Hiệu quả 'kép' từ công tác tuyên truyền miệng ở huyện Thường Xuân
Những năm qua, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên (BCV, TTV) của huyện Thường Xuân không chỉ phát huy vai trò 'nói cho dân hiểu' các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mà còn là lực lượng tiên phong trong vận động Nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở cơ sở.
Một mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại xã Thọ Thanh.
Ngược miền thượng du thăm xã Bát Mọt, chúng tôi cảm nhận được sự “thay da, đổi thịt” của một vùng quê miền biên viễn, với những con đường bê tông, khu văn hóa - thể thao thôn, bản khang trang. Chia sẻ về những đổi thay ở Bát Mọt, đồng chí Lương Thị Lưu, Bí thư Đảng ủy xã không giấu được phấn khởi: “Bát Mọt có xuất phát điểm thấp nên kinh tế - xã hội địa phương còn nhiều khó khăn. Từ khi “luồng gió” của Chương trình XDNTM thổi đến đã tạo nên sự đổi thay to lớn về diện mạo nông thôn và đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã không ngừng được nâng lên. Cùng đóng góp vào thành quả đó có công sức của đội ngũ TTV ở các thôn, bản. Toàn xã hiện có 1 đồng chí BCV cấp huyện và 20 đồng chí TTV cơ sở là bí thư chi bộ, trưởng các cơ quan, đoàn thể chính trị. Nhiều năm qua, đội ngũ TTV của xã luôn phát huy vai trò hạt nhân trong công tác tuyên truyền, phổ biến đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”.
Thôn Khẹo nằm ở khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, cách trung tâm xã gần 13 km. Toàn thôn có 59 hộ dân, với 251 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Thái. Đảm nhận thêm vai trò TTV cơ sở, ông Lang Đình Thuyên, bí thư chi bộ thôn Khẹo luôn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đầu năm 2018, thôn Khẹo bước vào giai đoạn nước rút trong XDNTM. Ông Thuyên xác định, muốn Nhân dân đồng thuận, trước hết phải nói để mọi người dân cùng hiểu về Chương trình XDNTM. Theo đó, hàng tháng, tại các buổi sinh hoạt chi bộ, hội nghị thôn, ông Thuyên thường xuyên lồng ghép tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chương trình XDNTM đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Từ chỗ được tuyên truyền, Nhân dân đã phát huy vai trò chủ thể của mình trong XDNTM, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Từ 2018-2021, Nhân dân thôn Kheo đã đóng góp 3,58 tỷ đồng để cùng với nguồn vốn của Nhà nước xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Trong đó, đổ bê tông hóa được 2,1 km đường giao thông nội thôn; sửa chữa hệ thống cống rãnh thoát nước trên các trục đường giao thông; xây dựng nhà văn hóa thôn, với diện tích sử dụng là 120m2 cùng khu thể thao rộng 1.980m2... “Cùng với cả hệ thống chính trị, ông Thuyên đã phát huy tốt vai trò bí thư chi bộ, kiêm TTV cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân chung sức XDNTM. Nhờ vậy, cuối năm 2021, thôn Khẹo đã về đích NTM” - bí thư đảng ủy xã Lương Thị Lưu đánh giá.
Xuôi về thôn 2 - thôn NTM kiểu mẫu đầu tiên của xã Thọ Thanh. Đầu năm 2019, xã Thọ Thanh đã chọn thôn 2 để xây dựng thôn NTM kiểu mẫu. Bám sát chỉ đạo của đảng ủy, UBND xã, chi ủy chi bộ thôn đã họp bàn, thống nhất ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng thôn NTM kiểu mẫu. Để nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, hàng tháng, thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, hội nghị thôn, chị Lê Thị Điền, bí thư chi bộ thôn, kiêm TTV cơ sở đã lồng ghép đưa nội dung, kế hoạch thực hiện tiêu chí NTM kiểu mẫu vào truyền đạt, phổ biến đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Với chủ trương lấy phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân làm khâu đột phá trong XDNTM kiểu mẫu, chị Điền đã bám vào các nhiệm vụ trọng tâm mà đảng ủy, chính quyền xã đang tập trung chỉ đạo triển khai, như: Dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất đai xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất để tuyên truyền, phổ biến đến Nhân dân. Từ việc “nói cho dân hiểu” của nữ bí thư chi bộ, kiêm TTV cơ sở Lê Thị Điền, đến nay, Nhân dân thôn 2 đã tích tụ đất đai, xây dựng thành công cánh đồng mẫu lớn hơn 19 ha đối với sản phẩm chủ lực là cây mía thương phẩm của địa phương và mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà lưới. Cùng với đó, các hộ dân trong thôn đã xây dựng được 39 vườn cây nông hộ. Trong đó, có 5 vườn hộ được đầu tư hệ thống tưới, tiêu khoa học, với thu nhập hàng năm từ 75 đến 100 triệu đồng/500m2. Khai thác tiềm năng đất đai, Nhân dân trong thôn còn nhân rộng, phát triển vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích hơn 1 ha. Hiệu quả từ công tác tuyên truyền miệng ở thôn 2, chính là giúp tìm ra hướng sản xuất mới khai thác được tiềm năng, thế mạnh về đất đai của địa phương. Nhờ vậy, đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của thôn 2 đạt 49 triệu đồng và trong thôn không còn hộ nghèo.
Huyện Thường Xuân hiện có 69 đồng chí BCV, TTV cơ sở. Bám sát Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15-10-2007 của Ban Bí thư (khóa X) “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, những năm qua, huyện Thường Xuân luôn chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ BCV, TTV ở các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể chính trị. Trong đó, tập trung xây dựng đội ngũ BCV, TTV có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; đồng thời có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn, nhất là khả năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục quần chúng Nhân dân. Nhờ vậy, chất lượng của hoạt động BCV, TTV của huyện đã được nâng lên và phát huy hiệu quả. Từ chỗ chỉ tổ chức hội nghị BCV theo quý, đến nay, các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể chính trị trong huyện đều duy trì hội nghị BCV hàng tháng. Bên cạnh đó, hàng năm, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thường Xuân phối hợp với Trung tâm Chính trị huyện tổ chức được từ 9 đến 10 hội nghị BCV cấp huyện, với khoảng 500 lượt người tham dự. Việc duy trì nền nếp hội nghị BCV các cấp đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu hút đầu tư các dự án lớn trên địa bàn tỉnh và huyện, tình hình thời sự trong nước và quốc tế... Đáng nói hơn, hoạt động tuyên truyền của đội ngũ BCV, TTV không chỉ định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội, mà còn góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo Đảng và quản lý của Nhà nước. Qua đó, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 của huyện đề ra.