Thủ tướng Chính phủ: Bộ Công Thương khẩn trương báo cáo cơ chế xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chính phủ sẽ giao chỉ tiêu tăng trưởng tới từng địa phương
Sáng 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội ngay tại kỳ họp tới một số nội dung liên quan cơ chế, chính sách xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tham dự phiên họp có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện các cơ quan: Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
![Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội ngay tại kỳ họp tới một số nội dung liên quan cơ chế, chính sách xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận - Ảnh: VGP/Nhật Bắc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_05_35_51400131/cc8513762c38c5669c29.jpg)
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội ngay tại kỳ họp tới một số nội dung liên quan cơ chế, chính sách xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo chương trình, phiên họp sẽ thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ, xây dựng kịch bản tăng trưởng của các địa phương; tình hình phân bổ vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ngày 3/2, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025 và chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm 2025 sẽ tập trung đánh giá kết quả tháng 1, định hướng các mặt công tác lớn của tháng 2/2025 và thời gian tiếp theo.
![Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Dương Giang/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_05_35_51400131/cabf134c2c02c55c9c13.jpg)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá tình hình thế giới thời gian qua và tác động tới Việt Nam; công tác chỉ đạo, điều hành, những kết quả, mặt được, mặt chưa được, phân tích các bài học kinh nghiệm, nhất là về chính sách tiền tệ, tài khóa, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại và hội nhập.
Vừa qua, Trung ương đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho những năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số, các đại biểu đóng góp thêm ý kiến về giải pháp thực hiện mục tiêu này.
Thủ tướng chỉ đạo, với mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, các bộ, ngành, địa phương phải có các chỉ tiêu tăng trưởng mới, trình các cấp có thẩm quyền thông qua để thực hiện. Tại phiên họp, Chính phủ sẽ thông qua việc giao chỉ tiêu tăng trưởng của các địa phương.
Bám sát, dự báo các vấn đề mới, không để bị động, bất ngờ
Cùng với đó, tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến rất khó lường, tác động trực tiếp tới nước ta, nhất là tới xuất khẩu, sản xuất kinh doanh, kinh tế vĩ mô, Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự báo, phân tích thật sát tình hình tháng 2 và thời gian tới, nhất là những vấn đề mới, những vấn đề nổi lên, như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới, nếu có sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp các thị trường xuất khẩu; từ đó đề xuất giải pháp của chúng ta để phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, bất ngờ, không để lỡ thời cơ và giữ đà, giữ nhịp, giữ khí thế đang có để tiếp tục phát triển.
Thủ tướng gợi ý một số giải pháp như tiếp tục tập trung làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhất là các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ…
Chỉ đạo ngay một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương khẩn trương báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội ngay tại kỳ họp tới một số nội dung liên quan cơ chế, chính sách xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận với cách làm khẩn trương; đồng thời khẩn trương bổ sung, hoàn thiện quy định hướng dẫn về mua bán điện trên cơ sở tiếp thu tối đa góp ý của doanh nghiệp, người dân.
![Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_05_35_51400131/2d2dfbdec4902dce7481.jpg)
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội một số nội dung liên quan để triển khai dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc và tháo gỡ vướng mắc cho một số dự án BOT đường bộ.
Nhấn mạnh cần tiếp tục quyết liệt tháo gỡ nút thắt về thể chế, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành hằng tháng báo cáo về những vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực phụ trách, nêu rõ vướng mắc là gì, ở đâu, ai giải quyết… để Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quyết liệt triển khai Nghị quyết 18 của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy, không để gián đoạn công việc; tích cực chỉ đạo ngay từ đầu năm để bắt tay ngay vào sản xuất kinh doanh, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của từng tháng, từng quý; hoàn thành mục tiêu có ít nhất 3.000 km cao tốc trong năm 2025, khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vào 30/4/2025, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành giai đoạn 1 trong năm 2025; triển khai tích cực hơn việc xây dựng nhà ở xã hội, hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025; tổ chức tốt các ngày lễ lớn, các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước trong năm 2025; chuẩn bị tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Kinh tế, xã hội tháng 1 với nhiều diễn biến tích cực
Theo báo cáo tại phiên họp, trong tháng 1/2025 và những ngày đầu tháng 2, cả nước đã nỗ lực tập trung thực hiện đồng thời các nhiệm vụ: Tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết 18; triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực với mục tiêu cao (tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025, hướng tới hai con số trong giai đoạn 2026-2030); chăm lo đời sống của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; tổ chức tốt kỷ niệm các ngày lễ lớn, nhất là 95 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2025).
![Toàn cảnh phiên họp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_05_35_51400131/d51904ea3ba4d2fa8bb5.jpg)
Toàn cảnh phiên họp
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chủ động, tích cực triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết 01 với phương châm "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá".
