Hiệu quả kinh tế từ ứng dụng phương pháp sạ cụm trên lúa

Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đã mang lại nhiều thành tựu cho ngành nông nghiệp. Trong đó, đối với sản xuất lúa hiện nay, sạ cụm bằng máy là phương pháp còn khá mới ở Bình Thuận. Do đó trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận sẽ đưa vào áp dụng cho chương trình sản xuất lúa chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu từ vụ mùa năm 2024...

Mô hình sản xuất lúa ứng dụng sạ cụm hiệu quả

Những ngày trung tuần tháng 8, trên cánh đồng tại Trại giống lúa thị trấn Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc) rộn ràng tiếng cười phấn khởi của các đại biểu và nông dân khi nhìn những ruộng lúa vụ hè thu đã vàng ươm, trĩu hạt. Nông dân Lê Văn Hiệp (thị trấn Ma Lâm) phấn khởi chia sẻ: “Vụ hè thu năm nay, gia đình sản xuất 1,4 ha lúa bằng phương pháp sạ cụm theo mô hình của Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Thuận. Tôi và nhiều hộ dân khác trong vùng rất phấn khởi khi cấy và sạ cụm mang lại lợi thế, giảm chi phí về giống, không phải tự mình phun thuốc, lợi nhuận tăng so với cấy thông thường”.

Mô hình sản xuất lúa giống ứng dụng sạ cụm tại Hàm Thuận Bắc.

Mô hình sản xuất lúa giống ứng dụng sạ cụm tại Hàm Thuận Bắc.

Cùng chung niềm vui với người dân, bà Trần Thị Vũ Phương – Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cho biết: Vụ hè thu năm nay trung tâm triển khai sạ cụm với diện tích 20,79 ha tại Ma Lâm. Việc áp dụng sạ cụm thay công cấy, có lợi thế chủ động trong thời vụ, giảm lượng giống gieo sạ trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt, vào cuối vụ hè thu trên địa bàn huyện có xảy ra mưa lớn, lốc gây đổ ngã một số diện tích lúa giai đoạn chín, nhưng năng suất đạt hơn so với năm 2023.

Tại hội thảo khoa học về “Kết quả nghiên cứu lai tạo giống lúa mới, gắn với hiệu quả kinh tế áp dụng sạ cụm, hướng đến chuyển giao giống, cơ giới hóa đồng bộ và sản xuất giảm phát thải các-bon” diễn ra mới đây, Ths. Ngô Thái Sơn – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh thông tin: Trung tâm đã theo dõi mô hình sạ cụm từ vụ Đông Xuân năm ngoái tại Tánh Linh. Từ đầu năm 2024, trung tâm ký kết với Công ty TNHH Đại Nông Cơ Giới để thực hiện mô hình.

Sử dụng máy sạ cụm để tăng hiệu quả sản xuất lúa.

Sử dụng máy sạ cụm để tăng hiệu quả sản xuất lúa.

Theo đó, định hướng của trung tâm là bố trí các mô hình lúa chất lượng cao theo hướng “1 phải 5 giảm”, nhất là giảm lượng giống, thông qua sạ cụm. Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Thuận theo dõi sạ cụm tại Trại lúa giống Ma Lâm, bắt đầu xuống giống từ ngày 8/5/2024. Trong các giai đoạn, thường xuyên theo dõi, ghi chép và cập nhật hình ảnh, kết quả để đánh giá đúng sức sinh trưởng, phát triển.

Tại hội thảo này, các đại biểu và nông dân đều đánh giá, dù lượng giống gieo sạ chỉ 80 kg/ha, nhưng năng suất đạt 8,6 - 8,7 tấn/ha lúa tươi (tương đương khoảng 7,3 tấn/ha lúa khô). Với giá 8.200 đồng/kg tại thời điểm hội thảo, lợi nhuận bình quân sạ cụm 32 triệu đồng/ha, cao hơn sạ lan 15,7 triệu đồng/ha. So với các ruộng lúa sạ lan bên cạnh, thì năng suất mô hình vượt trội, hiện tượng đổ ngã không đáng kể, hiệu quả kinh tế so sánh cao gấp đôi với ruộng sạ lan.

Các đại biểu và nông dân tham quan ruộng lúa thực hiện mô hình.

Các đại biểu và nông dân tham quan ruộng lúa thực hiện mô hình.

