Hiệu quả của sấy lúa bằng máy
Những năm gần đây, cây lúa của tỉnh được đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất: từ làm đất, lấy nước, đến gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân và thu hoạch. Riêng khâu bảo quản thóc vẫn đang là vấn đề khá nan giải, nhất là thời điểm thu hoạch gặp mưa kéo dài, thóc không phơi được rất dễ hư hỏng. Hiện đã có một số mô hình máy sấy được đầu tư giúp khép kín cơ giới trong các khâu sản xuất lúa.
Những năm gần đây, cây lúa của tỉnh được đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất: từ làm đất, lấy nước, đến gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân và thu hoạch. Riêng khâu bảo quản thóc vẫn đang là vấn đề khá nan giải, nhất là thời điểm thu hoạch gặp mưa kéo dài, thóc không phơi được rất dễ hư hỏng. Hiện đã có một số mô hình máy sấy được đầu tư giúp khép kín cơ giới trong các khâu sản xuất lúa.
Để giải bài toán cho khâu bảo quản thóc sau thu hoạch, từ vụ mùa 2022 Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) đã triển khai dự án hỗ trợ cho HTXDVNN Đồn Xá (Bình Lục) xây dựng lò sấy công nghệ mới. Theo đó, lò sấy được chạy bằng điện, có công suất 10 tấn/lần sấy, thời gian sấy từ 10 – 12 giờ đồng hồ. Tổng nguồn vốn đầu tư 750 triệu đồng, trong đó gần 500 triệu đồng đầu tư hệ thống lò sấy, còn lại là xây dựng nhà xưởng. Mức hỗ trợ 50% giá trị lò sấy, được lấy từ nguồn sự nghiệp nông nghiệp của tỉnh. Lò sấy được hoàn thiện và đi vào hoạt động trong thời điểm thu hoạch lúa mùa vừa qua gặp mưa kéo dài. Do vậy, HTXDVNN Đồn Xá đã triển khai ngay dịch vụ sấy thóc phục vụ người dân. Một số hộ trên địa bàn có lượng thóc từ 2 – 5 tấn/hộ đã đưa đến sấy.
Tuy là vụ đầu tiên triển khai và lượng thóc sấy chưa nhiều, được khoảng 30 tấn, nhưng hướng đi này đã thể hiện rõ ưu điểm. Cụ thể, thóc của người dân sau khi thu hoạch trên ruộng được đưa ngay về lò sấy đã bảo đảm được chất lượng trước khi bảo quản. Điều này khắc phục được tình trạng thời điểm thu hoạch gặp mưa kéo dài không thể phơi khô dẫn đến việc lúa bị mọc mầm, kém chất lượng, hao hụt như cách phơi thủ công trước đây… Về chi phí sấy 600 đồng/kg thóc, nếu so sánh với phơi thủ công thì lượng thóc lớn cũng rẻ hơn khá nhiều. Được biết, để phơi 5 tấn thóc nếu có nắng cũng phải mất 3 ngày, cần 5 công lao động, chưa kể cần diện tích phơi lớn. Trong khi điểm phơi thóc khu vực nông thôn hiện nay rất hạn chế.
Cán bộ HTXDVNN Đồn Xá (Bình Lục) và nhân viên kỹ thuật của đơn vị cung ứng lò sấy kiểm tra thóc sau khi sấy. Ảnh: Thành Nam
Ông Nguyễn Thế Trường, Giám đốc HTXDVNN Đồn Xá cho biết: Tuy máy sấy đưa vào hoạt động khá muộn khi lúa mùa trên địa bàn đã vào cuối vụ thu hoạch, nhưng nhiều người dân vẫn đến đăng ký sấy thóc do gặp mưa không phơi được. Cũng từ thực tế chất lượng, sự tiện lợi của thóc được sấy, người dân địa phương đã có sự thay đổi suy nghĩ, cách làm. Chắc chắn những vụ tới sẽ có nhiều hộ đăng ký đưa thóc đến sấy. HTX đang tính toán, cải tiến để việc đưa thóc vào lò sấy, lấy thóc sau khi sấy ra dễ dàng, thuận tiện hơn cho người dân.
