Hiệu quả hoạt động của Trung tâm Học tập cộng đồng xã Vĩnh Thái

Sau nhiều năm thành lập và đi vào hoạt động, đến nay Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh đã đảm đương ngày càng tốt hơn vai trò cầu nối kiến thức cho người dân xã biển bãi ngang này trong mọi lĩnh vực của đời sống.

 Một cơ sở sản xuất thuyền composite công suất nhỏ ở xã Vĩnh Thái - Ảnh: A.P

Một cơ sở sản xuất thuyền composite công suất nhỏ ở xã Vĩnh Thái - Ảnh: A.P

Vừa đến TTHTCĐ xã Vĩnh Thái, chúng tôi liền được Phó giám đốc trung tâm Nguyễn Thị Thủy dẫn đi thăm mô hình trồng cây môn nịt ở thôn Thử Luật. Chị Thủy cho biết, thời gian qua, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như của địa phương đến với người dân, TTHTCĐ xã đã chú trọng mở các lớp dạy nghề, tập huấn kiến thức để giúp người dân địa phương nắm bắt, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, từ đó cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống... Đơn cử như việc TTHTCĐ mở các lớp dạy nghề, tập huấn về trồng, chăm sóc cây môn nịt cho người dân địa phương. Sau nhiều năm đưa vào trồng thử nghiệm, từ hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với nhiều loại cây truyền thống khác, đến nay trên địa bàn Vĩnh Thái có khoảng 200 hộ dân trồng môn nịt. Trong đó thôn Thử Luật có khoảng 100 hộ dân trồng loại cây này cho thu nhập 50 - 60 triệu đồng/năm. Trồng cây môn nịt trên vùng cát trắng bạc màu trở thành một trong những mô hình cây trồng chủ lực, mở ra hướng đi triển vọng trong sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu tại xã bãi ngang như Vĩnh Thái. Cây môn nịt là loại cây ít đầu tư, dễ trồng, khả năng chịu hạn cao, thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Thời gian xuống giống bắt đầu từ tháng 8 - 9, sau 6 tháng đã cho thu hoạch với năng suất bình quân ước đạt 14 tấn/ha. Điển hình trồng cây môn nịt cho thu nhập cao là gia đình chị Nguyễn Thị Nga ở thôn Thử Luật. Trước đây, trên diện tích đất khoảng 5 - 6 sào, gia đình chị Nga trồng cây lạc hoặc khoai lang nhưng năng suất, sản lượng thấp, thu nhập không đáng kể. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây môn nịt mang lại, chị Nga đã chủ động tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn tại TTHTCĐ xã về trồng, chăm sóc môn nịt. Sau đó, gia đình chị Nga bắt đầu trồng cây này thay thế cây lạc, khoai lang. Cây môn nịt đến kỳ thu hoạch được tư thương thu mua ngay tại vườn với giá bán khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg. Hiện tại, gia đình chị Nga có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Chị Nguyễn Thị Thủy cho biết thêm, với phương châm đáp ứng nhu cầu “cần gì học đó” của người dân, thời gian qua TTHTCĐ xã đã chú động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Linh… tổ chức nhiều lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho người dân; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nhiều lao động học tập và mở thêm nhiều ngành nghề mới mang lại thu nhập cao. Từ năm 2016 đến nay, TTHTCĐ xã đã mở 30 lớp tập huấn (950 lượt người tham gia) về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nước mắm, đánh bắt thủy hải sản… Mở hàng chục lớp dạy nghề cho người lao động trên địa bàn xã về các nghề như trồng và chăm sóc cây ném, môn nịt, chế biến nước mắm phơi công nghệ cao, nghề thêu tranh… Nhiều người dân sau khi tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề đã ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, đảm bảo việc làm thường xuyên và cải thiện rõ rệt thu nhập của gia đình. Tiêu biểu như trường hợp anh Nguyễn Duy Thủ, Nguyễn Văn Lưu (thôn Thái Lai) với nghề sản xuất thuyền composite công suất nhỏ cho vùng biển bãi ngang để dần thay thế thuyền nan truyền thống; anh Nguyễn Quang Thanh (thôn Đông Luật), anh Nguyễn Quang Tuấn (thôn Thái Lai) sáng chế máy kéo để kéo thuyền lên bờ, giúp ngư dân giảm bớt công sức sau mỗi chuyến biển; anh Ngô Thế Biên (thôn Thử Luật) xây dựng trang trại chăn nuôi gần 100 con lợn, nuôi cá nước ngọt cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm; chị Nguyễn Thị Nhàn (thôn Thử Luật) xây dựng trang trại chăn nuôi từ 70 - 100 con lợn…

Để TTHTCĐ xã hoạt động hiệu quả hơn, thời gian tới xã Vĩnh Thái sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập xã, Ban giám đốc TTHTCĐ gắn với việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và có đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Hội Khuyến học xã cùng các Chi hội khuyến học các thôn thường xuyên nắm bắt nhu cầu học tập của người dân bằng hình thức khảo sát thực tế, phát phiếu cho mọi người đăng ký nội dung học tập, để chủ động tổ chức các lớp học tại TTHTCĐ nhằm phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Các nội dung được đưa vào tập huấn, giảng dạy phải luôn đa dạng, quan tâm các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, làm nước mắm, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Lựa chọn đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, giáo viên, giảng viên có kinh nghiệm, chuyên môn để mời giảng dạy theo yêu cầu của TTHTCĐ; khai thác có hiệu quả tài liệu, sách, báo tại TTHTCĐ để biên soạn tài liệu giảng dạy phù hợp với thực tế. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của TTHTCĐ; tăng cường công tác kiểm tra kết quả thực hiện, những khó khăn, bất cập để không ngừng nâng cao chất lượng tổ hoạt động của TTHTCĐ.

An Phong

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=156478&title=hieu-qua-hoat-dong-cua-trung-tam-hoc-tap-cong-dong-xa-vinh-thai