Hiệu quả đầu tư cho y tế ở vùng khó khăn biên giới Lai Châu
Trong những năm qua, tỉnh Lai Châu đã thực hiện tốt đầu tư cơ sở hạ tầng tuyến y tế cơ sở, bổ sung hệ thống máy móc và trang thiết bị phù hợp phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của đồng bào dân tộc, giảm thiểu số ca bệnh chuyển tuyến.
Chị Tẩn Sa Dấu ở bản Sơn Bình, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đến Trạm Y tế xã Ma Ly Pho để khám thai định kỳ.
Chất lượng khám chữa bệnh được cải thiện, người dân được chăm sóc tốt về sức khỏe đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ vừa qua về y tế.
Đầu tư hạ tầng, trang thiết bị hiện đại
Những năm trước đây, mỗi khi trong nhà có người ốm, đau, đồng bào dân tộc Dao tại xã biên giới Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu) thường mời thầy cúng về làm lễ hoặc lên rừng hái lá cây về chữa theo phong tục truyền thống dân tộc. Vì vậy, người ốm không thể khỏi bệnh, mà khi bệnh nặng thì gia đình mới đưa đến cơ sở y tế nên gặp nhiều rủi ro, thậm chí có ca quá muộn dẫn đến tử vong.
Để người dân tin vào công tác khám chữa bệnh của y tế cơ sở, cùng với việc tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong đồng bào, tỉnh Lai Châu đã từng bước đầu tư xây dựng mới các trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa khu vực. Đồng thời trang thiết bị kỹ thuật phục vụ khám chữa bệnh được đầu tư, cán bộ y tế xã được cử đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Than Uyên (Lai Châu) thực hiện nội soi dạ dày cho bệnh nhân.
Chị Tẩn Sa Dấu ở bản Sơn Bình, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu), một người dân đến khám ở Trạm Y tế xã Ma Ly Pho chia sẻ: “Ngày trước trạm y tế chưa có các thiết bị hiện đại nên tôi phải xuống bệnh viện huyện để khám thai định kỳ và sinh đẻ. Đợt mang thai này, ở trạm y tế xã đã có đầy đủ cơ sở vật chất, y tá tận tình chu đáo nên tôi không phải đi xa vất vả và tốn kém khi ra huyện nữa”.
Đến nay, huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã có 13/17 trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực đạt chuẩn quốc gia về y tế theo Quyết định 4676 của Bộ Y tế.
Cán bộ Trạm Y tế Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu) niềm nở đón tiếp bệnh nhân đến khám, điều trị.
Ông Dương Ngọc Hương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ cho biết: Các trạm y tế chưa đạt chuẩn hiện nay đang tiếp tục được đầu tư sửa chữa, xây dựng mới để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Những năm qua cơ bản các trang thiết bị thông thường đều được đầu tư phù hợp với danh mục phê duyệt cấp trạm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư phù hợp đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của đồng bào các dân tộc địa phương như: giảm tỷ lệ sinh bình quân hàng năm xuống 0,66 phần nghìn, trên 93% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin, tỷ lệ che phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%...
Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật y tế phù hợp tuyến y tế cơ sở, những năm qua tỉnh Lai Châu đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua sắm các loại máy móc, thiết bị hiện đại cho các trung tâm y tế tuyến huyện như: máy chụp CT, máy mổ nội soi, máy chụp nội soi tiêu hóa, máy gây mê, lồng ấp sơ sinh... Vì vậy, các kỹ thuật cao được triển khai như: mổ nội soi ổ bụng, nội soi sản khoa, xương khớp, não…
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, thực hiện Đề án nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống y tế cơ sở, những năm qua chất lượng khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc tỉnh Lai Châu được nâng lên rõ rệt. Các cơ sở khám chữa bệnh đều được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hằng năm sau khi được phân bổ vốn, Sở Y tế đã cho các đơn vị trực thuộc đăng ký nhu cầu cần triển khai những kỹ thuật nào và trang thiết bị gì để tổng hợp, xem xét tiến hành mua sắm sao cho hiệu quả. Những gói mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế luôn công khai thông tin đấu thầu trên hệ thống đấu thầu quốc gia; hồ sơ mời thầu được bán công khai rộng rãi nên từ 2018 đến nay đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 10 tỷ đồng.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực
Y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Than Uyên (Lai Châu) tiến hành chụp XQ cho bệnh nhân.
