Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Sóc Trăng
Là địa phương có nguồn lao động khá dồi dào; cùng với vị trí địa lý thuận lợi cộng với các cơ chế, chính sách phù hợp nên những năm gần đây, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, HTX tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã thành lập và đi vào hoạt động không chỉ giúp nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho các thành viên mà còn góp phần giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn của tỉnh.
Đơn cử như HTX Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú có trụ sở tại ấp Cần Đước, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) dù mới được thành lập vào năm 2020, với 9 thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng, nhưng sau hơn 2 năm thành lập, HTX này đã hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại các địa phương.
Để tìm hiểu về những khó khăn, thuận lợi của HTX, chúng tôi cùng cán bộ Liên minh HTX tỉnh Sóc Trăng đến thăm HTX Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú vào một ngày trung tuần tháng 7-2022. Theo thông tin từ ban giám đốc thì ngành nghề chính của HTX Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú là sản xuất, mua bán dây nhựa và gia công các sản phẩm bàn ghế, chậu hoa quả các loại từ dây nhựa giả mây. Để làm ra thành phẩm bàn, ghế các loại thì ngoài việc có dây nhựa không là chưa đủ mà cần phải có khung (nhôm hoặc sắt) nên chưa có vốn làm; chưa tiếp cận được khách hàng lớn mà chủ yếu làm gia công nên lợi nhuận thấp... Qua đó, HTX đã kiến nghị Liên minh HTX tỉnh Sóc Trăng tạo điều kiện cho HTX được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Trước những khó khăn nêu trên, để đáp ứng nhu cầu trang bị thêm kho bãi chứa hàng và máy sản xuất dây nhựa, vừa qua, HTX Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú được Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Sóc Trăng (do Liên minh HTX tỉnh quản lý) chấp thuận cho vay vốn với số tiền là 500 triệu đồng. Nhận được nguồn vốn vay, HTX đã xây dựng nhà xưởng, mua thêm máy chạy dây nhựa và phụ kiện đi kèm. Từ khi tự sản xuất được dây nhựa thì HTX đã chủ động được nhiều hàng hóa cũng như việc làm cho bà con. Kết quả, công suất cho 2 máy chạy 2 ca (ca ngày, ca đêm) bình quân hơn 2 tấn; hàng gia công trung bình khoảng 20.000 sản phẩm/tháng.
“Nhìn chung, khi lượng hàng hóa ổn định, liên tục, bà con lao động rất phấn khởi. Song song đó, HTX đã tìm kiếm được nhiều đối tác, khách hàng để duy trì hoạt động ổn định nên đã sản xuất trên 100.000 sản phẩm lớn, nhỏ xuất bán cho các công ty, doanh nghiệp ở các tỉnh: Bến Tre, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… với doanh thu đạt từ 3 - 4 tỷ đồng, lợi nhuận đem về khoảng 600 triệu - 700 triệu đồng; tiền gia công hàng của bà con tỉnh Sóc Trăng từ 300 triệu - 500 triệu đồng/tháng. Sản xuất dây nhựa ngoài việc tự cung cấp cho HTX thì còn bán ra ngoài thị trường, với sản lượng khoảng 10 tấn dây nhựa nguyên liệu hàng tháng cho các công ty đối tác. Hướng tới, HTX Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú sẽ mở rộng hợp tác thêm nhiều khách hàng để đảm bảo duy trì nguồn hàng cho bà con, góp phần cùng địa phương thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững và hạn chế trường hợp bỏ địa phương đi làm ăn xa”- ông Trần Vũ Phương phấn khởi thông tin.
Ngoài việc hỗ trợ về vốn cho các HTX tiểu thủ công nghiệp thì Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Sóc Trăng còn giải ngân vốn cho nhiều HTX nông nghiệp, thủy sản… qua đó, đã giúp các HTX có thêm nguồn lực về vốn để ổn định hoạt động. Điển hình như HTX Thủy sản Toàn Thắng, ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Hiệp, TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và mang lại hiệu quả cao. Theo đó, hiện HTX Thủy sản Toàn Thắng có 70 thành viên, vốn điều lệ 290 triệu đồng; ngành nghề chính là nuôi tôm và dịch vụ cung ứng: con giống, thuốc, thức ăn thủy sản.
Ngày 7-2-2020, HTX Thủy sản Toàn Thắng được Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cho vay vốn với số tiền 500 triệu đồng. Qua hơn 2 năm sử dụng vốn vay, HTX Thủy sản Toàn Thắng đã thu về lợi nhuận 394 triệu đồng; đặc biệt trong năm 2021, tuy tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX, nhưng Ban Giám đốc HTX Thủy sản Toàn Thắng đã năng động, nhạy bén trong sản xuất và kinh doanh, tìm kiếm các công ty, doanh nghiệp để liên kết các dịch vụ về: giống, thuốc, thức ăn thủy sản cho HTX từ đầu vào cho đến đầu ra để duy trì hoạt động tốt và hiệu quả. Mục tiêu trong thời gian tới của HTX là sẽ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh lĩnh vực thủy sản để góp phần giải quyết việc làm cho lao động là thành viên HTX; qua đó, góp phần hạn chế việc thành viên đi làm ăn xa; đồng thời, tăng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống và nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững, góp phần vào việc xây dựng mô hình nông thôn mới của địa phương.
Theo số liệu từ ngành chuyên môn, tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 222 HTX, với tổng số 34.464 thành viên; tổng vốn điều lệ trên 163,8 tỷ đồng; tổng nguồn vốn hoạt động trên 1.381,6 tỷ đồng. Phân theo lĩnh vực, ngành nghề thì toàn tỉnh hiện có 199 HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp và 23 HTX hoạt động ở lĩnh vực phi nông nghiệp. Theo lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, có nhiều HTX được Quỹ hỗ trợ phát triển HTX giải ngân vốn vay ưu đãi nên đã năng động, nhạy bén trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.