Hiệu quả mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết ở Phổng Lăng

Những năm qua, Hội Nông dân xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu đã vận động hội viên, nông dân thực hiện một số mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết, cung cấp sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Mô hình nuôi thỏ của gia đình ông Cà Văn Phương, bản Thái Cóng, xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu.

Mô hình nuôi thỏ của gia đình ông Cà Văn Phương, bản Thái Cóng, xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu.

Hội Nông dân xã đã khảo sát nhu cầu vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, ưu tiên hội viên có nhân lực và có điều kiện để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Hiện, mỗi hộ hội viên thực hiện liên kết được vay 20 triệu đồng trong 3 năm từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân huyện, với lãi suất 0,5%/tháng. Đồng thời, từ năm 2021 đến nay, Hội đã phối hợp tổ chức 5 lớp tập huấn cho trên 150 lượt hội viên về phương pháp chọn giống, quy trình phối giống, kỹ thuật nuôi thỏ sinh sản, chăm sóc thỏ con; xây dựng chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường; kỹ thuật cải tạo ao nuôi cá, phòng và trị bệnh cho cá; ươm, nuôi cá giống, nhằm đáp ứng nhu cầu con giống tại chỗ...

Gia đình ông Cà Văn Phương, là một trong những hộ chăn nuôi hiệu quả ở bản Thái Cóng, với mô hình nuôi thỏ New Zealand. Ông Cà Văn Phương, chia sẻ: Tháng 6/2021, tôi đầu tư chuồng trại bắt đầu nuôi thỏ. Mô hình này có ưu điểm là chi phí đầu tư thấp, chuồng nuôi có thể quây bằng lưới sắt nhỏ; thức ăn là những phụ phẩm nông nghiệp như lá chuối, các loại rau, cỏ... Trung bình, một con thỏ mẹ có thể đẻ 8 lứa/năm, mỗi lứa từ 6 đến 8 con. Thỏ nuôi hơn 2 tháng đạt trọng lượng từ 2,6 kg/con trở lên là có thể xuất bán. Từ 20 con thỏ giống ban đầu, đến nay, gia đình tôi duy trì trên 100 con thỏ các loại, bình quân mỗi tháng bán ra thị trường gần 20 con thỏ thương phẩm, với giá 80 nghìn đồng/kg, thu hơn 4 triệu đồng.

Đầu năm 2022, ông Cà Văn Phương đã liên kết với 4 hộ trong bản thành lập tổ liên kết chăn nuôi thỏ thương phẩm. Các thành viên tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật nuôi, từ vệ sinh chuồng trại, chăm sóc, phòng dịch và hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các nhà hàng trên địa bàn một số xã trên địa bàn huyện. Hiện, tổ duy trì nuôi gần 500 con thỏ; trong đó, hơn 50% là thỏ sinh sản để tự cung cấp giống. Thu nhập từ bán thỏ thương phẩm mỗi tháng mang lại thu nhập cho các thành viên từ 3-4 triệu đồng.

Bên cạnh đó, mô hình liên kết nuôi cá nước ngọt, với diện tích trên 4 ha tại bản Nà Nọi đã hoạt động một năm và có 5 hộ tham gia. Ngoài chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau vốn, công lao động, các thành viên thống nhất lấy giống chất lượng tại các cơ sở uy tín; áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm. Năm 2021, sản lượng cá của tổ đạt trên 2 tấn, thu nhập gần 200 triệu đồng.

Ông Quàng Văn Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phổng Lăng, cho biết: Ưu điểm của việc chăn nuôi theo chuỗi liên kết là không phải lo đầu ra, kể cả trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, do đã ký hợp đồng bao tiêu, nên giá sản phẩm vẫn giữ mức ổn định, mang lại thu nhập từ 200 triệu đồng/năm cho mỗi tổ.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Phổng Lăng tiếp tục tạo điều kiện cho các hội viên tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; tăng cường các hoạt động tư vấn kỹ thuật; hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhằm ổn định cuộc sống cho hội viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Lò Thái

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hieu-qua-mo-hinh-chan-nuoi-theo-chuoi-lien-ket-o-phong-lang-49240