Quý 2/2024, cả nước có 1,3 triệu thanh niên không có việc làm

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý II năm nay, cả nước có khoảng 1,3 triệu thanh niên (từ 15-24 tuổi) không có việc làm và cũng không tham gia học tập, đào tạo. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cũng cao gấp 3 lần so với các nhóm khác...

Tổ chức các hoạt động kết nối tạo việc làm cho lao động.

Tổ chức các hoạt động kết nối tạo việc làm cho lao động.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê, cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động và riêng nhóm thanh niên đều tăng.

TỶ LỆ THẤT NGHIỆP CỦA THANH NIÊN CAO GẤP 3 LẦN NHÓM KHÁC

Trong quý 2/2024, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,29%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước, và giảm 0,01 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,71%; khu vực nông thôn là 2,01%.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,68%; khu vực nông thôn là 2%.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý 2/2024 tăng lên 8,01%, tăng 0,02 điểm phần trăm so với quý trước, và tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê đánh giá, so với tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên luôn cao và gấp hơn 3 lần, do thanh niên là lực lượng trẻ, nhu cầu có việc làm cao hơn, họ bắt buộc tìm kiếm việc làm.

Người thất nghiệp là người từ đủ 15 tuổi trở lên mà trong thời kỳ tham chiếu có đầy đủ cả 3 yếu tố: Hiện không làm việc, đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc. Tỷ lệ thất nghiệp là tỷ lệ phần trăm giữa số người thất nghiệp so với lực lượng lao động.

Bên cạnh đó, thanh niên thường được trang bị các kiến thức tốt với trình độ cao nên họ có nhiều cơ hội lựa chọn công việc đúng như ý muốn, hơn là làm các công việc tạm thời, thu nhập thấp. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn, tương ứng 10,19% và 6,86%.

Cũng trong quý 2, cả nước có khoảng 1,3 triệu thanh niên (từ 15-24 tuổi) không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo, chiếm 10,2%. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn là 11,3%, khu vực thành thị là 8,5%. Nữ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo là 11,5%, nam là 9%.

Tính chung tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong 6 tháng đầu năm là 8%, tăng 0,49 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,18%, tăng 0,65 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 6,87%, tăng 0,4 điểm phần trăm.

Cùng với tỷ lệ thất nghiệp tăng, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II cũng tăng lên 948 nghìn người, tăng thêm 15 nghìn người so với quý trước, và tăng 7,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Họ là những người có việc làm mong muốn làm thêm giờ; sẵn sàng làm thêm giờ; thực tế làm dưới 35 giờ/tuần.

Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý này là 2,06%, tăng 0,03 điểm phần trăm so với quý trước, và không đổi so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này cũng tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn, tương ứng tăng lên 1,53%, và 2,41%.

Người lao động tham gia tìm kiếm việc làm. Ảnh: N.Dương.

Người lao động tham gia tìm kiếm việc làm. Ảnh: N.Dương.

Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 940,5 nghìn người, tăng 27,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 2,05%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

LAO ĐỘNG CÓ VIỆC LÀM TĂNG NHƯNG CHƯA BỀN VỮNG

Về thu nhập bình quân của người lao động, Tổng cục Thống kê cho biết trong quý 2 đạt 7,5 triệu đồng/tháng, giảm 137 nghìn đồng so với quý 1, song tăng 490 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam đạt 8,5 triệu đồng/tháng, lao động nữ 6,3 triệu đồng/tháng. Lao động ở khu vực thành thị có thu nhập bình quân đạt 9 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân thu nhập của lao động quý 2 thường giảm so với quý 1, là do các khoản thu nhập phụ trội bổ sung từ tiền làm thêm cuối năm và tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán thường được chi trả chủ yếu trong quý 1.

Tính chung sáu tháng đầu năm, thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam đạt 8,5 triệu đồng/tháng, lao động nữ 6,4 triệu đồng. Lao động ở khu vực thành thị cũng có thu nhập cao hơn ở nông thôn, tương ứng 9,1 triệu đồng, và 6,5 triệu đồng.

Doanh nghiệp trao đổi với người lao động trong quá trình phỏng vấn tìm việc. Ảnh: N.Dương.

Doanh nghiệp trao đổi với người lao động trong quá trình phỏng vấn tìm việc. Ảnh: N.Dương.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 6, lực lượng lao động cả nước từ 15 tuổi trở lên đạt 52,5 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đến hết quý 2 đạt 28,1%, cho thấy chất lượng nguồn lao động đang dần được nâng cao.

Trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 51,4 triệu người có việc làm, tăng 195,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê đánh giá, nhìn chung, lao động có việc làm có xu hướng tăng, nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững, khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn.

Đáng chú ý, số lao động có việc làm phi chính thức chung, bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn chiếm tỷ lệ cao, chiếm 65,2% trong tổng số lao động có việc làm.

Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, để hạn chế tình trạng trên, Bộ cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động kết nối cung - cầu lao động trên thị trường, nhất là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm. Đặc biệt là chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế…

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/quy-2-2024-ca-nuoc-co-1-3-trieu-thanh-nien-khong-co-viec-lam.htm