Hiệu quả của ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp

Nhận thấy tiềm năng sử dụng các chế phẩm vi sinh trong phát triển nông nghiệp rất lớn, là một hướng đi đúng đắn, hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái bền vững và thân thiện với môi trường, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin khoa học và công nghệ Quảng Trị đã sản xuất thành công nhiều chế phẩm vi sinh phục vụ sản xuất và đời sống, được người sử dụng đánh giá cao.

 Sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh - Ảnh: T.L

Sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh - Ảnh: T.L

Các loại chế phẩm do trung tâm sản xuất đạt chất lượng tốt, đã được đăng ký và được các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá, cấp phép sản xuất và thương mại với giá bán ra thị trường phù hợp, thuyết phục được người sử dụng. Bà Nguyễn Thị Phương Liên ở thôn Phú Áng, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong cho biết, đã sử dụng chế phẩm sinh học của trung tâm để làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà từ năm 2019 đến nay. Mỗi năm trang trại gà của gia đình bà nuôi 4 lứa gà, trung bình mỗi lứa khoảng 4 nghìn con gà giống, sau gần 3 tháng xuất bán gà thịt. Là người có chuyên môn về lĩnh vực chăn nuôi, bà Liên chia sẻ, nuôi gà theo phương pháp này khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn của vật nuôi tốt hơn do vật nuôi tiếp nhận được một số vi sinh vật có lợi từ đệm lót. Một điều quan trong nữa là đệm lót giúp giảm tỉ lệ bệnh tật ở gà do quá trình ức chế và tiêu diệt hệ vi sinh vật có hại; hạn chế ruồi, muỗi; hạn chế việc lây lan dịch bệnh. Sử dụng đệm lót sinh học mang lại rất nhiều lợi ích, gà nuôi trên đệm lót sinh học khỏe mạnh, tăng trưởng đồng đều, ít bệnh tật; khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn tốt. Đệm lót sinh học đã phân giải phân, nước tiểu làm cho mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống tốt cho vật nuôi. Ngoài ra còn giúp tiết kiệm công lao động vì không phải dọn, rửa chuồng hằng ngày. Cuối mỗi lứa gà, ngoài số tiền thu được từ việc bán gà thịt thì trang trại của bà Liên còn có nguồn thu thêm từ lượng phân bón của đệm lót sinh học khoảng 4 triệu đồng. Hiện nay chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học đang được áp dụng tại nhiều nơi, mở ra hướng phát triển mới cho ngành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Tại Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tổng hợp Đông Thanh, phường Đông Thanh TP.Đông Hà, nơi chuyên sản xuất rau sạch phục vụ thị trường trên toàn tỉnh, các thành viên HTX đều có bể ủ phân vi sinh ngay tại ruộng rau. Chỉ cần trộn phế phụ phẩm nông nghiệp, phân gia súc với chế phẩm vi sinh do trung tâm sản xuất rồi ủ đủ số ngày quy định là có phân hữu cơ bón cho cây trồng. Ông Hồ Sỹ Ái, xã viên HTX cho biết, gia đình ông làm gần 4,5 sào rau. Sau khi được trung tâm tập huấn, hướng dẫn quy trình ủ phân hữu cơ dùng chế phẩm sinh học, cách bón cho cây trồng, đã 4 năm nay gia đình ông luôn tuân thủ thực hiện chặt chẽ quy trình này để trồng rau sạch phục vụ thị trường.

Sử dụng phân hữu cơ vi sinh đã giúp ông Ái tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm cây trồng để ủ làm phân bón ruộng rau. Các chất dinh dưỡng, vi sinh và khoáng có trong phân vi sinh rất tốt cho cây trồng, có ích cho việc cải tạo đất hiệu quả, tăng độ tơi xốp của đất, giúp tiêu diệt các mầm bệnh có trong đất và trong phân, cho cây rau khỏe mạnh. Ngoài ra còn góp phần giảm thiểu lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, giúp cho nông sản thu hoạch đạt chất lượng cao và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Mặt khác, giá chế phẩm vi sinh để ủ phân hữu cơ khá rẻ nên được người dân đón nhận. Không riêng gì gia đình ông Ái, tất cả các thành viên tham gia trồng rau sạch tại HTX đều có ý thức sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh nhằm giải quyết tốt vấn đề môi trường, đồng thời tạo thêm nguồn phân bón hữu cơ đầu tư trở lại cho cây trồng, hướng tới phát triển nông nghiệp sạch, bền vững.

Anh Nguyễn Văn Lý ở Thôn 9, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong nuôi tôm thẻ chân trắng trải bạt trên cát với diện tích 1 ha. Anh Lý áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo ngành chức năng hướng dẫn, đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học mua của trung tâm để nuôi tôm. Thời gian này anh đang xử lý ao nuôi để chuẩn bị vào vụ mới. Được tập huấn sử dụng chế phẩm vi sinh của trung tâm trong nuôi tôm, 2 năm qua chất lượng con tôm tăng lên đáng kể. Theo anh Lý dùng chế phẩm xử lý môi trường ao nuôi có thể quản lý được môi trường nước trong suốt vụ nuôi, gia tăng hàm lượng vi sinh vật có lợi trong ao nuôi, hạn chế được dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đối với chế phẩm vi sinh dùng để bổ sung vào thức ăn cho tôm, anh Lý cũng cho biết, tôm ít bị nhiễm các bệnh về đường ruột, phát triển tốt hơn, cho sản lượng cao.

Chủ tịch UBND xã Triệu Vân Nguyễn Văn Lâm cho biết, toàn xã có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng hơn 36 ha, tập trung ở các Thôn 7, 8 và 9. Trước đây, việc sử dụng thuốc và kháng sinh để hạn chế sự phát triển của tác nhân gây bệnh cũng như phòng bệnh đối với tôm không mang lại hiệu quả do sự phát triển của các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh cũng như không an toàn cho người sử dụng. Những năm gần đây, đa số các hộ nuôi tôm sử dụng chế phẩm vi sinh của Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin khoa học và công nghệ Quảng Trị để nuôi tôm, vừa mang lại hiệu quả kinh tế mà vẫn đảm bảo lợi ích môi trường.

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin khoa học và công nghệ Quảng Trị Đào Ngọc Hoàng, chế phẩm sinh học mang lại nhiều giá trị cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nên người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã sử dụng trong thời gian qua. Để tiếp tục phát huy giá trị của chế phẩm sinh học, trung tâm sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị tập trung tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để người dân hiểu và chủ động ứng dụng các chế phẩm này trong sản xuất, hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái bền vững và thân thiện với môi trường, phù hợp với chủ trương của tỉnh.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=155650