Hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi ong lấy mật tại Thanh Thịnh

Tận dụng lợi thế tự nhiên về diện tích đất rừng và cây ăn quả phong phú, những năm qua, người dân trên địa bàn xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới đã lựa chọn nghề nuôi ong lấy mật làm hướng đi phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình.

 Lãnh đạo địa phương thăm mô hình nuôi ong của Tổ hợp tác nuôi ong thôn Bản Còn.

Lãnh đạo địa phương thăm mô hình nuôi ong của Tổ hợp tác nuôi ong thôn Bản Còn.

Thanh Thịnh là địa phương diện tích đất rừng rộng, sự đa dạng các loại cây ăn quả, rất phù hợp để phát triển nghề nuôi ong. Nhằm thực hiện hiệu quả chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, xã Thanh Thịnh đã thành lập Tổ hợp tác nuôi ong thôn Bản Còn với 8 thành viên. Với quy mô trên 200 đàn ong mật, cho thu hoạch từ 1.600 - 2.000 lít mật ong/năm, đem lại doanh thu gần 300 triệu đồng mỗi năm, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Bà Hứa Thị Mới là thành viên của Tổ hợp tác nuôi ong thôn Bản Còn. Ban đầu bà chỉ nuôi 1-2 đàn ong rừng với mục đích phục vụ nhu cầu cho gia đình. Sau khi tham gia lớp tập huấn thuộc "Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" tỉnh Bắc Kạn, nhận thấy những lợi thế sẵn có của gia đình như vị trí gần núi, diện tích đất rừng rộng và sự đa dạng của cây ăn quả, cây hoa rất phù hợp để phát triển nghề nuôi ong.

 Mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình bà Hứa Thị Mới.

Mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình bà Hứa Thị Mới.

Được trang bị kiến thức và kỹ thuật từ đề án, bà Mới đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, từ vài đàn lên hàng chục đàn, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Bà áp dụng phương pháp tách đàn tự nhiên và bẫy ong bằng mùi hương hoa của các loại cây ăn quả như: vải, nhãn...; trồng thêm nhiều loại hoa để thu hút ong về làm tổ, vừa hiệu quả vừa tiết kiệm chi phí.

Nhờ đó, đến nay gia đình bà Mới đã sở hữu hơn 50 đàn ong cho mật chất lượng cao, màu vàng óng và hương thơm đặc trưng. Mỗi năm, gia đình bà thu hoạch trung bình hơn 200 lít mật, với giá bán từ 160.000 đến 200.000 đồng/lít, mang lại thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng.

 Quan sát đàn ong thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh.

Quan sát đàn ong thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh.

Theo bà Mới, nuôi ong lấy mật không quá khó, nhưng phải nắm rõ được tập tính, kỹ thuật tách đàn và đặc biệt là quá trình sinh trưởng của ong. Trong đó giai đoạn làm mũ ong chúa là khó khăn nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ cao.

Trước ngày làm mũ chúa cần đưa tổ ong rơi vào trạng thái không có chúa ít nhất trước đó 12 giờ. Lựa chọn những tổ ong có nhiều cầu để nuôi, đúc chén sáp và gắp ấu trùng ong vào mũ chúa giả. Bà Mới cho biết thêm, chỉ nên gắp ấu trùng trong khoảng thời gian 15 phút, để đảm bảo ấu trùng được khỏe mạnh, phát triển tốt.

Ngoài ra thời tiết cũng là yếu tố then chốt quyết định năng suất và chất lượng mật ong. Thời tiết thuận lợi, hoa nở rộ sẽ cho mật chất lượng cao chỉ sau 10-15 ngày, ngược lại sẽ làm giảm cả sản lượng và chất lượng mật. Bà Mới chia sẻ thêm: Ở ong thường xuất hiện bệnh thối ấu trùng. Vì vậy cần quan sát đàn ong thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh. Người nuôi cần chú ý vệ sinh tổ ong sạch sẽ, đảm bảo nguồn thức ăn và kiểm soát mật độ ong trong tổ để phòng ngừa bệnh.

Bà Hứa Thị Mới, thành viên Tổ hợp tác nuôi ong thôn Bản Còn chia sẻ về dịch bệnh hay gặp ở ong mật.

Gia đình ông Mai Đức Thuận, ở thôn Bản Còn, xã Thanh Thịnh, là một trong những hộ tiêu biểu đã phát triển thành công mô hình nuôi ong lấy mật. Với quy mô hơn 20 đàn ong, mỗi năm cho thu hoạch từ 100 đến 130 lít mật.

Hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi ong lấy mật đã thúc đẩy nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đầu tư vào mô hình này, tổng toàn xã có hơn 200 đàn ong. Các thôn Bản Còn, Hợp Nhất, Bản Áng… là những khu vực tập trung nhiều hộ nuôi ong, hầu hết các hộ dân trong xã đều nuôi ít nhất 1-2 đàn.

Mặc dù sản phẩm của Tổ hợp tác mật ong thôn Bản Còn đã đạt tiêu chuẩn Ocop 3 sao và tiếp cận được người tiêu dùng, tuy nhiên, đối với các hộ nuôi ong trên địa bàn còn gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường. Do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa tiếp cận được các doanh nghiệp, công ty liên kết tiêu thụ sản phẩm và chưa áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật.

Lãnh đạo địa phương đánh giá về mô hình nuôi ong trên toàn xã.

Ông Hà Như Họa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Thịnh cho biết: So với các mô hình kinh tế khác, nuôi ong lấy mật có ưu điểm vượt trội như vốn đầu tư thấp, ít rủi ro và giá ổn định. Đặc biệt, nhờ nguồn hoa tự nhiên phong phú, các hộ nuôi ong trên địa bàn xã áp dụng phương thức nuôi hoàn toàn tự nhiên, không cần cho ong ăn thêm bất cứ loại thức ăn nào, giúp mật ong có chất lượng cao và hương vị đặc biệt.

Nhằm hỗ trợ phát triển nghề nuôi ong, xã Thanh Thịnh đã tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chợ Mới với lãi suất thấp và thời hạn vay linh hoạt. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật nuôi ong và khuyến khích các hộ chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, nhờ đó số lượng hộ dân nuôi ong đã tăng lên đáng kể./.

Hồng Anh - Ngọc Kỷ

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/hieu-qua-kinh-te-tu-nghe-nuoi-ong-lay-mat-tai-thanh-thinh-post68273.html