Hiệu quả mô hình 'Phụ nữ chủ động phân loại, xử lý rác thải từ hộ gia đình'

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ chủ động tham gia bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội cơ sở tập trung vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia thực hiện tốt mô hình “Phụ nữ chủ động phân loại, xử lý rác thải từ hộ gia đình”.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hội viên phụ nữ huyện Hải Hậu phân loại rác thải trước khi mang xử lý.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hội viên phụ nữ huyện Hải Hậu phân loại rác thải trước khi mang xử lý.

Tham gia hội nghị tập huấn “Phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn” do Hội LHPN thành phố Nam Định tổ chức cho cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân phường Trần Hưng Đạo, chị Nguyễn Thị Mai được cung cấp các kiến thức về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; trách nhiệm của công dân trong bảo vệ môi trường; hướng dẫn cách thu gom, phân loại xử lý rác thải tại nguồn; xử lý vi phạm về rác thải… Sau hội nghị, chị Mai đã biết phân biệt rõ đặc tính của từng loại rác thải sinh hoạt. “Trước đây, gia đình tôi có thói quen gom tất cả các loại rác sinh hoạt trong ngày vào 1 túi. Được tham gia lớp tập huấn tôi hiểu được phải phân loại rác trước khi mang đi đổ, từ đó từng bước giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường, giữ gìn môi trường sống xanh - sạch - đẹp”, chị Mai cho biết.

Là một trong những thành viên tham gia mô hình "Phân loại rác thải tại hộ gia đình bằng thùng rác 2 ngăn" đầu tiên của xã Đồng Thịnh (Nghĩa Hưng), chị Nguyễn Thị Thơm nhận thấy mô hình mang lại rất nhiều lợi ích cho gia đình, cộng đồng. Tham gia mô hình, chị được tặng thùng rác hai ngăn; hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ; quy trình xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ tại gia đình. Hàng ngày chị tiến hành thu gom, phân loại rác thải, trong đó rác hữu cơ được cho vào thùng rác 2 ngăn hoặc hố rác đào sẵn, sau đó tưới chế phẩm vi sinh và đậy nắp. Sau khoảng 30-40 ngày, rác thải sẽ phân hủy thành phân hữu cơ dùng để bón cho cây trồng; các loại rác vô cơ, rác thải rắn sẽ cho vào ngăn rác còn lại đem bán hoặc xử lý, tiêu hủy. Chị Thơm chia sẻ: “Đây là mô hình giúp hội viên phụ nữ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện vệ sinh môi trường tại địa bàn dân cư; biết cách phân loại rác thải, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác có lợi cho môi trường”.

Tháng 5/2020, Hội LHPN huyện Ý Yên đã phối hợp với Ban Kinh tế (Hội LHPN) tỉnh tổ chức hội nghị truyền thông về công tác bảo vệ môi trường, ra mắt mô hình “Phụ nữ chủ động thực hiện phân loại rác thải từ gia đình”. Mô hình được triển khai điểm ở Chi hội phụ nữ 4, thôn Đông Anh, xã Yên Khang với 30 hộ gia đình đăng ký tham gia. Các hộ được nghe hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ; quy trình xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ tại gia đình. Nhận thấy hiệu quả của mô hình ở thôn Đông Anh, Hội LHPN tỉnh phát động nhân rộng mô hình “Phụ nữ chủ động thực hiện phân loại rác thải từ gia đình” trong toàn tỉnh. Triển khai mô hình, các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình; vận động hội viên phụ nữ tham gia thực hiện vệ sinh môi trường, phân loại rác thải; gắn thực hiện mô hình với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, mô hình “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động bằng những việc làm cụ thể như: tổ chức ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm; thu gom rác thải tại nơi công cộng, tổng dọn vệ sinh các tuyến đường khu dân cư vào chiều thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần; trồng cây xanh; vận động hội viên, phụ nữ là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, buôn bán tại các chợ sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; chăm sóc các tuyến đường hoa gắn với thực hiện “Đoạn đường phụ nữ tự quản”...

Để hỗ trợ mô hình hoạt động hiệu quả, các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban chấp hành Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên trực tiếp hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện mô hình tại các hộ gia đình. Hội LHPN các cấp còn tổ chức các hoạt động cho hội viên đi tham quan học hỏi các mô hình điểm; tổ chức các hội nghị tập huấn tuyên truyền bảo vệ môi trường, hướng dẫn phân loại rác thải, đào hố chôn lấp rác thải hữu cơ; tặng các thùng ủ rác… Đến nay, 100% các cơ sở Hội trong tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình phụ nữ chủ động phân loại, xử lý rác thải từ gia đình hoạt động hiệu quả; tặng hàng nghìn thùng rác để các hộ gia đình phân loại rác thải hữu cơ, vô cơ. Đặc biệt, triển khai mô hình, nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, khai thác tốt các nguồn lực để xây dựng mô hình. Tiêu biểu như Hội Phụ nữ huyện Hải Hậu triển khai tại 100% các xã, thị trấn; hỗ trợ thùng chứa rác và nắp đậy hố ủ, chế phẩm sinh học cho các thành viên với tổng kinh phí hàng tỉ đồng. Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng triển khai đồng loạt tại các cơ sở Hội; Hội Phụ nữ huyện Vụ Bản phối hợp với Hội Nông dân huyện thành lập mô hình tại các xã, thị trấn, thường xuyên tổ chức các hoạt động ra quân bảo vệ môi trường, thu gom rác thải, vỏ bao bì thực vật trên đồng ruộng. Hội Phụ nữ huyện Xuân Trường tổ chức ra mắt mô hình “Chi hội sống xanh” tại xóm 5, xã Xuân Thượng; Hội Phụ nữ thành phố Nam Định thành lập mô hình “Phụ nữ liên kết phân loại, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường” tại các xã Mỹ Lộc, Mỹ Tân; Hội Phụ nữ xã Giao Hải (Giao Thủy) phối hợp với Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) khánh thành khu thí điểm phục hồi tài nguyên từ rác thải...

Việc triển khai các mô hình xử lý rác thải do các cấp Hội Phụ nữ triển khai trên địa bàn tỉnh đã đem lại lợi ích cả về mặt môi trường và kinh tế. Thông qua hoạt động của mô hình còn thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; giảm lượng rác thải sinh hoạt phát sinh, giảm áp lực cho các khu xử lý rác thải tập trung... góp phần xây dựng NTM bền vững và phát triển. Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên trong công tác bảo vệ môi trường. Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá hiệu quả, đồng thời hỗ trợ kinh phí, nguồn lực để các cấp Hội thực hiện để mô hình triển khai sâu rộng trong cộng đồng.

Bài và ảnh: Hoa Quyên

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202502/hieu-qua-mo-hinh-phu-nu-chu-dong-phan-loai-xu-ly-rac-thai-tu-ho-gia-dinh-4ad3781/