Hiệu quả đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là giải pháp quan trọng nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và sơ sinh để những đứa trẻ được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tại Thanh Hóa, Đề án 'Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh' đã được triển khai tại 27 huyện, thị xã, thành phố với 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những đề án quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Tuyên truyền lợi ích của sàng lọc sơ sinh cho sản phụ tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa.
Triển khai đề án, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh đã phối hợp với các trung tâm y tế địa phương, đơn vị y tế tạo điều kiện cho các y, bác sĩ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, đào tạo nâng cao kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh; tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, kỹ năng tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia đề án cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số; chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cung cấp kiến thức cho người dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và chị em phụ nữ đang mang thai thông qua các hoạt động như: Nói chuyện chuyên đề, lồng ghép trong sinh hoạt câu lạc bộ, hội, nhóm, đẩy mạnh truyền thông trên hệ thống phát thanh, truyền hình từ tỉnh đến xã về lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm giúp người dân tiếp cận với các thông tin cũng như mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của đề án... Thông qua hoạt động truyền thông, góp phần vào việc thực hiện tốt các chỉ tiêu của đề án; cung cấp các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của đề án (máy chiếu, máy siêu âm màu...). Đồng thời, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề cung cấp thông tin cho lãnh đạo chính quyền, đoàn thể ở địa phương về mục đích và ý nghĩa của đề án. Đặc biệt đề án đã tổ chức thực hiện việc siêu âm sàng lọc cho hàng chục ngàn phụ nữ mang thai để phát hiện các dị tật bẩm sinh, tư vấn cho các đối tượng khi phát hiện thai có dị tật bẩm sinh. Đặc biệt, năm 2019, đề án tập trung vào 3 hoạt động chính là siêu âm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và lấy mẫu máu gót chân cho trẻ sơ sinh, hỗ trợ tuyến xã thực hiện truyền thông đến từng đối tượng tham gia các hoạt động của đề án tại tuyến cơ sở. Kết quả đã thực hiện sàng lọc trước sinh được 12.005 ca, sàng lọc sơ sinh 669 cháu; phát hiện được 35 trường hợp nghi ngờ thiếu men G6PD, các trường hợp này đã được tư vấn đi khám lại lần 2 và mở sổ theo dõi quá trình điều trị bệnh.
Chị L.Th.P. (TP Thanh Hóa) cho biết, năm 2017, khi mang thai, chị đã được các y, bác sĩ đề cập đến những lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Khi bé được sinh ra, các y, bác sĩ đã lấy mẫu máu sàng lọc sau 24 giờ sinh nên phát hiện bị thiếu men G6PD. Nhờ phát hiện sớm, bác sĩ đã hướng dẫn gia đình các phương pháp chăm sóc, có chế độ ăn uống hợp lý, uống vitamin D để bổ sung men đầy đủ cho bé nên giờ đây bé đã phát triển hoàn toàn bình thường.
Theo các chuyên gia y tế, sàng lọc trước sinh và sơ sinh là hai quy trình tách biệt, sử dụng các biện pháp khác nhau và quãng thời gian làm xét nghiệm cũng khác nhau. Quy trình sàng lọc trước sinh được thực hiện bằng các xét nghiệm máu hoặc lấy mẫu bệnh phẩm từ thai nhi và siêu âm cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, 3 tháng giữa giúp phát hiện sớm các bệnh: Down, rối loạn di truyền, dị tật ống thần kinh, khuyết tật về tim... Còn quy trình sàng lọc sơ sinh được thực hiện nhằm phát hiện sớm dị tật bẩm sinh, vì có những trường hợp khi đứa trẻ ra đời rồi mới có thể phát hiện được một số bệnh. Kỹ thuật sàng lọc sơ sinh được thực hiện bằng cách lấy máu gót chân của trẻ trong vòng 24 - 48 giờ sau khi trẻ sinh ra để phát hiện các bệnh: Thiếu men G6PD (gây biến chứng vàng da, biến chứng thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động); suy tuyến giáp trạng bẩm sinh (chậm phát triển trí tuệ) và tăng sản thượng thận bẩm sinh (bệnh rối loạn nhiễm sắc thể giới tính), tạo cơ hội sinh con khỏe mạnh nhiều hơn. Việc khám sàng lọc trước sinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cả trẻ sơ sinh và người mẹ. Sàng lọc để phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm những bất thường của trẻ giai đoạn thai còn trong bụng mẹ và ngay sau khi trẻ ra đời để từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời giúp thai nhi và trẻ sơ sinh phát triển khỏe mạnh bình thường.
Để nâng cao chất lượng giống nòi, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới đặt ra nhiều giải pháp quan trọng; trong đó yêu cầu cần phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân để nâng cao chất lượng dân số một cách toàn diện. Nghị quyết số 21 xác định mục tiêu đến năm 2030, 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất. Để đạt mục tiêu trên, ngoài nỗ lực của ngành chức năng, các thai phụ nên tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.