó mở rộng áp dụng cho các vùng sản xuất khác ở địa phương và các vùng lân cận.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=143691