Hiệu quả học nghề ở vùng cao Mù Cang Chải
Ngay giữa trung tâm xã La Pán Tẩn là một cửa hàng sửa chữa xe máy, nông cụ và đồ điện tử gia đình rất to và lúc nào cũng đông khách. Đó chính là ước mơ và thành quả của Giàng A Tuấn - một người con của bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải. Có được cơ ngơi như ngày hôm nay là do Tuấn đã tìm hiểu và tham gia các lớp học nghề.
"Ở xã, huyện mở lớp học nghề gì là mình đều đăng ký tham gia. Phải có nghề mới đỡ khổ, mới thoát được nghèo. Giờ thì kinh tế gia đình mình đã ổn định. Mình làm nghề thu nhập 1 tháng có khi bằng cả 1 năm làm ruộng đấy!”- Giàng A Tuấn chia sẻ.
Nhờ chăm chỉ học hỏi và quyết tâm của bản thân đến nay thu nhập của gia đình Tuấn đạt từ 15 - 30 triệu đồng/tháng, tùy thời điểm. Còn anh Thào A Su ở bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn năm 2021 sau khi học xong các lớp: chế biến món ăn, hướng dẫn viên, buồng bàn và lễ tân đã mạnh dạn cải tạo lại ngôi nhà sàn đang ở làm mô hình homestay phục vụ khách du lịch.
Thông qua các lớp đào tạo nghề và tập huấn ngắn hạn anh Su đã biết áp dụng nhiều kiến thức vào làm dịch vụ homestay như: nấu ăn, trang trí phòng ốc, tổ chức các chuỗi hoạt động trải nghiệm tại địa phương cho du khách, sử dụng Internet để quảng bá du lịch... Hay đơn cử nhất là việc lựa chọn các đồ dùng, vật dụng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông vào xây dựng, bài trí phòng đã tạo dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách.
Thào A Su chia sẻ: "Phong cảnh ở xã mình đẹp, có nhiều khách du lịch đến đây, nên mình đã quyết tâm làm mô hình này, hiện tại nhà mình phục vụ được trên 20 khách. Thời gian tới mình sẽ đầu tư mở rộng để đón được nhiều khách hơn!”.
Những năm qua, để nâng cao chất lượng nguồn lao động, hướng tới mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, phối hợp với các cơ sở dạy nghề quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các chính sách hỗ trợ dạy nghề đã tạo thêm nhiều việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Để việc dạy nghề và học nghề mang lại hiệu quả nhất cho người dân địa phương, huyện Mù Cang Chải đã lựa chọn các đối tượng tham gia các lớp học về trồng trọt, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm. Song song với việc mở các lớp đào tạo nghề về nông nghiệp thì huyện còn chú trọng mở các lớp đào tạo ngành phi nông nghiệp như dịch vụ du lịch, nấu ăn…
Nhờ nội dung "trúng” các hạn chế của người dân, đúng và phù hợp về đối tượng mà các kiến thức từ lớp học nghề đã được người dân áp dụng hiệu quả vào sản xuất nâng cao chất lượng cuộc sống.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tuyển được 20 lao động; phối hợp tổ chức thành công Ngày hội việc làm trên địa bàn huyện với trên 800 em học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 tham gia được tư vấn, giới thiệu việc làm. Huyện đã đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 247 người, trong đó: trung cấp 15 người, sơ cấp 61 người, dưới 3 tháng 171 người.
Mù Cang Chải thực hiện đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở về đào tạo nghề, giải quyết việc làm chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất về chất lượng chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trong 6 tháng toàn huyện Mù Cang Chải đã có 568 lao động được giải quyết việc làm mới; trong đó: phát triển kinh tế - xã hội 270 lao động, ngoại tỉnh 263 lao động, vay vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm 33 người, xuất khẩu lao động 2 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45,2%; qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ đạt 22,2%. Chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp được 239 người, đạt 62,89% kế hoạch.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/298106/hieu-qua-hoc-nghe-o-vung-cao-mu-cang-chai.aspx