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực (mặc dù kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày).
Trong đó nổi bật là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều có tín hiệu phát triển tốt, tích cực ngay từ đầu năm; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; đặc biệt Tết Ất Tỵ 2025 diễn ra trong không khí vui tươi, đầm ấm, sum vầy, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.
Báo cáo cơ chế nhanh nhất, thuận lợi nhất trình Quốc hội
Trước đó, liên quan đến phát triển dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, sáng 4/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo. Theo các báo cáo và ý kiến tại phiên họp, sau phiên họp thứ nhất (ngày 15/1) của Ban Chỉ đạo, nhiều công việc đã được triển khai. Hiện, Bộ Công Thương đang thực hiện việc rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, trong đó bổ sung dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và nghiên cứu, quy hoạch phát triển các nhà máy điện hạt nhân mới; báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương tái đàm phán với các đối tác nước ngoài.
![Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân phát biểu tại Phiên họp thứ hai của Ban chỉ đạo sáng ngày 4/2. Ảnh: Dương Giang-TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_05_35_51400131/f0101ee321adc8f391bc.jpg)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân phát biểu tại Phiên họp thứ hai của Ban chỉ đạo sáng ngày 4/2. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề xuất sửa Luật Năng lượng nguyên tử; xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ đặc biệt cấp quốc gia về công nghệ và an toàn hạt nhân; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân.
Sau khi lắng nghe các báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, phát triển điện hạt nhân, xây dựng nhà máy điện hạt nhân - công trình trọng điểm quốc gia là vấn đề lớn, đại sự quốc gia, là vấn đề khó, nhạy cảm, nên cần có sự tập trung, đầu tư công sức, trí tuệ tương xứng, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Thủ tướng biểu dương và đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan tiếp tục tinh thần làm việc khẩn trương trong triển khai dự án; xây dựng kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm, từng mốc thời gian phải hoàn thành những công việc cụ thể.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương kiện toàn, bổ sung thêm các thành viên Ban Chỉ đạo, thành lập Tổ giúp việc tại Bộ Công Thương, trong đó có các chuyên gia, hoạt động theo phương châm tinh gọn, sâu sát, chuyên nghiệp, chuyên trách.
Về luật pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì khẩn trương hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Năng lượng nguyên tử để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, bảo đảm nhanh và chất lượng; theo hướng cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì đưa vào luật, tiếp tục thực hiện, đồng thời cập nhật các nội dung mới phù hợp với bối cảnh, tình hình, điều kiện hiện nay, những vấn đề chưa chín, chưa rõ, còn thay đổi thì giao Chính phủ quy định, hướng dẫn phù hợp tình hình. Tinh thần là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường trách nhiệm cá nhân và tập thể, giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ xin cho, nghiêm cấm chạy chọt, cái gì doanh nghiệp làm được thì giao doanh nghiệp làm.
Về cơ chế, chính sách đặc thù (như về mặt bằng, tái định cư, sinh kế cho người dân, tổng diện tích đất sử dụng, chỉ định thầu, rút ngắn thời gian…), tất cả các bộ, ngành thấy cơ chế, chính sách nào để làm nhanh nhất, thuận lợi nhất thì đề xuất trước ngày 15/2. Bộ Công Thương là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phải tổng hợp, báo cáo Chính phủ để đề xuất cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Về tiến độ, Thủ tướng nêu rõ, phải rút ngắn thời gian hoàn thành dự án so với dự kiến trước đây, chậm nhất tới 31/12/2031 phải hoàn thành và phấn đấu hoàn thành trước 31/12/2030 vào dịp kỷ niệm 85 năm thành lập nước, 100 năm thành lập Đảng. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải xây dựng đường găng tiến độ theo mục tiêu này.
Về lựa chọn đối tác nước ngoài tham gia dự án, Thủ tướng nêu rõ, thực hiện theo Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Bộ Chính trị; yêu cầu EVN, Petrovietnam và các cơ quan ngay trong tháng 2 cử đoàn công tác đàm phán với các đối tác nước ngoài, chú ý phải có đối tác dự phòng để sẵn sàng trong mọi tình huống.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, phát triển điện hạt nhân, xây dựng nhà máy điện hạt nhân - công trình trọng điểm quốc gia là vấn đề lớn, đại sự quốc gia, là vấn đề khó, nhạy cảm, nên cần có sự tập trung, đầu tư công sức, trí tuệ tương xứng, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc... Cùng với đó Thủ tướng nêu rõ, phải rút ngắn thời gian hoàn thành dự án so với dự kiến trước đây, chậm nhất tới 31/12/2031 phải hoàn thành và phấn đấu hoàn thành trước 31/12/2030 vào dịp kỷ niệm 85 năm thành lập nước, 100 năm thành lập Đảng.