Hiệu quả mô hình cải tạo vườn tạp
Những năm gần đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp trong chỉ đạo người dân thực hiện cải tạo vườn tạp, gắn với thực hiện tiêu chí vườn hộ trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ đó, đưa các loại cây phù hợp, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời, cải thiện môi trường sống, chỉnh trang diện mạo nông thôn.
Thực hiện cải tạo vườn tạp hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Nguyễn Văn Dưỡng, xã Quý Lộc (Yên Định).
Gia đình anh Nguyễn Văn Dưỡng được xem là một trong những hộ dân tiên phong thực hiện phong trào cải tạo vườn tạp trên địa bàn xã Quý Lộc (Yên Định). Được biết, khi phong trào cải tạo vườn tạp ở xã chưa phát triển mạnh, người dân còn chưa biết trồng cây gì thì anh Dưỡng đã mạnh dạn chặt bỏ nhiều cây trồng hỗn tạp, cải tạo đất, đầu tư trồng 80 cây bưởi Diễn và hơn 30 cây ổi,... Anh Dưỡng cho biết: Sau khi được Hội Làm vườn và Trang trại huyện tập huấn kiến thức về cải tạo vườn tạp, tôi đã tìm hiểu, lựa chọn các loại giống cây có chất lượng cao, áp dụng khoa học - kỹ thuật, thiết kế vườn khoa học với từng khu vực trồng các loại cây và hệ thống nước tưới... đồng thời, nghiên cứu cấy ghép cây để cung cấp giống cây có năng suất, chất lượng cao cho người dân ở địa phương. Tuy mới chỉ thành công bước đầu nhưng mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả của gia đình anh Dưỡng đã tạo động lực cho nhiều hộ dân ở địa phương mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn của gia đình.
Được biết, việc triển khai thực hiện cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Yên Định. Đến nay, toàn huyện đã cải tạo được hàng trăm vườn tại các xã Yên Trường, Định Bình, Định Tân, Yên Phú, Quý Lộc,... Để phát huy hiệu quả, huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia thực hiện cải tạo vườn tạp, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn đưa các loại cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện sản xuất của các hộ dân và điều kiện tự nhiên của địa phương; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kiến thức khoa học - kỹ thuật cho người dân; hỗ trợ thực hiện cải tạo vườn tạp là 10 triệu đồng đối với vườn có diện tích 1.000m2 và 5 triệu đồng với vườn có diện tích từ 500 đến 1.000m2, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư sản xuất. Sau khi cải tạo, hầu hết các vườn mang lại hiệu quả kinh tế gấp 4 lần so với ban đầu.
Trong quá trình xây dựng NTM, huyện Như Thanh đã chỉ đạo, hướng dẫn và vận động người dân tạo được hàng nghìn ha vườn tạp tại 8 xã đã đạt chuẩn NTM, đưa các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, trình độ thâm canh của người dân vào canh tác; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tính đến nay, các vườn đã được xây dựng đang sinh trưởng, phát triển tốt, như: 25 vườn bưởi, 15 vườn nhãn, 6 vườn hồng xiêm... Theo tính toán, nếu giá cả ổn định và thị trường tiêu thụ tốt thì các vườn cây ăn quả như cam, bưởi, nhãn,... sẽ cho thu nhập bình quân từ 400 triệu đồng/ha/năm (đối với những năm đầu thu hoạch). Sau 7 - 10 năm cây phát triển, tán rộng, số lượng quả nhiều giá trị thu nhập sẽ tăng gấp 3 đến 5 lần hiện tại.
Theo thống kê của Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã cải tạo được hơn 3.270 vườn tạp, giá trị thu nhập tại các khu vườn được cải tạo đạt bình quân khoảng 120 triệu đồng/ha/năm. Từ năm 2018, chương trình cải tạo vườn tạp ở tỉnh Thanh Hóa có bước phát triển mới, khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 25 về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố xã đạt chuẩn NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018–2020. Trong đó tiêu chí số 9 quy định: Có ít nhất 30% vườn hộ có hệ thống tưới, tiêu khoa học hoặc có áp dụng một trong các ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến khác vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến. Vườn hộ được quy hoạch khoa học, hiệu quả; sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Giá trị sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh chiếm tỷ lệ tối thiểu 75% tổng giá trị sản phẩm từ vườn. Thực hiện chương trình này, số vườn tạp được cải tạo trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều; nhiều vườn có diện tích hơn 500m2 đã thay đổi tập quán sản xuất của người dân từ tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; đồng thời, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp và bảo vệ sức khỏe của người dân. Điển hình như các huyện: Nông Cống, Thạch Thành, Như Xuân, Thường Xuân,...
Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp gắn với thực hiện chương trình xây dựng NTM, các sở, ban, ngành liên quan cần tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng và vai trò của kinh tế vườn. Hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân cải tạo đất, xây dựng vườn mẫu khoa học, phù hợp với quy hoạch tổng thể. Bên cạnh đó, định hướng cho người dân sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống cho năng suất, chất lượng cao, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm...
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/hieu-qua-mo-hinh-cai-tao-vuon-tap/126999.htm