Hiệu quả kinh tế từ trồng và chăm sóc rừng FSC

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, tăng cường quản lý và phát triển rừng bền vững, các địa phương trong tỉnh đang tập trung triển khai đến người dân thực hiện trồng rừng và chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC của Châu Âu, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng cho người dân.

Phú Thịnh là một trong những địa phương có diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC lớn của huyện Yên Sơn với hơn 1.739 ha. Để nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, xã đã vận động người dân đăng ký tham gia Dự án sản xuất rừng bền vững FSC. Tham gia dự án, các hộ đều tuân thủ nghiêm các nguyên tắc: không sử dụng thuốc diệt cỏ, bảo vệ động vật hoang dã, không đốt thực bì; quá trình khai thác không để lại dấu tích của xe cộ, chất thải để tránh tác động đến môi trường rừng… Sau khi được chính quyền vận động, cán bộ lâm nghiệp hướng dẫn, các hộ trồng rừng đều thực hiện nghiêm ngặt kỹ thuật.

Ông Phạm Ngọc Mạnh, thôn Mỹ Lộc, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) một trong những người tiên phong trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC trong thôn chia sẻ, trước đây, do trồng rừng tự do không chú ý đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc, nên năng suất thấp, giá bán cũng không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá. Từ năm 2015, sau khi đăng ký trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, hơn 10 ha rừng của gia đình ông đã được quản lý chặt chẽ, chăm sóc theo đúng kỹ thuật nên cây nhanh lớn. Ngoài ra, chu kỳ trồng, chăm sóc và khai thác cũng kéo dài từ 7 - 10 năm thay vì 5 năm như trước. Đồng thời ông cũng thường xuyên kiểm tra, kịp thời tra dặm những cây bị chết để đảm bảo diện tích cũng như mật độ rừng trồng.

Ông Đỗ Tiến Lư, thôn Đa Năng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) cho biết, trước kia việc xử lý thực bì của gia đình sau mỗi vụ thu hoạch chủ yếu áp dụng phương pháp dùng lửa đốt. Phương pháp này tiện lợi, ít mất công sức và thời gian. Tuy nhiên, sau khi được tập huấn về tiêu chuẩn rừng quốc tế việc đốt thực bì không tốt cho môi trường, gây nguy cơ cháy rừng, đồng thời còn phá vỡ cấu trúc đất, ảnh hưởng hệ sinh thái động, thực vật trong đất và gây ô nhiễm môi trường không khí…

Người dân xã Phú Thịnh (Yên Sơn) chăm sóc rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC.

Người dân xã Phú Thịnh (Yên Sơn) chăm sóc rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC.

Để phát triển rừng bền vững và mang lại nhiều giá trị cho cuộc sống từ rừng cần phải chuyển đổi sang phương pháp xử lý thực bì an toàn hơn như trực tiếp làm cỏ, phát vén thực bì. Đổi lại sau khoảng 1 - 2 năm lớp thực bì đó sẽ hoai mục, tạo độ tơi, xốp cho đất nên cây sẽ sinh trưởng phát triển nhanh hơn. Việc sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật phải có nguồn gốc sinh học, không sử dụng thuốc có nguồn gốc hóa học; rác thải nhựa sau khi sử dụng được thu gom đảm bảo tiêu chuẩn xanh - sạch - an toàn để bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

Đồng chí Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 36.900 ha rừng được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn FSC, để nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế rừng, bên cạnh việc chỉ đạo, hướng dẫn người dân tập trung hoàn thành diện tích trồng rừng theo kế hoạch, ngành chuyên môn cũng thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn người dân chăm sóc, trồng dặm diện tích rừng mới trồng để đảm bảo diện tích. Bên cạnh chăm sóc cây mới trồng, người dân cũng cần chú ý chăm sóc, theo dõi sâu bệnh đối với những diện tích rừng 3 - 4 năm tuổi, thường xuyên phát cỏ, chặt tỉa cây gỗ tạp, dây leo, tạo sự thông thoáng để cây sinh trưởng tốt, đồng thời hạn chế sâu bệnh gây hại…

Có thể khẳng định, việc trồng và chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC đã nâng cao hiệu quả kinh tế rõ nét cho người trồng rừng, tạo nguồn nguyên liệu tập trung cho các nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm gỗ xuất khẩu và đem lại hiệu quả về kinh tế, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/hieu-qua-kinh-te-tu-trong-va-cham-soc-rung-fsc-166554.html