Hiệu quả kinh tế vườn hộ ở thị trấn Việt Lâm
Trên địa bàn huyện Vị Xuyên, người dân thị trấn Việt Lâm được đánh giá có nhiều kinh nghiệm trong phát triển kinh tế vườn hộ nhất. Từ hàng chục năm nay, hàng trăm hộ dân nơi đây tập trung phát triển trồng trọt, chăn nuôi trên mảnh vườn của mình cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định.
Gia đình chị Doãn Thị Công, tổ 10 là một điển hình trong phát huy hiệu quả kinh tế vườn hộ ở thị trấn Việt Lâm với trên 1,1ha cây rau màu và cây ăn quả cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chị Công kể: Năm 2009, gia đình tôi chuyển từ Yên Bái sang mua đất phát triển kinh tế. Mảnh đất khi đó vừa nhiều đá lại trũng thấp nên 2 năm đầu gia đình tôi chỉ trồng được ngô, lúa nhưng hiệu quả kinh tế thấp, có những thời điểm phải chạy ăn từng bữa. Từ năm thứ 3 trở đi, vợ chồng tôi quyết định thuê người đập đá và mua đất đổ lấy mặt bằng chuyển đổi cây trồng khác mới có được nguồn thu khá và ổn định như hiện nay.
Gia đình chị Công hiện dành 5.000m2 đất để trồng bầu, bí, mướp, Su su quanh năm; diện tích còn lại gia đình trồng 130 cây Chanh tứ mùa, 120 cây bưởi; gần 100 cây cam, mít và xây dựng 2 dãy chuồng trại nuôi 6 lợi nái sinh sản và gần 100 con lợn thịt. Mỗi năm gia đình chị thu được khoảng 50 tấn quả các loại. Mùa này, bình quân mỗi ngày có thể thu được 2-3 tạ mướp, bí đưa ra thị trường. Trừ các loại chi phí, hàng năm gia đình chị thu về khoảng 250 – 300 triệu đồng. Chị Công chia sẻ: Cả gia đình tôi chỉ sống dựa vào vườn cây và chăn nuôi lợn. Hàng ngày chồng tôi chở hàng đi giao cho các chợ còn tôi ở nhà làm vườn. Làm kinh tế vườn để có hiệu quả thì phải cần cù, chịu khó, chuyên tâm chăm sóc cây trồng và mạnh dạn thử nghiệm, chuyển đổi các loại cây trồng khác nếu những loại cây đang trồng không cho nguồn thu ổn định và giá trị kinh tế thấp.
Ông Trịnh Xuân Vĩ, 66 tuổi, tổ 11 là người có nhiều kinh nghiệm phát triển kinh tế vườn hộ ở thị trấn Việt Lâm. Những năm trước, ông là người đi đầu trong trồng rau chuyên canh ở địa phương cung ứng cho tiểu thương kinh doanh tại các chợ trên địa bàn huyện Vị Xuyên và thành phố Hà Giang. Nhưng hiện tại ông đã chuyển sang trồng cây ăn quả, vừa giảm công lao động nhưng vẫn giữ được nguồn thu ổn định. Ông Vĩ cho biết: Trồng rau hay những cây ngắn ngày cần nhiều công chăm sóc nên khi bước qua tuổi 60 tôi đã quyết định chuyển sang trồng bưởi và mít. Hai loại cây này chỉ mất công chăm sóc 2 năm đầu, còn lại hàng năm chỉ mất vài lần thuê người cắt cỏ, bón phân và thu hoạch. Hiện, với diện tích vườn trên 2 ha, tôi trồng được 600 cây bưởi, 200 cây mít và đã được thu hoạch năm thứ 2. Năm trước tôi thu được 450 triệu đồng. Năm nay do thời kỳ bưởi ra hoa đúng đợt mưa lớn nên năng suất có giảm nhưng dự kiến vẫn cho thu trên 200 triệu đồng.
Theo thống kê của thị trấn Việt Lâm, thị trấn hiện có trên 1.500 hộ, 14 thôn, tổ dân phố; trong đó có trên 35% tập trung vào phát triển kinh tế vườn hộ, tập trung ở các tổ 7, 10, 11, 12, 13. Bình quân thu nhập các hộ đều đạt trên 100 triệu đồng/năm. Giai đoạn 2015 – 2020, các hộ phát triển kinh tế vườn trên địa bàn thị trấn trồng mới và phát triển được 42 ha cây ăn quả, duy trì 28 ha trồng rau màu chuyên canh các loại; duy trì tổng đàn lợn khoảng 4.000 con/năm, đàn gia cầm 60.000 con/năm. Hiệu quả kinh kinh tế vườn ở thị trấn Việt Lâm được một số địa phương trên địa bàn huyện Vị Xuyên đến học tập để triển khai Chương trình Cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh.
Chủ tịch UBND thị trấn Việt Lâm, Phạm Văn Ánh cho biết: Thị trấn có trên 356 ha đất trồng cây hàng năm, trong đó đất trồng lúa và ngô chiếm gần 80%, đất trồng cây ăn quả và rau màu chỉ chiếm trên 20%. Tuy nhiên, kinh tế vườn hộ có vai trò quan trọng trong sự phát triển KT – XH của thị trấn, góp phần nâng giá trị canh tác trên diện tích đất canh tác đạt 80 triệu đồng/ha; phát triển và duy trì hiệu quả 6 HTX sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; nâng mức thu nhập bình quân đầu người của thị trấn lên 38 triệu đồng/người/năm và giảm tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn xuống còn 4,5%.