Hiệu quả kinh tế vượt trội từ mô hình nuôi con cầy hương
Những năm gần đây, nhu cầu của thị trường về sản phẩm thịt cầy hương tăng cao, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã tìm hiểu, học tập kinh nghiệm và đưa vào nuôi thử nghiệm đối tượng con nuôi này. Từ những mô hình khởi nghiệp với con cầy hương, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập vượt trội, từng bước mở rộng quy mô nuôi, hình thành những chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững.
Khu chăn nuôi cầy hương của gia đình ông Đào Phan Tuấn, xã Thọ Tân (Triệu Sơn).
Con cầy hương thuộc danh mục động vật rừng nhóm IIb, nhóm nguy cấp, quý hiếm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, khi đưa vào nuôi cần được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận, cấp phép. Do đó, khi hướng tới mô hình phát triển kinh tế từ đối tượng con nuôi này, gia đình ông Đào Phan Tuấn, xóm 2, xã Thọ Tân (Triệu Sơn) đã có nhiều băn khoăn, lo lắng. Song nắm bắt được thịt cầy hương có giá trị dinh dưỡng cao, đang được thị trường, người tiêu dùng ưa chuộng, gia đình ông đã quyết tâm “đánh cược” với loài động vật này. Ông Tuấn cho biết: "Năm 2020, sau khi chúng tôi quyết tâm thử nghiệm với giống cầy hương này, việc đầu tiên là đi học tập kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ hơn về đặc tính, cách chăm sóc cầy hương. Đồng thời, liên hệ với những cơ sở có uy tín tại Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên... để tìm nguồn giống chất lượng. Cùng với đó, chúng tôi liên kết, làm thủ tục xin giấy phép chăn nuôi và huy động kinh phí hơn 1 tỷ đồng để xây dựng trang trại nuôi, với 2 khu chuồng có hệ thống quạt lọc gió, xử lý phân, nước thải chăn nuôi hợp vệ sinh và mua thử nghiệm 100 con cầy hương để nhân đàn".
Vốn là loài động vật hoang dã nên thời gian đầu việc chăm sóc cầy hương khá khó khăn. Do đó, để tạo nên giống thuần, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, môi trường tại địa phương, gia đình ông Tuấn không chỉ lấy giống ở miền Bắc mà còn lặn lội vào các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang để lựa chọn con giống uy tín, chất lượng về lai tạo đàn. Cùng với đó, việc bảo đảm vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho vật nuôi được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình. Vì vậy, chỉ sau 1 năm, đàn cầy hương của gia đình được nhân lên gấp đôi, có khả năng cung cấp cầy hương giống và cầy hương thương phẩm cho thị trường. Ông Đào Phan Tuấn cũng chia sẻ, mặc dù con cầy hương nuôi không quá khó, khả năng tăng đàn nhanh, thức ăn dễ kiếm, giá thành rẻ, chủ yếu là cơm, chuối, mít, dứa... nhưng lại là loài ưa sạch sẽ. Do đó, để đảm bảo đàn phát triển tốt, lớn nhanh, hệ thống chuồng trại nuôi cầy cần luôn sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm thấp. Trong giai đoạn sinh sản, người nuôi không nên cho cầy ăn quá nhiều tinh bột; bổ sung dinh dưỡng cho con đực, thêm canxi và chất tanh cho con cái. Đặc biệt, người nuôi cần chú ý nhiệt độ chuồng nuôi dưới 28 độ để cầy hương phát triển tốt nhất.
Với nhiều ưu điểm vượt trội như thịt thơm ngon, ít mỡ, hiện nay, sản phẩm thịt cầy hương được nhiều người tiêu dùng, nhà hàng chọn làm món ăn đặc sản nên khi có thông tin về trang trại chăn nuôi của gia đình ông Tuấn, rất nhiều nhà hàng trong, ngoài tỉnh về tìm hiểu, đặt vấn đề ký kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, với việc tạo được giống cầy hương thuần, phù hợp với khí hậu, môi trường địa phương và điều kiện nuôi nhốt nên các trang trại nuôi con đặc sản cũng tìm đến để đấu mối, thu mua con giống.
Thực tế chăn nuôi tại gia đình ông Tuấn cho thấy, cầy hương con nuôi khoảng 2 tháng có thể bán giống với giá 10 triệu đồng/cặp; cầy thịt nặng 6 - 8kg/con, bán với giá 2 triệu đồng/kg; cầy hương giống nuôi từ 9 tháng đến 1 năm có gia 25 - 35 triệu đồng/đôi... song chi phí thức ăn cho cầy hương không cao, ước tính chỉ 2.000 đến 2.500 đồng/con/ngày nên khi trừ chi phí, gia đình ông Tuấn thu lãi hàng tỷ đồng/năm từ việc bán giống và cầy thương phẩm; tạo việc làm ổn định cho 3 lao động, thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Nhận thấy đây là đối tượng con nuôi có hiệu quả kinh tế vượt trội nên sau 2 năm sản xuất, gia đình ông Tuấn đã mở rộng quy mô trang trại lên 6 khu chuồng nuôi, với hơn 500 con. Trong đó, có 200 con cầy hương sinh sản và 300 con nuôi thương phẩm. Ngoài ra, với mong muốn phát triển được hệ thống trang trại vệ tinh để mở rộng quy mô sản xuất, hình thành địa chỉ tin cậy cung cấp sản phẩm cầy hương cho thị trường, ông Tuấn vừa cung cấp con giống, tập huấn kỹ thuật nuôi và thu mua sản phẩm đầu ra cho các trang trại.
Đánh giá về mô hình, ông Nguyễn Lê Khương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Sơn, khẳng định: Mô hình nuôi con cầy hương hiện là mô hình chăn nuôi siêu lợi nhuận, đang từng bước được nhân rộng ra địa bàn. Tuy nhiên cần liên kết, tập hợp các hộ chăn nuôi đối tượng này để nâng cao được giá trị kinh tế, bảo đảm thu nhập cho người chăn nuôi và sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, người chăn nuôi cần chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm, phòng, chống dịch bệnh theo định kỳ và lựa chọn con giống tốt, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của thị trường để mang lại giá trị cao trong chăn nuôi.