Hiệu quả 'Hòa giải 5 tốt' ở cơ sở
Thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật luôn bám sát định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, đảm bảo hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc thù của cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, hiệu quả nhất là mô hình 'Hòa giải 5 tốt' ở cơ sở.
Phát huy vai trò các tổ hòa giải, tổ chức chính trị xã hội để kịp thời phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột xã hội, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, không để phát sinh vụ việc phức tạp, hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự, xây dựng được thế trận lòng dân... là một trong những nhiệm vụ, giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa tội phạm, thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm.
Hòa giải ở cơ sở giải quyết tận gốc mâu thuẫn, tranh chấp. Kết quả hòa giải ở cơ sở sẽ không có bên thắng, bên thua, mà cả hai bên đều đồng thuận, thỏa mãn được những mong muốn. Các hòa giải viên không chỉ dựa vào quy định của pháp luật, mà còn dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, kinh nghiệm sống, sự hiểu biết để chuyện trò, giúp các bên tự điều chỉnh hành vi, giải quyết tranh chấp, khôi phục mối quan hệ vốn đã bị rạn nứt, tạo dựng mối quan hệ cộng đồng, xã hội bền chặt khi mâu thuẫn, tranh chấp được giải quyết triệt để.
Thị trấn Ðầm Dơi là một trong những đơn vị được đánh giá cao nhiều năm liền, vì có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải, không có nhiều đơn, thư khiếu nại vượt cấp.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND thị trấn Ðầm Dơi, cho biết: “Là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của huyện Ðầm Dơi, nên tốc độ đô thị hóa tại thị trấn rất nhanh. Do đó, tình hình khiếu kiện trong dân có chiều hướng gia tăng. Xuất phát từ thực tiễn đó, từ năm 2020, thị trấn được tỉnh chọn là đơn vị thí điểm Tổ hòa giải 5 tốt. Từ đó các vụ việc tranh chấp mâu thuẫn trong dân được phát hiện ngay từ địa bàn dân cư, tiến hành hòa giải, hạn chế khiếu kiện vượt cấp đông người, góp phần ổn định an ninh, chính trị, xã hội địa bàn”.
Ban đầu, thị trấn Ðầm Dơi có 6 tổ hòa giải, đến năm 2022 còn 5 tổ, do sáp nhập Khóm 3 và 5. Có 35/35 hòa giải viên trên địa bàn được tập huấn pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, do Phòng Tư pháp, Sở Tư pháp tổ chức. Theo đó, đội ngũ hòa giải viên các khóm được hướng dẫn các kỹ năng hòa giải, ghi sổ theo dõi...
Thời gian qua, Tổ hòa giải ở Khóm 1 đã hòa giải thành công trên 98% số vụ tranh chấp, mâu thuẫn; từ đó thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm tại địa bàn dân cư.
Ông Hứa Chí Linh, Trưởng Khóm 1, Tổ trưởng Tổ hòa giải khóm, chia sẻ: “Trước đây số vụ tranh chấp trên địa bàn nhiều lắm, nhưng với quyết tâm của tổ, các thành viên luôn đi sâu, đi sát từng hộ gia đình, từng cá nhân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó có hướng hòa giải hợp tình, hợp lý. Có những vụ, chỉ mới nghe thông tin hai bên bất hòa là chúng tôi can thiệp liền, không cần phải có đơn tố cáo. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các thành viên trong tổ nên số vụ khiếu nại trên địa bàn dân cư thuộc khóm giảm đáng kể. 9 tháng năm 2023, mới xảy ra vụ bất hòa nhỏ trong dân và đã hòa giải thành công”.
Là cán bộ nghỉ hưu, thành viên Tổ hòa giải, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khóm 1, bà Trần Kim Còn chia sẻ: “Mỗi lần họp tổ, chúng tôi đều lồng ghép những chính sách, pháp luật, những chính sách được sửa đổi bổ sung, những việc vi phạm pháp luật cho chị em nắm. Từ đó, mỗi chị em là một tuyên truyền viên pháp luật cho gia đình, bạn bè”.
Ðội ngũ hòa giải viên thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật mới thông qua đọc sách, báo và truy cập Internet, cũng như được cử tham gia tập huấn nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Thành viên các tổ hòa giải trên địa bàn cũng thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm với nhau; nhờ đó, đa số các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trên địa bàn đều được hòa giải thành công.
Là 1 trong 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở từ năm 2013-2023, chị Nguyễn Bích Tuyền, Trưởng ban Công tác Mặt trận Khóm 6, thị trấn Ðầm Dơi, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chị Tuyền bộc bạch: “Là trung gian để hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp dựa trên kinh nghiệm thực tiễn và các quy định của pháp luật hiện hành, hòa giải viên giúp các bên tìm được tiếng nói chung, đi đến đạt được thỏa thuận. Từ đó, nâng cao hơn nữa nhận thức về pháp luật, giúp giảm thiểu khiếu nại vượt cấp, hạn chế chi phí đi lại; góp phần duy trì đoàn kết nội bộ trong Nhân dân, phòng ngừa các vi phạm pháp luật”.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hieu-qua-hoa-giai-5-tot-o-co-so-a29982.html