Thực tế, thời gian qua ngoài các doanh nghiệp giống cây trồng, công ty lương thực, một số đại lý thu mua thóc và cá nhân sản xuất quy mô lớn đã đầu tư xây dựng lò sấy công suất nhỏ. Điều này thể hiện rõ ưu điểm khi thóc được sấy bằng lò có sự chủ động, không phải phụ thuộc vào thời tiết. Chất lượng, mẫu mã hạt gạo từ thóc sấy qua lò cũng được bảo đảm hơn, hạn chế tình trạng gãy, nát khi đưa vào xay xát. Vì thế, người dân tại nhiều vùng sản xuất được doanh nghiệp, đại lý thu mua thóc tươi ngay tại ruộng sau thu hoạch, giúp tiết kiệm công phơi.
Như anh Nguyễn Thành Long, thôn Kiều Đan Thượng, xã Tiên Tân (TP Phủ Lý) khi tập trung được 10 ha đất để sản xuất anh đã tự đầu tư xây lò sấy để bảo quản thóc sau thu hoạch và giảm chi phí sản xuất, công lao động. Theo anh Long, với 10 ha ruộng cấy, thu từ 50 – 60 tấn thóc/vụ nếu không có lò sấy thì rất khó cho việc phơi, bảo quản. Không những vậy, nếu phải thuê công lao động phơi thóc sẽ đội chi phí lên rất nhiều.
Thóc của người dân thu hoạch trong vụ mùa gặp mưa phải trải ra nền nhà, dùng quạt điện thổi bị ảnh hưởng đến chất lượng. Ảnh: Thành Nam
Diện tích cấy lúa hiện nay của tỉnh duy trì hơn 29 nghìn ha mỗi vụ, thu được sản lượng thóc gần 200 nghìn tấn/vụ. Trong đó, lượng thóc được bảo quản sau thu hoạch bằng lò sấy chỉ chiếm một phần nhỏ. Vì thế, tỷ lệ hao hụt thóc khá cao, bình quân khoảng 3 – 5% (tính sơ bộ của người dân). Những vụ thu hoạch gặp mưa kéo dài, thóc về không phơi được bị hỏng đáng kể.
Đơn cử như bác Đỗ Trung Thính, thôn Nhân Hòa (Đồn Xá, Bình Lục) cấy 1 ha lúa. Vụ mùa vừa qua thời điểm thu hoạch gặp mưa, một nửa lượng thóc chở về nhà không phơi được. Bác Tính phải rải ra nền nhà và sử dụng quạt điện nhưng thóc không thể khô được. Theo bác Thính, quá trình sản xuất đã vất vả, tốn chi phí, khi thu hoạch gặp mưa không phơi được rất dễ thua lỗ do thóc hỏng. Với người nông dân bao đời nay vẫn quen với hình thức thu hoạch về phơi nắng thủ công trước khi đóng bao bảo quản, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết…
Sản xuất trên đồng ruộng, nhất là cây lúa đang được đẩy mạnh áp dụng cơ giới. Mô hình máy sấy giúp khép kín toàn bộ quy trình cơ giới hóa sản xuất đối với cây lúa. Theo ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, máy sấy được kỳ vọng sẽ giúp phát huy hiệu quả sản xuất. Từ thành công của mô hình máy sấy lúa ở HTXDVNN Đồn Xá, trung tâm hướng đến tuyên truyền nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh.
Sản xuất nông nghiệp nói chung và cây lúa nói riêng của tỉnh đang hướng đến hình thành những vùng sản xuất hàng hóa quy mô tập trung. Do vậy, cơ giới hóa các khâu sản xuất, trong đó có sấy bảo quản sau thu hoạch là hướng đi cần thiết và tất yếu. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/dau-tu/hieu-qua-cua-say-lua-bang-may-87139.html