Cụ thể, qua theo dõi của Trung tâm Khuyến nông, trong vụ Hè Thu năm 2024 tại Trại giống lúa Ma Lâm, lúa sạ cụm với các mật độ sạ 70, 80 và 100 kg/ha cho hiệu quả cao hơn so với đối chứng ruộng sạ lan 200 kg/ha… Về chi phí sản xuất (không tính chi phí khử lẫn), ruộng 70 và 80 kg/ha có chi phí thấp hơn so với sạ lan 200 kg/ha. Năng suất lý thuyết ở ruộng 80 kg/ha cao nhất với 86 tạ/ha lúa tươi, cao hơn sạ lan 200 kg/ha là 26 tạ/ha. Lợi nhuận dự kiến (tính theo giá trị thương phẩm) ở ruộng sạ cụm 80 kg/ha đạt cao nhất.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá, bước đầu khi áp dụng cùng 1 quy trình phân bón thì sạ cụm sẽ giúp giảm chi phí đầu vào về giống, tăng năng suất. Từ đó tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân trồng lúa so với phương pháp sạ lan truyền thống. Mật độ sạ cụm tốt nhất trên chân đất của Trại giống Ma Lâm là 80 kg/ha. Nếu so sánh với phương pháp cấy trước đây thì sạ cụm giảm chi phí lao động đáng kể khâu cấy (giảm hơn 3,5 triệu/ha) và giảm chi phí khâu làm mạ.

Nông dân tiết kiệm lúa giống và công lao động khi áp dụng sạ cụm.

Nông dân tiết kiệm lúa giống và công lao động khi áp dụng sạ cụm.

Sẽ tiếp tục nhân rộng

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển vùng lúa chất lượng cao, Trung tâm Khuyến nông sẽ triển khai hơn 200 ha lúa mô hình, trên 5 huyện trọng điểm trồng lúa là Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong. Ngoài ra, trung tâm cơ cấu khoảng 11 loại giống lúa chất lượng cao, tất cả các mô hình đều tiến hành sạ cụm theo hướng “1 phải 5 giảm”… Tuy nhiên, thực tế hiện nay nguồn ngân sách của Nhà nước hỗ trợ chỉ một phần, do đó Trung tâm Khuyến nông luôn kêu gọi các hệ thống hợp tác xã, doanh nghiệp cộng đồng, bà con ở các vùng lúa tiếp tục đầu tư chi phí mua máy sạ cụm, hay drone phun xịt thuốc tự động kết hợp hoạt động cung ứng dịch vụ rộng rãi. Từ đó, mạnh mẽ đồng bộ trong việc ứng dụng cơ giới hóa trên cây lúa.

Được biết, hiện nay một số địa phương trồng lúa như Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, Tánh Linh đã áp dụng mức sạ cụm 70 - 120 kg/ha. Qua đó, giúp tiết kiệm giống rất nhiều so với các phương pháp sạ lan thông thường (với mức gieo sạ từ 180-300 kg/ha). Ngoài ra, sạ cụm với máy móc hiện đại còn kết hợp được vùi phân bón lót, và giảm việc trôi hạt, dồn hạt giống khi gặp mưa nhờ việc tạo các bờ bao nhỏ quanh cụm hạt… Đây là tiền đề để giảm lượng nước tưới hợp lý cho cây lúa, giúp giảm phát thải khí nhà kính so với ruộng lúa bị ngập nước thường xuyên, hướng đến phát thải âm và tăng thêm thu nhập cho người trồng lúa nhờ bán tín chỉ cac - bon trong thời gian tới.

Việc giảm lượng giống hợp lý sẽ kéo theo giảm lượng phân bón hóa học, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường. Khoảng cách từng cụm lúa rõ ràng và đều nhau giúp ruộng lúa phát huy được ưu thế của giải pháp canh tác lúa hiệu ứng hàng biên vì vậy ruộng lúa sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, rễ ăn sâu chống đổ ngã nhất là trong mùa mưa giúp cây lúa cho năng suất cao và chất lượng hạt lúa tốt hơn.

Theo ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, để tăng hiệu quả sản xuất, cần kêu gọi doanh nghiệp có năng lực mạnh liên kết phát triển vùng sản xuất lúa giống tập trung. Song song đó, xây dựng vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản mang thương hiệu. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 ổn định diện tích vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao hơn 17.000 ha, đồng thời phải ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây lúa, nâng cao công tác thông tin tuyên truyền, thực hiện các mô hình trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương để thay đổi nhận thức và kỹ thuật sản xuất cho người nông dân, tạo sự dịch chuyển từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới có áp dụng khoa học công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sạ cụm bằng máy là phương pháp gieo sạ mà hạt giống được gieo xuống từng cụm, trong đó số lượng hạt cố định theo mức điều chỉnh mỗi cụm có 1 đến 20 hạt/cụm giúp tất cả cụm gieo đều có mật độ như nhau. Khoảng cách hàng cố định (thông thường 20cm) và khoảng cách cụm có thể điều chỉnh 13 cm hoặc 20 cm. Hiện nay, ngoài việc sạ lúa giàn sạ cụm còn có thể kết hợp vùi phân bón lót; kết hợp phun thuốc cỏ đầu vụ giúp giảm công sức và tiết kiệm nhiều chi phí.

KIỀU HẰNG

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/hieu-qua-kinh-te-tu-ung-dung-phuong-phap-sa-cum-tren-lua-123108.html