Hiệu quả mô hình nuôi ong trong vườn
Trong thời bình, tấm gương cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi không hiếm. Thế nhưng, các hội viên của câu lạc bộ nuôi ong mật (Hội CCB xã Phú Nham) lại luôn mang trong mình nung nấu khác biệt. Đó là phát triển sản phẩm mật ong quê hương mang theo bao tâm huyết của những người CCB trở thành một trong chín sản phẩm OCOP ba sao của huyện Phù Ninh.
Ghé thăm mô hình nuôi ong trong vườn nhà của ông Đào Văn Tống ở khu 7, xã Phú Nham, hình bóng người CCB già cần mẫn kiểm tra từng thùng ong, vạch đàn xác định ong chúa rồi lại nhẹ nhàng, tỉ mỉ đặt khay trở lại thùng. Trong ánh nắng chiều ấm áp của mùa đông, những con ong chăm chỉ làm mật cũng giống như người CCB đã có trên 40 năm kinh nghiệm, tâm huyết với nghề nuôi ong. Phú Nham được mệnh danh là đất ong của huyện Phù Ninh với trên 40 hộ nuôi ong, trong đó, riêng CLB nuôi ong mật Hội CCB xã thuộc HTX Nông nghiệp Phú Nham đã có 15 thành viên với 230 đàn ong.
Nghề nuôi ong mật đã xuất hiện tại Phú Nham từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trong trí nhớ của ông Trần Đình Tuệ - Chủ tịch Hội CCB xã thì thế hệ trước đã nuôi ong trong những chiếc đõ, gọi là đõ ong. Sau này, nghề nuôi ong được tiếp nối những chủ yếu là cá nhân hộ gia đình nuôi riêng lẻ và thiếu sự liên kết. Ý tưởng thành lập một CLB nuôi ong mật Hội CCB xã được nhen nhóm khi các hội viên chung chí hướng muốn hợp sức để phát triển sản phẩm mật ong quê hương Phú Nham trở thành sản phẩm OCOP ba sao của huyện.
Theo đó, ngày 26/5/2023, UBND xã Phú Nham quyết định thành lập CLB nuôi ong mật Hội CCB xã với những quy định cụ thể như tổ chức, phối hợp, hoạt động giữa các hội viên, phổ biến, huấn luyện kiến thức và giúp đỡ lẫn nhau. Để đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp huyện ba sao, mật ong Phú Nham cần tuân thủ những quy định về sản lượng và bao bì, mẫu mã. Từ những lít mật ong đóng trong chai nút nhựa thô sơ đến những lít mật ong nguyên chất đựng trong chai thủy tinh, có bao bì, nhãn mác rõ ràng, giá trị sản phẩm được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi.
Mật ong Phú Nham có sản phẩm chính là mật ong hoa nhãn, mật ong hoa vải và mật ong hoa rừng. Mật ong Phú Nham hương vị thơm ngon, màu vàng óng và sánh quyện. Sau khi đã được tách nước, mật ong nguyên chất có thể bảo quản được rất lâu. Hội viên CCB Nguyễn Công Hiểu (khu 7, xã Phú Nham) đã gắn bó với nghề nuôi ong mật 20 năm. Là người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên và là nạn nhân của chất độc da cam nhưng suốt 30 năm kể từ khi phục viên về địa phương, ông vẫn hăng say lao động. Với khoảng chục đàn ong nuôi trong vườn nhà, mỗi năm, ông thu được vài chục triệu đồng. CLB nuôi ong mật của Hội CCB xã Phú Nham tập hợp những con người yêu lao động như ông Tống, ông Hiểu cùng các hội viên để hướng dẫn cho họ liên kết làm kinh tế và tăng giá trị sản phẩm.
Ngày 12/12/2023, UBND huyện Phù Ninh ban hành Quyết định số 2210/QĐ-UBND công nhận 7 sản phẩm và 1 nhóm sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp huyện ba sao, trong đó có mật ong Hương Ngàn Phú Nham. Theo đó, sản phẩm sẽ được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận biểu trưng “OCOP”, in dán thứ hạng ba sao lên bao bì, nhãn mác, tổ chức quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm theo đúng Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm, mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh và chú trọng liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả. Sản phẩm mật ong Hương Ngàn sẽ trở thành sản phẩm đại diện của Phú Nham đến tay người tiêu dùng và được xây dựng lộ trình để tiến vào siêu thị cũng như các sàn thương mại điện tử và xuất khẩu ra nước ngoài.
Đồng chí Đào Xuân Đề - Bí thư Đảng ủy xã Phú Nham cho biết: “Địa phương sẽ hỗ trợ cùng với Hội CCB xã để phát triển sản phẩm, mang lại thu nhập tốt hơn cho bà con, góp phần xây dựng xã Phú Nham trở thành xã nông thôn mới nâng cao của huyện Phù Ninh”.
Thời nay, những CCB đã vượt qua định kiến về tuổi tác, khả năng tiếp thu cái mới để vươn lên đóng góp xây dựng kinh tế quê hương. Họ là những tấm gương để lớp lớp thế hệ trẻ phải học tập noi theo.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/hieu-qua-mo-hinh-nuoi-ong-trong-vuon/203709.htm