Hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng ở huyện Thiệu Hóa
Ngay sau khi có chủ trương xây dựng trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), huyện Thiệu Hóa đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo xây dựng và phát triển TTHTCĐ trên địa bàn huyện. Hiện, 100% xã, thị trấn trong huyện đã thành lập TTHTCĐ và đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu 'cần gì học nấy' của người dân.
Mô hình sản xuất sản phẩm mây song sin của gia đình chị Vũ Thị Minh, xã Thiệu Chính cho thu nhập ổn định và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối kết hợp về mặt tổ chức với các ban, ngành và bằng nhiều hình thức tổ chức học phù hợp với từng nhóm đối tượng, thời gian học tập linh hoạt, mỗi năm, 25 TTHTCĐ trong toàn huyện mở hàng trăm lớp học với gần 15.000 lượt người tham gia học tập. Tính riêng trong năm học 2019-2020, các TTHTCĐ trên địa bàn huyện đã mở được gần 200 lớp, thu hút gần 14.000 lượt người tham gia học tập. Theo đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thiệu Hóa, nội dung học tập ở các TTHTCĐ trên địa bàn huyện khá toàn diện, từ tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật đến phổ biến chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Một số trung tâm còn tổ chức chuyên đề về nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là vấn đề văn hóa xã hội, vệ sinh môi trường, kiến thức chăm sóc sức khỏe, phòng chống tệ nạn xã hội... Với nội dung học tập phong phú, đa dạng, cùng mục tiêu tạo cơ hội học tập cho mọi lứa tuổi theo phương châm “cần gì học nấy”, các TTHTCĐ đã và đang góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về sự cần thiết của việc học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đã được minh chứng ở nhiều địa phương, tiêu biểu như TTHTCĐ xã Thiệu Giao, Thiệu Hợp, Thiệu Phú, Thiệu Viên, Thiệu Thành, Thiệu Chính, Thiệu Lý...
Tại xã Thiệu Chính, thông qua các chuyên đề, các lớp tập huấn, người dân đã tích cực ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Chị Vũ Thị Minh, thôn Dân Tiến, xã Thiệu Chính cho hay: “Qua các lớp học, các buổi nói chuyện do TTHTCĐ xã tổ chức, tôi cũng như nhiều hộ dân trong thôn, trong xã không chỉ nắm bắt được các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước mà còn biết áp dụng ngành nghề mới vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Cũng từ các lớp học ở TTHTCĐ, gia đình tôi đã xây dựng thành công cơ sở sản xuất mây song sin và gấp giấy hàng mã xuất khẩu với thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, cơ sở của gia đình tôi còn tạo việc làm và thu nhập từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng cho hơn 200 lao động trong thôn, trong xã”.
Tương tự, nhiều năm qua, Ban Giám đốc TTHTCĐ xã Thiệu Hợp đã tham mưu cho chính quyền địa phương đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, như: phòng làm việc, máy tính kết nối internet, máy in, tủ tài liệu, phòng học... phục vụ cho các hoạt động của trung tâm. Cùng với đó, trung tâm tích cực phối hợp với các tổ chức, đoàn thể như, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên... đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về mục đích, ý nghĩa của việc học tập cộng đồng để người dân nhận thức được vai trò của việc học và tham gia thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, với mục tiêu nâng cao nhận thức, trình độ dân trí cho người dân, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, trung tâm thường xuyên khảo sát, tìm hiểu nhu cầu học tập của người dân để xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động hằng tháng, hằng quý đúng và trúng mục đích đề ra. Với cách làm trên, nhiều người dân trên địa bàn xã có cơ hội được tham dự các lớp tập huấn, các lớp chuyên đề, các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các buổi nói chuyện, tọa đàm, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, được đọc sách báo, tư vấn để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no... Trung bình mỗi năm, TTHTCĐ xã Thiệu Hợp mở từ 25 đến 27 lớp học với gần 3.000 lượt người tham gia học tập. Trong đó trung tâm đặc biệt quan tâm đến các lớp đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho người dân. Ở nội dung này, từ năm 2014 đến nay, trung tâm đã mở được trên 40 lớp, chủ yếu là các nghề như, mộc, sản xuất giấy vệ sinh, làm chổi đót, chổi lông, đặc biệt là nghề nuôi con đặc sản như rùa, ba ba... Hiện, toàn xã đã có hơn 200 hộ nuôi ba ba, rùa, cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm.
Hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ đã được minh chứng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, hiện nay, một bộ phận nhỏ người dân còn coi nhẹ việc học tập và học tập suốt đời, chưa tích cực tham gia học tập tiếp thu những tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ tiên tiến ứng dụng vào sản xuất và đời sống; một số lớp học, chuyên đề chưa thu hút đông đảo người dân tham gia; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể có lúc, có nơi thiếu hiệu quả nên việc nắm bắt nhu cầu học tập của người dân chưa kịp thời; việc huy động xã hội hóa để phục vụ các hoạt động của trung tâm còn hạn chế... dẫn đến hiệu quả, chất lượng hoạt động ở một số TTHTCĐ còn thấp. Vấn đề này cần sớm được khắc phục trên cơ sở tăng cường hơn nữa công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; xây dựng bộ máy quản lý đủ tầm, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành đoàn thể vận động ngày càng nhiều người dân đi học, học thường xuyên, học suốt đời, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.