Hiệu quả của việc đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài

Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập với thế giới, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách xây dựng quan hệ kinh tế quốc tế, hợp tác, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đối với lao động, việc tham gia học tập, lao động tại nước ngoài không chỉ là cơ hội để nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo hiệu quả cho gia đình, địa phương mà còn là môi trường thực tiễn để rèn luyện tay nghề, hoàn thiện kỹ năng, sẵn sàng tham gia thị trường việc làm khi trở về đất nước.

Các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm được tổ chức thường xuyên, góp phần định hướng nghề nghiệp, kết nối cung - cầu lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và nguyện vọng của lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tăng thu nhập, rèn tay nghề

Sau khi Bộ Chính trị có Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 08/5/2012 về thực hiện công tác đưa lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo, quán triệt nội dung Chỉ thị đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong tỉnh. Việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, chỉ đạo, thực hiện của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương.

Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các lao động của tỉnh tham gia lao động ở nước ngoài theo hợp đồng phân bố chủ yếu tại các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Malaysia, Trung Đông, Hàn Quốc... Ngành nghề trước khi tham gia thị trường nước ngoài chủ yếu là lao động nông nghiệp (chiếm khoảng 64%) hoặc lao động mới tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (chưa có việc làm, việc làm không ổn định, bộ đội xuất ngũ),…Tỉ lệ lao động có nghề chiếm 18% (giai đoạn 2012-2021); tỉ lệ lao động nữ chiếm 48,2%. Phần đông người lao động được các quốc gia và các doanh nghiệp nước sở tại đánh giá khéo tay, cần cù, nắm bắt nhanh công việc, làm việc năng suất, đạt chất lượng.

Thông qua công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đa số người lao động có thu nhập tương đối ổn định, cao hơn so với việc làm trong nước cùng ngành nghề, cùng trình độ. Tính bình quân chung, thu nhập sau khi trừ chi phí sinh hoạt của lao động tại nước ngoài khoảng từ 10-12 triệu đồng/tháng (đối với lao động giản đơn), từ 18-20 triệu đồng/tháng tại thị trường có thu nhập trung bình, từ 25-28 triệu đồng/tháng ở những thị trường thu nhập cao (Nhật Bản, Hàn Quốc).

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sửa chữa ô tô, anh Đỗ Ngọc Nhưỡng (phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì) quyết định tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc). Anh chia sẻ: Công nghệ ô tô hiện nay rất phát triển, đặc biệt là xe điện, do đó, tôi muốn đến thị trường lớn hơn để học hỏi và làm việc, tích lũy thêm nguồn vốn và kiến thức.

Lao động làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng đã giải quyết khá vững chắc việc làm hàng năm cho một bộ phận người lao động, lượng tiền chuyển về giúp cho người lao động và gia đình cải thiện đời sống, có nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, xây dựng, sửa nhà ở, giảm nghèo… Qua đó khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự nỗ lực của các doanh nghiệp và sự tham gia của nhiều người lao động trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo thống kê, lượng tiền lao động của tỉnh chuyển về qua hệ thống ngân hàng thương mại từ năm 2012 đến 2021 trung bình 20-30 triệu USD/năm, cao nhất là năm 2018 đạt 36,2 triệu USD, quy đổi ra tiền Việt Nam đạt trên 800 tỉ đồng.

Lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không những giúp tăng thu nhập mà còn là phương pháp rèn luyện tay nghề hiệu quả, đáp ứng sự phát triển của thị trường lao động

Tăng cường quản lý, hỗ trợ người lao động

Song song với quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các quy định về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, khắc phục những vi phạm, bảo vệ lợi ích người lao động và doanh nghiệp. Những văn bản được ban hành đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, tạo hành lang cơ sở pháp lý và phương hướng, biện pháp tổ chức triển khai thực hiện công tác, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào của tỉnh. Đồng thời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo giải quyết việc làm và XKLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành theo chức năng tạo điều kiện, tổ chức cho người lao động học nghề, vay vốn tại các ngân hàng, làm thủ tục pháp lý.

Anh Hà Văn Nghi - Công chức Lao động, Thương binh và Xã hội xã Thu Ngạc cho biết: Hiện nay, đã có hàng chục lao động địa phương đi làm việc ở nước ngoài theo chương trình hỗ trợ vay vốn huyện 30a. Nhiều người chưa hết thời hạn hợp đồng đã có thể gửi tiền về trả nợ ngân hàng; giúp đỡ gia đình, xây dựng được nhà cửa khang trang, ổn định đời sống. Trong sáu tháng đầu năm 2022 đã có hai lao động xuất cảnh và bốn lao động đang hoàn tất thủ tục.

Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 25.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng làm việc ở khoảng 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với gần 20 ngành, nghề khác nhau, từ lao động giản đơn đến lao động kỹ thuật cao.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 40 doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang thực hiện công tác tuyên truyền và tuyển chọn lao động đi làm việc có thời hạn ở các thị trường nước ngoài. Từ năm 2013 đến tháng tư năm 2022, toàn tỉnh đã thẩm định, giới thiệu gần 400 lượt doanh nghiệp được cấp giấy phép về các huyện, thành, thị để tuyên truyền, tạo nguồn và tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh.

Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, dự báo các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam sẽ gia tăng cả về số lượng và yêu cầu cao về chất lượng, gắn với thu nhập cao, ổn định. Nhu cầu của người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài có xu hướng tăng, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao và mở rộng sang các thị trường mới, phù hợp với trình độ học vấn, chuyên môn như Đức và một số nước châu Âu… Dự báo, trong năm năm tới, số người lao động tham gia các thị trường lao động nước ngoài ước đạt từ 3.000 đến 4.000 người/năm.

Để công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập và giảm nghèo bền vững trong những năm tiếp theo, ông Trần Minh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác giải quyết việc làm và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, kiểm soát chặt chẽ hoạt động cung ứng, tạo nguồn, đưa người lao động trên địa bàn tham gia các thị trường xuất khẩu lao động. Mặt khác, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động dịch vụ việc làm, tư vấn, đào tạo, xuất khẩu lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường thông tin thị trường, tăng tỉ trọng lao động có nghề, ngoại ngữ, được giáo dục định hướng, giảm tỉ lệ lao động phổ thông đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; người lao động chủ động lựa chọn tham gia thị trường lao động. Đồng thời, tổ chức tốt các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm để kết nối cung - cầu lao động, tạo cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, phù hợp với nguyện vọng của người lao động.

Lê Hoàng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/hieu-qua-cua-viec-dua-lao-dong-di-lam-viec-tai-nuoc-ngoai/186385.htm