Hiệu quả mô hình 'Điểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh trật tự'
Sau một thời gian triển khai thực hiện, mô hình 'Điểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh trật tự (ANTT)' tại huyện biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sức lan tỏa ở vùng đồng bào có đạo. Đặc biệt, Bộ Công an đã lựa chọn đây là một trong những mô hình tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Huyện Nậm Pồ có 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có hơn một nửa theo tôn giáo (chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông). Địa bàn huyện rộng, trình độ dân trí không đồng đều, những năm qua, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để chống phá với nhiều phương thức tinh vi, xảo quyệt.
Nổi bật là việc truyền bá tà đạo “Giê Sùa”, “Bà cô Dợ” vào vùng đồng bào dân tộc Mông nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Nậm Pồ hiện vẫn còn 9 điểm nhóm tôn giáo chưa đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung theo quy định, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về ANTT. Trước tình hình đó, Công an tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo, hướng dẫn Công an huyện Nậm Pồ tiến hành khảo sát, cùng chính quyền địa phương thành lập mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT”.
Đến bản Lai Khoang (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ) hôm nay, không khó để bắt gặp những ngôi nhà sạch đẹp, đường giao thông thuận tiện, các em nhỏ tíu tít đến trường... Có được kết quả trên, một phần quan trọng là nhờ mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT”.
Bản Lai Khoang có 57 hộ dân với 305 tín đồ theo đạo Tin lành, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Từ đầu năm 2021, Công an huyện Nậm Pồ đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xác định lấy điểm nhóm Tin lành tại bản Lai Khoang làm thí điểm để ra mắt mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT”.
Đồng thời, thành lập Tổ tự quản về ANTT tại điểm nhóm với 6 thành viên do trưởng điểm nhóm tôn giáo làm tổ trưởng. Tổ tự quản hướng dẫn, tổ chức cho các hộ dân đăng ký, cam kết chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương về sinh hoạt tôn giáo, bảo vệ môi trường...
Anh Giàng A Mua, Trưởng điểm nhóm tôn giáo bản Lai Khoang cho biết: “Các thành viên trong nhóm tích cực "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm ANTT; không nghe theo kẻ xấu xúi giục, không nhẹ dạ cả tin theo tà đạo; tham gia phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; bài trừ mê tín dị đoan, tập tục lạc hậu. Mỗi khi nhận được thông báo của người dân về việc xuất hiện người lạ có biểu hiện nghi vấn hay tranh chấp đất đai, mâu thuẫn nhỏ lẻ, bạo lực gia đình là chúng tôi nhanh chóng có mặt để kịp thời giải quyết”.
Từ điểm sáng Lai Khoang, đến nay, mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT” đã được triển khai tới 21 điểm nhóm theo đạo được cấp phép trên địa bàn 13/15 xã của huyện Nậm Pồ. Theo Thượng tá Trần Ích Chính, Phó trưởng Công an huyện Nậm Pồ, để mô hình được triển khai thành công thì vấn đề cốt lõi là phải làm thế nào để nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các điểm nhóm tôn giáo.
Bởi ở những vùng theo đạo trên địa bàn, có nơi còn tồn tại tập tục không phù hợp với đời sống văn hóa mới, vì thế, để người dân tin và làm theo, đòi hỏi những người làm công tác tuyên truyền phải hiểu được phong tục, tập quán, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con. Vậy là qua những buổi cùng bà con lao động sản xuất, những tờ rơi tuyên truyền hay lời giải thích cặn kẽ trong các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của cán bộ, đồng bào đã lắng nghe, tin cậy.
Qua 3 năm triển khai, mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT” trở thành điểm sáng trong xây dựng lực lượng tại chỗ, tập hợp nhân dân vùng có đạo đoàn kết dưới sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời, trở thành “cánh tay nối dài” giúp lực lượng chức năng phát hiện, xử lý các vụ vi phạm pháp luật, trật tự, an toàn xã hội.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Nậm Pồ khẳng định: “Từ khi triển khai, mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT” đã góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân hiểu và chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về hoạt động tôn giáo; xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với các tôn giáo, từ đó kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh, giúp ổn định tình hình ANTT trên địa bàn”.