Hiệu quả hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng xã Thiệu Hợp

Sau nhiều năm thành lập và đi vào hoạt động, với sự quan tâm, chỉ đạo của ngành giáo dục, chính quyền địa phương, đến nay, Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) đã trở thành nơi sinh hoạt hữu ích của người dân địa phương, góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Mô hình nuôi rùa của gia đình ông Phạm Văn Quyền, ở thôn Nam Bằng 1, xã Thiệu Hợp cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm phát huy vai trò “trường học” của mọi người dân theo phương châm “cần gì học nấy”, ngay sau khi được thành lập, Ban Giám đốc TTHTCĐ xã Thiệu Hợp đã tham mưu cho chính quyền địa phương đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, như: phòng làm việc, máy tính kết nối Internet, máy in, tủ tài liệu, phòng học... phục vụ cho các hoạt động của trung tâm. Cùng với đó, trung tâm tích cực phối hợp với các tổ chức, đoàn thể như, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên... đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về mục đích, ý nghĩa của việc học tập cộng đồng để người dân nhận thức được vai trò của việc học và tham gia thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, với mục tiêu nâng cao nhận thức, trình độ dân trí cho người dân, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, trung tâm thường xuyên khảo sát, tìm hiểu nhu cầu học tập của người dân để xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động hằng tháng, hằng quý đúng và trúng mục đích đề ra.

Với cách làm trên, nhiều người dân trên địa bàn xã có cơ hội được tham dự các lớp tập huấn, các lớp chuyên đề, các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các buổi nói chuyện, tọa đàm, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, được đọc sách báo, tư vấn để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no... Qua thống kê, trung bình mỗi năm TTHTCĐ xã Thiệu Hợp mở từ 25 đến 27 lớp với gần 3.000 lượt người tham gia học tập. Trong đó trung tâm đặc biệt quan tâm đến các lớp đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn. Ở nội dung này, tính từ năm 2014 đến nay, trung tâm đã mở được 38 lớp, qua đó đã bố trí, giải quyết việc làm cho gần 3.500 lao động địa phương. Trong đó, chủ yếu là các nghề, như: mộc, sản xuất giấy vệ sinh, làm chổi đót, chổi lông, đặc biệt là nghề nuôi con đặc sản rùa, ba ba... Bà Đinh Thị Liên, Phó Giám đốc TTHTCĐ xã Thiệu Hợp cho biết: “Sau khi được học các lớp tập huấn tại Hà Nội và Ninh Bình trở về địa phương ông Phạm Văn Quyền ở thôn Nam Bằng 1 đã phát triển thành công mô hình nuôi ba ba, rùa cho hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy mô hình có tiềm năng, TTHTCĐ xã đã mời ông Quyền tập huấn kỹ thuật nuôi cho nhiều hộ gia đình trong xã để nhân rộng mô hình. Đến nay, toàn xã đã có hơn 200 hộ nuôi ba ba, rùa cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm”.

Từ những hoạt động cụ thể, thiết thực, TTHTCĐ xã Thiệu Hợp đã mang đến cơ hội học tập thường xuyên cho nhiều người, ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là cho những người không có điều kiện học chính quy. Theo chia sẻ của nhiều người dân, qua các lớp học, các buổi tập huấn do TTHTCĐ xã tổ chức, mỗi người dân xã Thiệu Hợp không chỉ nắm bắt được các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước mà còn biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, giúp người nông dân rút ngắn khoảng cách về kiến thức trong xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, nhiều gia đình từ đó thoát nghèo, vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi và làm giàu chính đáng. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Thiệu Hợp là 36 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ chiếm 0,37%; 100% đường làng, ngõ xóm trong xã đã được bê tông hóa, nhựa hóa; việc đầu tư cơ sở vật chất các công trình phúc lợi được chính quyền và Nhân dân quan tâm... Kết quả này đang là tiền đề quan trọng để Đảng bộ và Nhân dân xã Thiệu Hợp quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn tới.

Theo đánh giá của lãnh đạo xã Thiệu Hợp, trước đây, khi chưa có TTHTCĐ, việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến bà con nông dân rất khó khăn, dù thông qua mô hình HTX nhưng hiệu quả đạt được vẫn không cao. Từ khi TTHTCĐ ra đời, do phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của mỗi cá nhân, gia đình, thôn xóm nên đã phát huy được trí tuệ của người dân với trình độ và năng lực khác nhau, từ đó mang lại sự đổi thay. Đây có thể coi là “trường học” tiện ích của người nông dân. Với ý nghĩa đó, trong thời gian tới, đảng ủy, UBND xã tiếp tục quan tâm chỉ đạo, phối hợp với ngành chức năng nâng cao hiệu quả hoạt động của TTHTCĐ, chỉ đạo trung tâm tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu học tập của người dân để đề xuất, xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, chuyên đề trên các lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời; được phổ biến kiến thức và sáng kiến kinh nghiệm trong sản xuất và cuộc sống... Qua đó, áp dụng vào thực tiễn, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Bài và ảnh: Lê Phong

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/hieu-qua-hoat-dong-cua-trung-tam-hoc-tap-cong-dong-xa-thieu-hop/123414.htm