Tại Trung tâm Y tế huyện Than Uyên (Lai Châu), bệnh nhân Nguyễn Văn Bách ở thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên (Lai Châu) sau ca phẫu thuật thành công nay sức khỏe đã dần hồi phục. Anh Bách cho biết: “Tôi đang di chuyển trên đường từ huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) về nhà thì bị đau bụng quằn quại và được người thân đưa vào Trung tâm Y tế huyện Than Uyên cấp cứu. Các bác sỹ đã nhanh chóng khám và chuẩn đoán bị thủng dạ dày nên sử dụng các thiết bị hiện đại phẫu thuật kịp thời. Bây giờ, tôi đã thấy sức khỏe hồi phục”.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Vũ Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Than Uyên cho biết: Trong 5 năm qua, trung tâm được đầu tư khoảng 40 tỷ cho hệ thống máy móc hiện đại. Để đảm bảo vận hành, làm chủ kỹ thuật máy, đơn vị đã chủ động cử cán bộ đi đào tạo chuyên sâu. Riêng máy mổ nội soi được đầu tư năm 2018, trung bình một tháng thực hiện mổ cho 100 ca bệnh. Mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khám và điều trị cho 200 đến 250 bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân đến tư các huyện lân cận ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La.
Được đầu tư trang thiết bị y tế và cử cán bộ đi đào tạo nên Trung tâm Y tế huyện Than Uyên (Lai Châu) đã làm chủ được những ca mổ nội soi.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu Nguyễn Văn Đối nhấn mạnh: Hệ thống máy móc, trang thiết bị đầu tư mới đã phát huy hiệu quả khi cán bộ các trung tâm y tế đã làm chủ được phương tiện, khám và điều trị tốt cho nhân dân trên địa bàn, giảm thiểu ca bệnh chuyển tuyến. Công tác đào tạo cán bộ, y bác sỹ cũng được ngành Y tế Lai Châu đặc biệt quan tâm. Từ năm 2018 đến nay, Sở Y tế Lai Châu đã cử các y, bác sỹ, điều dưỡng và dược sĩ đi học nâng cao trình độ chuyên môn: Có 93 bác sỹ ra trường; 66 bác sỹ chuyên khoa cấp I; 130 điều dưỡng đại học; 2.495 lượt người đi đào tạo ngắn hạn...để vận hành và sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Trước đây, chưa được bố trí bổ sung trang thiết bị hiện đại, con người chưa được đào tạo, tất cả các bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo cần xử lý kỹ thuật cao thì đều phải chuyển về tuyến trung ương. Bà con dân tộc đời sống khó khăn mà chi phí đi lại và ăn, ở đắt đỏ nên rất vất vả…Đến nay đã có máy móc công nghệ hiện đại và bác sĩ có trình độ chuyên sâu nên hầu hết các bệnh nhân đã được xử lý ngay tại chỗ.
Theo Giám đốc Sở Y tế Lai Châu, thời gian tới cần phải đào tạo để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên y tế, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế phù hợp, đáp ứng được khi triển khai kỹ thuật mới mà Bộ Y tế phân tuyến cho cấp huyện, tỉnh. Đối với cấp xã, hiện nay mỗi trạm y tế có 6 đến 8 biên chế, tuy nhiên có huyện Nậm Nhùn mới chia tách thiếu về nhân lực và vật lực nên công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bà con dân tộc vùng sâu vùng xa còn gặp rất nhiều khó khăn cần sớm được đầu tư, bổ sung biên chế.
Đầu tư hạ tầng y tế tuyến cơ sở và trang thiết bị phù hợp đã giúp ngành Y tế Lai Châu phát huy hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc. Với việc làm tốt công tác khám và chữa bệnh, bà con các dân tộc địa phương tin tưởng hơn vào y tế cơ sở, yên tâm vươn lên làm kinh tế xóa đói giảm nghèo, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.