Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng lúa tẻ nương Hà Giang

Vụ xuân năm 2024, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cao Lộc phối hợp với Công ty TNHH SMART 3T triển khai mô hình sản xuất lúa tẻ nương Hà Giang trên địa bàn 2 xã Cao Lâu và Hải Yến. Với năng suất, chất lượng cao, giống lúa mới đã giúp người dân tăng thêm thu nhập.

Là một trong những hộ đầu tiên đăng ký tham gia mô hình, anh Lý Văn Phấn, thôn Co Riềng, xã Hải Yến cho biết: Vụ xuân năm nay, khi được chính quyền xã tuyên truyền, gia đình tôi đã tham gia mô hình trồng giống lúa tẻ nương Hà Giang với diện tích 8 sào. Sau gần 5 tháng trồng và chăm sóc, tôi nhận thấy giống lúa này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cây lúa phát triển rất tốt. Cách đây hơn 1 tuần, gia đình tôi đã thu hoạch xong 8 sào lúa tẻ nương Hà Giang và thấy năng suất đạt khá cao, khoảng 2,8 tạ thóc khô/sào, cao hơn khoảng 0,8 tạ/sào so với giống lúa truyền thống mà gia đình tôi thường gieo cấy trước đây. Với năng suất cao như vậy, năm sau gia đình tôi sẽ tiếp tục gieo cấy và mở rộng diện tích lên 9 sào.

Người dân xã Hải Yến kiểm tra chất lượng thóc tẻ nương Hà Giang sau khi thu hoạch

Người dân xã Hải Yến kiểm tra chất lượng thóc tẻ nương Hà Giang sau khi thu hoạch

Ông Lý Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Yến cho biết: Vụ xuân năm 2024, mô hình trồng lúa tẻ nương Hà Giang được triển khai trên địa bàn xã với diện tích 1 ha, 16 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình đều được hỗ trợ 100% giống lúa, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Kết quả triển khai mô hình cho thấy, giống lúa tẻ nương Hà Giang cho năng suất cao hơn từ 0,6 đến 0,8 tạ/sào so với giống lúa đại trà mà người dân gieo cấy hằng năm. Không chỉ vậy, giống lúa mới còn cho mẫu mã gạo đẹp, hạt gạo dài, bóng mẩy. Với năng suất, chất lượng cao, những vụ tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng lúa tẻ nương Hà Giang để tăng thu cho gia đình.

Không chỉ tại xã Hải Yến, mô hình còn được triển khai trên địa bàn xã Cao Lâu. Theo đó, vụ xuân năm 2024, Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc đã phối hợp với Công ty TNHH SMART 3T triển khai mô hình sản xuất lúa tẻ nương Hà Giang trên địa bàn 2 xã Cao Lâu và xã Hải Yến với tổng diện tích 3 ha, 26 hộ tham gia. Để triển khai mô hình đạt hiệu quả, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ 100% giống, phân bón, vật tư nông nghiệp; tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho người dân; đồng thời cử cán bộ khuyến nông thường xuyên theo dõi, bám nắm tình hình sản xuất của bà con để kịp thời đưa ra khuyến cáo...

Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện, giống lúa tẻ nương Hà Giang sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, cao cây, bông dài, nhiều hạt; khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh khá, chất lượng cơm ngon hơn giống đối chứng (DV 108 – giống lúa bà con thường gieo cấy hằng năm). Cùng đó, giống lúa tẻ nương Hà Giang còn cho năng suất khá cao, đạt 77,8 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng 14,3 tạ/ha, do vậy mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các giống lúa thuần khác đang trồng tại địa phương. Cụ thể, với mức giá bán thóc thương phẩm trung bình là 7.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí giống lúa tẻ nương Hà Giang cho hiệu quả kinh tế đạt trên 1,6 triệu đồng/sào, cao hơn giống lúa đối chứng khoảng 290 nghìn đồng/sào.

Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Những kết quả đạt được từ mô hình là cơ sở để huyện phát triển, mở rộng mô hình trên địa bàn. Theo đó, trong thời gian tới, phòng sẽ tham mưu UBND huyện sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ cải tạo đất trồng lúa của Nhà nước giao hằng năm để tiếp tục triển khai mô hình trồng lúa tẻ nương Hà Giang. Bên cạnh đó, phòng phối hợp với chính quyền các xã tuyên truyền, khuyến khích người dân đưa giống lúa mới vào sản xuất; đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp xây dựng liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân, hướng đến xây dựng thương hiệu để nâng cao hơn nữa giá trị của sản phẩm.

Mô hình trồng lúa tẻ nương Hà Giang bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Không chỉ cho năng suất, chất lượng cao, giống lúa này còn có thời gian sinh trưởng thuộc nhóm ngắn ngày chỉ từ 115 - 120 ngày trong vụ xuân, là giống phù hợp để đưa vào sản xuất ở vụ xuân, vụ mùa sớm, thuận lợi cho bố trí cây trồng vụ đông trong quá trình thâm canh tăng vụ. Qua đó, góp phần tăng hiệu quả sản xuất cho người dân.

KIM CHI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/hieu-qua-kinh-te-tu-mo-hinh-trong-lua-te-nuong-ha-giang-5016626.html