Hiệu quả mô hình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái

Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái là một trong những mục tiêu quan trọng mà tỉnh Điện Biên đang hướng đến để phát triển ngành nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm an toàn. Bám sát mục tiêu đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nỗ lực khai thác những lợi thế, tiềm năng để phát triển nông nghiệp bền vững trên cả 3 khía cạnh kinh tế - xã hội - môi trường.

Người dân xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) tìm hiểu quy trình thực hiện mô hình nông nghiệp sinh thái.

Người dân xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) tìm hiểu quy trình thực hiện mô hình nông nghiệp sinh thái.

Điện Biên là một trong những tỉnh được đánh giá có điều kiện tự nhiên, khí hậu, hệ sinh thái đa dạng, các phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống đặc trưng của nông dân, rất thuận lợi trong triển khai thực hiện các mô hình nông nghiệp sinh thái. Thế nhưng, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, năng suất, hiệu quả kinh tế chưa cao, môi trường bị tác động xấu…

Để khắc phục những hạn chế, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Tổ chức Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ (GRET) do Pháp tài trợ, triển khai dự án “Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái và Hệ thống thực phẩm an toàn ở Việt Nam - ASSET” (gọi tắt dự án ASSET) trên địa bàn tỉnh.

Dự án được triển khai trên địa bàn huyện Điện Biên và Tuần Giáo từ năm 2022 - 2025, với 7 hoạt động hỗ trợ chính, gồm: Phát triển thức ăn thô xanh và chăn nuôi; cải thiện an toàn thức ăn chăn nuôi; phát triển cà phê chất lượng; bảo vệ cây trồng theo hướng nông nghiệp sinh thái; phát triển khả năng nhận diện chuỗi giá trị; nâng cao năng lực cho đối tác địa phương; truyền thông và nâng cao nhận thức rộng rãi về nông nghiệp sinh thái.

Về chăn nuôi dự án hỗ trợ tăng sản lượng thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê); chế biến thức ăn thô xanh thành thức ăn ủ chua; xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ; cải thiện an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ chăn nuôi tại các chợ truyền thống. Trong lĩnh vực trồng trọt hỗ trợ người dân tham gia thực hiện các thí nghiệm trồng xen các loại cây che phủ đa dụng cho cây mắc ca…

Ông Lò Văn Ngoai (xã Quài Nưa) áp dụng quy trình kỹ thuật mô hình nông nghiệp sinh thái vào trồng mắc ca và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.

Ông Lò Văn Ngoai (xã Quài Nưa) áp dụng quy trình kỹ thuật mô hình nông nghiệp sinh thái vào trồng mắc ca và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.

Gia đình ông Lò Văn Ngoai, bản Bó Giáng, xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) là một trong hàng trăm hộ tham gia dự án ASSET với mô hình trồng cây mắc ca, đã mang lại hiệu quả cao hơn so với lối canh tác, sản xuất truyền thống.

Ông Lò Văn Ngoai chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi trồng hơn 1ha mắc ca nhưng không trồng xen các loại cây trồng khác. Từ năm 2022, khi tham gia dự án ASSET và trồng mới hơn 3ha cây mắc ca, gia đình được dự án hỗ trợ các thí nghiệm trồng xen các loại cây che phủ đa dụng (cỏ MulatoII, Zuzi, Stylo, đậu nho nhe, cốt khí, đậu bướm) trong giai đoạn cây mắc ca chưa được thu hoạch. Qua đó, giúp tăng khả năng che phủ, cải tạo đất; cung cấp nguồn thức ăn bổ sung cho trâu, bò; hỗ trợ sinh trưởng cho cây mắc ca. Đồng thời, được thiết lập mô hình canh tác trên đất dốc, hạn chế xói mòn đất.

Tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) gia đình ông Lò Văn Miêu là 1 trong số 30 hộ dân tham gia dự án ASSET (trồng cỏ nuôi trâu, bò). Gia đình ông Miêu được hỗ trợ mở rộng các diện tích trồng cỏ, đưa các giống cỏ: Voi xanh Đài Loan (giống mới), Zuzi, Stylo, Mulato vào trồng. Trong quá trình thực hiện dự án, gia đình ông được hỗ trợ chế biến thức ăn thô xanh thành thức ăn ủ chua (túi ủ chua, men ủ, máy băm cỏ) cho trâu, bò từ cây thức ăn xanh và các phụ phẩm trồng trọt, giúp người dân chủ động nguồn thức ăn cho gia súc, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi và bảo vệ môi trường.

Cơ quan chủ trì dự án kiểm tra quy trình ủ chua thức ăn chăn nuôi tại mô hình của gia đình ông Lò Văn Miêu.

Cơ quan chủ trì dự án kiểm tra quy trình ủ chua thức ăn chăn nuôi tại mô hình của gia đình ông Lò Văn Miêu.

Cũng theo ông Miêu, tham gia dự án ASSET, gia đình ông còn được hỗ trợ xử lý chất thải trong chăn nuôi thông qua hoạt động thu gom phân chuồng, chế biến phân ủ từ phân chuồng. Trong đó, chú trọng hỗ trợ cải thiện chuồng trại chăn nuôi, thiết kế hố phân, mái lợp, men ủ, bạt ủ phân, máy ép phân (phân ép dạng viên); chuyển giao quy trình ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh cho nông dân. Phân sau khi ủ không còn mùi, khô, hoai mục, dễ dàng cho việc vận chuyển. Đây là phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả trong nông hộ, góp phần phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Qua gần 3 năm triển khai dự án ASSET đã đạt được nhiều kết quả, tác động tích cực đối với sự phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ tại vùng thực hiện dự án và lan tỏa cao đến các địa phương khác trong tỉnh.

Cơ quan chức năng hướng dẫn người dân sử dụng máy ép phân trong quá trình sản xuất nông nghiệp sinh thái.

Cơ quan chức năng hướng dẫn người dân sử dụng máy ép phân trong quá trình sản xuất nông nghiệp sinh thái.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự án đã thay đổi phương thức chăn nuôi từ chăn thả, bán chăn thả sang chăn nuôi có quản lý, kiểm soát. Các hộ dân tham gia đã tiếp cận được với các quy trình mới trong trồng cỏ, chế biến thức ăn chăn nuôi, xử lý chất thải, xen canh cây trồng, tạo lợi ích kép trong sản xuất nông nghiệp góp phần ứng phó với các tình hình, diễn biến thời tiết, thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, cải thiện sinh kế, nâng cao hiệu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Dự án dự án góp phần giảm tải áp lực về xử lý chất thải chăn nuôi giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí về môi trường. Dự án đã triển khai nhân rộng tại nhiều xã như: Hẹ Muông, Noong Hẹt, Mường Pồn (huyện Điện Biên); Ẳng Tở, Mường Lạn (huyện Mường Ảng).

Theo bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì Điện Biên có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp sinh thái. Hiện nay tỉnh đã phê duyệt 3 đề án về: Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững; phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để nông nghiệp Điện Biên dịch chuyển sang nông nghiệp sinh thái. Trong đó, ưu tiên phát triển, chuyển giao những ứng dụng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, tạo cơ hội cho người dân tham gia và hưởng lợi từ các mô hình.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/217194/hieu-qua-mo-hinh-chuyen-doi-nong-nghiep-sinh-thai