Hiệu quả của nhóm phát triển cộng đồng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản

Dự án 'Các tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho phụ nữ và thanh niên DTTS' do tổ chức ActionAid tài trợ đang được triển khai tại 2 địa phương Lâm Hà (Lâm Ðồng) và Krông Bông (Ðắk Lắk) giai đoạn 2017-2021 tập trung vào đối tượng hưởng lợi cuối cùng là 95.320 phụ nữ và thanh niên, các tổ chức xã hội và cộng đồng DTTS vùng dự án.

Các thành viên nhóm phát triển cộng đồng thảo luận về kế hoạch hoạt động truyền thông tư vấn SKSS quý 3 - 2019. Ảnh: A.N

Tại Lâm Hà, dự án đã thành lập và duy trì 14 nhóm phát triển cộng đồng (PTCĐ) ở 2 xã Tân Thanh và Đan Phượng với 300 thành viên. Ông Đinh Thiên Tường - Trưởng nhóm nông dân PTCĐ Thôn 8 - xã Tân Thanh cho biết: Cuối năm 2012 đã thành lập nhóm PTCĐ và đi vào hoạt động từ năm 2013, đến nay nhóm nông dân có 25 thành viên, có 7 nam. Tất cả các thành viên đều tham gia các buổi tập huấn về kinh tế, sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và tập huấn về chăm sóc SKSS, giáo dục giới tính cho thanh niên, nữ giới, bình đẳng giới, công tác tuyên truyền chung cho cả nam và nữ, kỹ năng tuyên truyền trong nhóm của mình và tuyên truyền tại cộng đồng, nhất là trong các buổi họp thôn.

Ông Tường nhấn mạnh: “Tuyên truyền về SKSS cho phụ nữ là chủ chốt và phải tuyên truyền cho cả nam giới bởi nam giới chiếm một nửa. Thuận lợi là tôi làm Trưởng Thôn 8, xã Tân Thanh nên tất cả các cuộc họp thôn đều đưa ra tuyên truyền về vấn đề giới tính, SKSS và nhất là tảo hôn. Khi tuyên truyền về tảo hôn, tôi nói với bà con rằng nếu đã được tuyên truyền mà bà con không nghe thì đừng mời tôi dự cưới, khi con chưa đủ tuổi lại kết hôn là sai luật”. Thực tế, trong thôn vẫn còn xảy ra tình trạng tảo hôn và phải thường xuyên tuyên truyền, học sinh đang học lớp 6 đã nghỉ học về nhà lập gia đình rồi, Thôn 8 mới có 1 vụ tảo hôn xảy ra cách đây hơn 1 tháng. Trung bình, 1 năm trong Thôn 8, xã Tân Thanh có 4 cặp tảo hôn, đặc biệt chỉ tập trung ở Xóm 3 có 80 hộ với 100% là người Dao đỏ. Bởi vậy, tuyên truyền được xem là vấn đề mưa dầm thấm lâu vì tảo hôn đã là phong tục tập quán lâu đời trong đời sống người Dao, dù có biện pháp chế tài xử phạt người dân vẫn lấy nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn.

Thôn 8, xã Tân Thanh có 317 hộ, chiếm 96% là người DSTS phía Bắc, phân bố ở 3 xóm gồm: Xóm 3 có 100% người Dao; Xóm 1 - nơi người Tày sinh sống; Xóm 2 có cả người Tày và Nùng cùng sinh sống. Mỗi xóm có đặc thù riêng và nhóm PTCĐ căn cứ đặc thù của từng dân tộc để tuyên truyền. Mô hình hoạt động nhóm PTCĐ mỗi tháng họp 1 lần vào ngày 15 hàng tháng, hiệu quả rất tốt, nhất là thúc đẩy nông dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và yếu tố phần mềm là thay đổi ý thức, chuyển đổi hành vi của người dân về chăm sóc SKSS, tác động không chỉ đến các thành viên trong nhóm mà lan tỏa ra cả cộng đồng thôn. So với nữ giới, việc vận động nam giới có những điểm khác hơn, cách tiếp cận của nam giới về SKSS cũng khác nhau, có y tế thôn bản và nhóm PTCĐ tuyên truyền SKSS theo từng nhóm đối tượng. Riêng vấn nạn tảo hôn ở độ tuổi 15-17 tuổi của cả nam và nữ người Dao đỏ, nhóm PTCĐ xác định căn cứ Luật Hôn nhân gia đình để tuyên truyền phòng chống tảo hôn và phải duy trì tuyên truyền bền vững.

