Hiệu quả mô hình nhóm tiết kiệm tự quản

Mô hình nhóm tiết kiệm tự quản do Hội Phụ nữ xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn thành lập hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, giúp hội viên phụ nữ hình thành thói quen tiết kiệm, tạo nguồn vốn quay vòng cho các thành viên giải quyết những vấn đề cấp thiết và phát triển sản xuất, kinh doanh. Mô hình hay đang được nhân rộng đến các chi hội cơ sở, giúp phụ nữ chủ động tài chính và đẩy lùi tín dụng đen vùng nông thôn.

Hội viên nhóm tiết kiệm tự quản Hoa Hồng thực hiện trả lãi và gửi tiết kiệm định kỳ.

Hội viên nhóm tiết kiệm tự quản Hoa Hồng thực hiện trả lãi và gửi tiết kiệm định kỳ.

Đều đặn vào ngày mùng 1 và 15 hàng tháng, Nhóm tiết kiệm tự quản Hoa Hồng, bản Ngòi, xã Chiềng Chung tập trung ở nhà nhóm trưởng để trả lãi và gửi tiết kiệm định kỳ. Số tiền gửi tiết kiệm được ghi rõ vào sổ tiết kiệm cá nhân, trưởng nhóm ghi chép lại vào cuốn sổ riêng chi tiết, đầy đủ từng phiên giao dịch để quản lý và đảm bảo tính công khai, minh bạch về tài chính. Tùy vào nhu cầu, nguyện vọng vay vốn của chị em hội viên, nhóm giải quyết cho vay theo thứ tự ưu tiên.

Hoạt động từ năm 2019, nhóm duy trì sinh hoạt 30 hội viên. Để quản lý tài chính, Nhóm quy định: Lần giao dịch đầu tiên trong năm các hội viên sẽ được gửi tiết kiệm theo khả năng mà không bị giới hạn về số tiền; còn các lần giao dịch định kỳ tiếp theo, mỗi hội viên sẽ được gửi tiết kiệm tối thiểu 1 cổ phần, tối đa 10 cổ phần/lần giao dịch (mỗi cổ phần tương ứng 20.000 đồng). Lãi suất nhóm quy định 1%/tháng, thời gian vay vốn tối đa 12 tháng.

Chị Lò Thị Nươi, Trưởng nhóm, thông tin: Hiện, Nhóm có gần 250 triệu đồng, đang có 30 lượt hội viên được vay vốn chữa bệnh, nộp tiền học cho con, đầu tư sản xuất, kinh doanh... Trong 4 buổi hoạt động đã có trên 150 lượt hội viên được vay vốn thông qua nhóm tiết kiệm tự quản.

Chị Lò Thị Tiên, hội viên của nhóm chia sẻ: Tôi đề xuất nhu cầu vay vốn và được Nhóm tiết kiệm tự quản Hoa Hồng xét duyệt cho vay mua cám nuôi 15 con lợn thương phẩm. Đến nay, đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng, dự kiến bán được trên 50 triệu đồng. Tham gia vào nhóm tiết kiệm tự quản, chúng tôi chủ động về tài chính, biết cách tiết kiệm tiền để hỗ trợ chính bản thân lúc cần và hỗ trợ các chị em khác.

Từ 5 mô hình tiết kiệm tự quản ban đầu, đến nay, mô hình đã được Hội Phụ nữ xã Chiềng Chung triển khai nhân rộng ra 9/11 chi hội với 18 nhóm mô hình tiết kiệm, gần 500 hội viên tham gia, tổng số quỹ tiết kiệm khoảng 1,5 tỷ đồng, tạo điều kiện cho gần 200 hộ hội viên vay vốn phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất hoặc chăm lo đời sống gia đình. Mỗi nhóm từ 25-30 thành viên, hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự chủ, độc lập với quy chế hoạt động do chính các thành viên nhóm ban hành, quy định cụ thể về thời gian kỳ gửi cố định hàng tháng, mức lãi suất cho hội viên vay vốn, định mức chia cổ tức cho các thành viên có tiền gửi tiết kiệm...

Bà Lò Thị Pành, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chiềng Chung, đánh giá: Các nhóm tiết kiệm tự quản hoạt động công khai, minh bạch, các hội viên chấp hành tốt việc trả gốc và lãi theo quy định. Mô hình đã giúp các hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đầu tư phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, giải quyết những vấn đề cấp bách trong sinh hoạt, đời sống, góp phần gắn kết các thành viên, tạo lập thói quen tiết kiệm và tăng thu nhập cho các cổ đông góp vốn.

Mô hình nhóm tiết kiệm tự quản đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều gia đình hội viên phụ nữ tạo dựng sinh kế nhờ hỗ trợ từ nguồn vốn của nhóm, hạn chế rủi ro tín dụng đen. Đồng thời, giúp nhiều hội viên viên có thêm kiến thức quản lý tài chính gia đình, ý thức tiết kiệm. Thời gian tới, mô hình tiếp tục được Hội Phụ nữ xã Chiềng Chung triển khai đến 2 chi hội còn lại của xã, góp phần giúp các hội viên phụ nữ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hieu-qua-mo-hinh-nhom-tiet-kiem-tu-quan-51470