Hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội

ĐTO - Hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) các cấp trong tỉnh phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan có liên quan thống nhất về các nội dung giám sát theo tinh thần Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về việc MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền để tránh tình trạng bị chồng chéo, trùng lắp các nội dung giám sát.

Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cho thấy chế độ chính sách bảo hiểm y tế đối với người dân được thực hiện đúng quy định

Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cho thấy chế độ chính sách bảo hiểm y tế đối với người dân được thực hiện đúng quy định

Ủy ban MTTQVN tỉnh phối hợp với các Ban HĐND tỉnh giám sát theo chuyên đề, kế hoạch hàng năm khi được mời, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm tham gia đóng góp vào các cuộc giám sát. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trong tỉnh còn phối hợp tổ chức nhiều cuộc khảo sát, từ đó, có ý kiến phản biện vào các văn bản, đề án của tỉnh, của huyện phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt, phối hợp giám sát việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu, việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của người đại biểu dân cử. Ngay từ đầu năm của mỗi năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh có đưa kế hoạch để phối hợp với Thường trực HĐND, UBND tỉnh đề nghị cung cấp các nội dung cần phản biện. Trong trường hợp có yêu cầu phản biện xã hội đột xuất, các bên sẽ thống nhất bổ sung vào chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội và tổ chức quán triệt, triển khai trong hệ thống Mặt trận các cấp và các tổ chức, cá nhân là thành viên của Ủy ban MTTQVN các cấp. Phối hợp mở các lớp tập huấn cho cán bộ MTTQ cấp xã hướng dẫn phương pháp phối hợp và quy trình tổ chức các cuộc giám sát, phản biện xã hội. Trên cơ sở đó, MTTQ các cấp đã xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức thực hiện. Nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực như: xây dựng nông thôn mới; thực hiện Luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở cơ quan; thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch.

Theo Ủy ban MTTQVN tỉnh, từ năm 2013 - 2021, dưới sự lãnh đạo, định hướng của cấp ủy, Ủy ban MTTQVN các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện các nội dung giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, được gần 1.500 cuộc. Trong đó, Ủy ban MTTQVN tỉnh chủ trì 63 cuộc; các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chủ trì giám sát 112 cuộc; Ủy ban MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, thành phố chủ trì giám sát 176 cuộc; Ủy ban MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã chủ trì giám sát 1.116 cuộc.

Những vấn đề được Ủy ban MTTQVN tỉnh chủ trì như: giám sát việc thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về việc Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; thực hiện các chính sách bố trí cụm, tuyến dân cư; quản lý và sử dụng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026... Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chủ trì: giám sát về quản lý vật tư nông nghiệp đối với mặt hàng phân bón vô cơ, hữu cơ và phân bón khác; chế độ chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho cán bộ, công chức và viên chức lao động; giám sát việc quy hoạch và phát triển các khu vui chơi giải trí, khu tập luyện thể thao cho thanh thiếu nhi đối với UBND huyện Lấp Vò và UBND TP Hồng Ngự;... Nhìn chung, tất cả các ý kiến đóng góp theo từng lĩnh vực, nội dung của Đoàn giám sát và kiến nghị sau giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đều được UBND, các địa phương, đơn vị tiếp thu, ghi nhận và khắc phục, điều chỉnh, bổ sung.

Theo Ủy ban MTTQVN tỉnh, giai đoạn 2013 - 2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức phản biện xã hội được 5.016 cuộc với 352 văn bản. Trong đó, Ủy ban MTTQVN tỉnh phản biện 201 văn bản, Ủy ban MTTQVN cấp huyện, thành phố phản biện 151 văn bản. Hình thức tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến trực tiếp, góp ý bằng văn bản, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân. Qua đó, nhiều ý kiến góp ý, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao; trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, quản lý, điều hành.

NGỌC TÂM

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/hieu-qua-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-cua-mat-tran-to-quoc-va-cac-to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-105751.aspx