Chị Phạm Thị Cẩm Dung - Phó nhóm PTCĐ xã Tân Thanh cho biết nhóm gồm 17 thành viên, thành lập từ 2017, có 100% nữ, độ tuổi 20 - 50 tuổi. Chị thông tin: Năm 2018 có 11 cặp tảo hôn rải rác ở hầu hết các thôn, trong đó Thôn 4, 5, 10 có 2 trường hợp. Năm 2019, tính đến tháng 7 là 4 trường hợp. Những năm trước, các trường hợp tảo hôn nguyên nhân do bố mẹ sắp đặt, tập trung ở người đồng bào DTTS, nhưng thời gian gần đây, tảo hôn do chính các thanh thiếu niên sau khi để lại hậu quả không xử lý được (lỡ mang thai) mới thông báo cho bố mẹ tổ chức cưới và đối tượng có cả người Kinh. Tảo hôn không tập trung ở những người nghỉ học sớm mà cả các cháu là học sinh cấp 2, cấp 3 đi học ở trọ xa nhà. Có nhiều trường hợp tảo hôn ở nơi khác lấy chồng về Tân Thanh như ở Đạ Đờn, Đinh Văn, Hoài Đức và đa số là từ Đắk Lắk, Đắk Nông.

Nguyên nhân chủ yếu do quy định pháp luật tuy có hình phạt cụ thể nhưng chưa xử lý quyết liệt mà chỉ là phạt hành chính, không đủ sức răn đe. Do các bạn tuổi trẻ thiếu kiến thức về SKSS và tình dục an toàn vì bố mẹ, thầy cô thường ngại khi nghe con thắc mắc về những vấn đề tế nhị, không trao đổi với con về các biện pháp tránh thai an toàn, tình dục an toàn, sức khỏe giới tính, những thay đổi tâm sinh lý. Các trường hợp tảo hôn là do các bạn trẻ đa phần khi có thai khoảng 3 tháng mới phát hiện ra, gia đình không đành bỏ thai, dù vẫn biết tảo hôn có nhiều hệ lụy nhưng không còn cách nào khác, gia đình phải tổ chức cưới hoặc đón về chung một nhà.

Chị Dung cho biết: “Có 1 lần tự khảo sát tôi đã đến 1 tiệm thuốc ở gần Trường cấp 3 trong huyện, khảo sát trong vòng 1 tiếng đồng hồ có khoảng 5 bạn trẻ đến mua thuốc tránh thai khẩn cấp mà không có bạn nào mua bao cao su, trong khi bao cao su có rất nhiều tác dụng: phòng tránh thai, tránh lây truyền các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục”.

Bà Nguyễn Thị Cúc, nhóm Phụ nữ PTCĐ thôn An Bình - xã Đan Phượng, cho biết, trước đây, bà có 10 năm làm Bí thư Chi bộ nên trong các cuộc họp chi bộ, thôn tuyên truyền, lồng ghép về SKSS. Nhóm phụ nữ PTCĐ của thôn có 30 thành viên, qua 6 năm tham gia, nhóm phát triển nhiều hội viên, mỗi lần tập huấn về đều tuyên truyền cho các thành viên và nhân rộng ra hội viên phụ nữ, bà con trong thôn. Mô hình nhóm phụ nữ PTCĐ thiết thực cho gia đình như: phổ biến nhiều mô hình phát triển kinh tế, chăm sóc SKSS, tuyên truyền cho các cháu có nền tảng kiến thức cơ bản về chăm sóc SKSS khi vào đời, giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống có chuyển biến. Chính bản thân bà Cúc cảm thấy mô hình rất quan trọng, sâu sát đến cuộc sống gia đình, con cháu, họ mạc bởi được tiếp cận thông tin tuyên truyền, tài liệu, phổ biến các kiến thức về SKSS.

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/201908/hieu-qua-cua-nhom-phat-trien-cong-dong-trong-cham-soc-suc-khoe-sinh-san-2957693/