Hiệu quả mô hình đảm bảo an ninh trật tự trong các tôn giáo

Thời gian qua, các tôn giáo trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, chung tay cùng với mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Có được kết quả đó nhờ vai trò quan trọng của công tác xây dựng, nhân rộng mô hình đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trong các tôn giáo.

 Công an TP. Đông Hà vận động treo cờ tại cơ sở tôn giáo -Ảnh: T.N

Công an TP. Đông Hà vận động treo cờ tại cơ sở tôn giáo -Ảnh: T.N

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 3 tôn giáo chính gồm: Phật giáo, Công giáo và Tin lành với hơn 82.000 tín đồ, trên 2.000 chức sắc, chức việc, 249 cơ sở tôn giáo. Những năm qua, công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình đảm bảo ANTT trong các tôn giáo được công an các đơn vị, địa phương tích cực tham mưu, tổ chức thực hiện. Cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các địa bàn có đông người dân theo đạo đã quan tâm đến công tác chỉ đạo, điều hành, huy động các ngành, đoàn thể và Nhân dân cùng tham gia.

Đồng thời, công tác xây dựng mô hình cũng được các chức sắc, lãnh đạo giáo hội địa phương và cơ sở tôn giáo đồng tình hưởng ứng, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình phát động xây dựng và duy trì hoạt động của mô hình. Đến nay, có 39 mô hình đảm bảo ANTT tại các cơ sở Phật giáo và Công giáo trên địa bàn đang duy trì hoạt động. Trong đó, Phật giáo có 30 mô hình, Công giáo có 8 mô hình và 1 mô hình kết hợp giữa Phật giáo và Công giáo (mô hình Lương giáo đoàn kết tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc ở thôn Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong).

Một số địa phương xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình trong tôn giáo như ở huyện Cam Lộ, Triệu Phong, thành phố Đông Hà…Nhiều mô hình sau khi đi vào hoạt động đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, được đánh giá cao.

Mô hình “Phật giáo Cam Lộ tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới” là một ví dụ điển hình. Với việc triển khai thực hiện các nội dung rất thiết thực như: tuyên truyền, vận động tăng ni, phật tử nói và làm theo Hiến pháp, pháp luật, bài trừ mê tín dị đoan, tai, tệ nạn xã hội; tuyên truyền, hướng dẫn tăng ni, phật tử và toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn xã hội; vận động tăng ni, phật tử tham gia hoạt động của các tổ chức xã hội, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động từ thiện xã hội…

Mô hình “Phật giáo Cam Lộ tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới” đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác giữ vững tình hình ANTT trên địa bàn. Từ hiệu quả mô hình tại Cam Lộ, nhiều địa phương trong tỉnh đã học tập kinh nghiệm và xây dựng thành công mô hình này. Nổi bật là mô hình “Phật giáo Đông Hà tham gia giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng đô thị văn minh” được triển khai tại 5 cơ sở Phật giáo tại địa bàn thành phố Đông Hà.

Thông qua mô hình đã thể hiện sự nổi bật ở vai trò điều hành của Ban chỉ đạo 138&1523 các cấp, thực hiện tốt công tác trao đổi thông tin, khen thưởng động viên, huy động các hoạt động từ thiện xã hội trong tôn giáo được Bộ Công an ghi nhận, thông báo điển hình trong toàn quốc.

Các tổ chức tôn giáo đã chú trọng xây dựng nội dung tuyên truyền đảm bảo ANTT đến tín đồ tôn giáo, đưa giáo lý các tôn giáo vào thực tiễn cuộc sống bằng những bài giảng tại ngày lễ tôn giáo, khuyên bảo con cháu trong gia đình thực hiện tốt nghĩa vụ công dân.

Nhiều vị chức sắc trong tôn giáo là cầu nối quan trọng để tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo chống lại luận điệu xuyên tạc của những thế lực thù địch, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội ở địa bàn khu dân cư.

Tiêu biểu như Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Cam Lộ đã thực hiện phương châm 3 an toàn: an toàn về người, an toàn về tài sản và an toàn về công tác Phật sự; đồng thời tích cực vận động gia đình phật tử ký cam kết với chính quyền trong việc giáo dục, quản lý con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, bảo vệ tài sản nơi thờ tự, đề phòng các biểu hiện tiêu cực trong xã hội.

Mô hình “Giáo xứ Phước Tuyền chung tay bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới” tại huyện Cam Lộ đã động viên giáo dân tích cực tham gia các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, xây dựng gia đình văn hóa”…Tuyên truyền, vận động mỗi gia đình giáo dân thực hiện tốt việc giáo dục con cháu trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội với phương châm sống “Kính Chúa, yêu nước”, “Sống tốt đời đẹp đạo”…

Có thể khẳng định, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, nhân rộng mô hình đảm bảo an ninh trật tự trong các tôn giáo là cách làm hiệu quả. Mô hình này vừa góp phần giải quyết các vấn đề cụ thể về an ninh trật tự trên địa bàn, vừa thực hiện hiệu quả công tác vận động các chức sắc, tín đồ tôn giáo xây dựng mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa giáo hội với chính quyền và lực lượng công an.

Thành Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=171235&title=hieu-qua-mo-hinh-dam-bao-an-ninh-trat-tu-trong-cac-ton-giao