Hiệu quả mô hình tái canh cà phê trồng xen cây ăn quả ở Đắk Lắk
Ứng dụng công nghệ cao theo quy trình kỹ thuật Brazil tại thôn 7, xã Ea Kpam, huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) mô hình trồng xen cây ăn trái trong vườn cà phê, cà phê tái canh đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, trở thành mô hình điểm cho công tác tái cơ cấu nông nghiệp cây cà phê hiện nay.
Cây ăn quả kết trái trên vùng đất Tây Nguyên
Chuyển dần một phần diện tích cà phê sang trồng cây ăn quả là quyết định rất sáng suốt của "lão nông" Nguyễn Bá Phước, thôn 7, xã Ea Kpam, huyện Cư M'gar từ 10 năm trước. Theo người nông dân năm nay đã ở tuổi 85, năm 2010, hơn 2,5 ha cà phê của gia đình ông không mang lại hiệu quả do cà phê đã già cỗi. Là người ham học hỏi, thường xuyên theo dõi trên báo, đài, tìm mua các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về tham khảo và chịu khó học hỏi từ bạn bè, các mô hình kinh tế khác, ông quyết định chuyển dần một phần diện tích sang trồng cây ăn quả. Cây cà phê già cỗi trong vườn được chặt bỏ, trồng xen sầu riêng, bơ, mít...
Nhờ cần mẫn chăm sóc, vườn cây của gia đình ông đã lên xanh tốt. Trong số 300 cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê có 100 cây đã cho thu hoạch, với năng suất đạt 1 tạ quả/cây và tiếp tục tăng dần theo từng năm. Nhận thấy đây là hướng đi có tiềm năng kinh tế, vài năm trở lại đây, ông tiếp tục trồng xen bơ, sầu riêng và mít trong vườn cà phê. Đến nay, trong vườn của ông đã có tổng cộng 300 cây sầu riêng, 300 cây bơ, mít. Bước đầu, vườn cây ăn quả mang về cho gia đình ông nguồn thu 500 triệu đồng/năm.
Hiện tại Đăk Lăk đã tái canh được khoảng 32.000 ha cà phê, đạt 75% kế hoạch. Những mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê tái canh đang được các hộ dân áp dụng khá thành công. Tổng diện tích trồng xen trong vườn cà phê gần 40.000 ha, chiếm 19,3% diện tích trồng cà phê toàn tỉnh. Việc trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác (gấp từ 3 - 5 lần so với trồng thuần cà phê), giúp sản xuất bền vững.
Tương tự, anh Nguyễn An Khê có gần 7 ha trồng thuần bơ booth, loại cây trồng đã giúp vực dậy kinh tế gia đình. Giống bơ này cho năng suất cao, với giá bình quân 60.000 - 70.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 90.000 đồng/kg nên mang lại thu nhập khá. Diện tích trồng thuần bơ booth của anh Khê, bình quân thu hoạch khoảng 8 tấn quả, cho thu nhập hơn 450 triệu đồng mỗi năm.
Đây hai trong số rất nhiều mô hình trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Cư M'gar. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, những năm gần đây, hiệu quả kinh tế từ cây cà phê trên địa bàn không được như những năm trước do giá cả bấp bênh, diện tích cà phê già cỗi ngày càng nhiều. Đứng trước tình thế đó, nhiều nông dân đã đổi mới sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả hoặc đa dạng hóa cơ cấu cây trồng bằng hình thức trồng xen trong vườn cà phê để tăng thu nhập. Đến nay, toàn huyện có hơn 2.300 ha cây ăn quả, tăng 1.300 ha so với năm 2015. Trong đó, bơ và sầu riêng chiếm diện tích chủ yếu, với 1.200 ha bơ và 900 ha sầu riêng. Bên cạnh đó là 200 ha diện tích cây mít Changai. Cây ăn quả trên địa bàn được trồng nhiều ở các xã như Ea Kpam, Quảng Tiến, Ea Tar, thị trấn Quảng Phú…
Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cư M’gar cho biết, 5 năm trở lại đây, cây ăn quả đã “bén duyên” với vùng đất này, được nhiều nông dân ưu tiên lựa chọn để chuyển đổi, thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả. Trồng các loại cây ăn quả bước đầu cũng giúp nhiều người khá lên. Hiệu quả kinh tế từ cây ăn quả mang lại đã trở thành cây trồng chủ lực, không đơn thuần là loại cây phụ, cây trồng xen nữa.
Phát huy hiệu quả mô hình tái canh cà phê
Tham quan mô hình trồng xen canh cà phê và cây ăn quả, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao hiệu quả của các mô hình kinh tế cũng như sự năng động, sáng tạo của nông dân Đắk Lắk.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất cả nước, được coi là thủ phủ của cây cà phê, tuy nhiên diện tích cà phê già cỗi cũng chiếm tỷ lệ cao. Do đó, Đắk Lắk cần chú ý đến công tác tái canh cà phê bằng những giải pháp như: Đưa các giống mới cho năng suất cao vào thay thế giống cũ; ứng dụng khoa học công nghệ; lựa chọn tổ hợp cây ăn quả làm cây che bóng cho vườn cà phê để tăng hiệu quả kinh tế kép trên vườn cây… Điều đáng mừng là các giải pháp trên đang được nhiều địa phương ở Đắk Lắk thực hiện tốt, góp phần thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ở thời điểm hiện nay hai cây chủ lực trong nhóm cây ăn quả là sầu riêng và cây bơ được trồng với mật độ phù hợp vừa là cây che bóng cho cà phê nhưng cũng cho thu hoạch cao sau 2 - 3 năm của giai đoạn kiến thiết cơ bản. Có thể thấy cây xen canh không những không làm giảm giá trị của cây cà phê mà còn tăng hiệu quả kinh tế.
Xem Video Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trao đổi về công tác tái canh cây cà phê:
Xác định để phát triển bền vững cây ăn quả theo chuỗi giá trị cần có sự kết nối trong việc trồng, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ. Đơn cử, huyện Cư M’gar đang nỗ lực tìm kiếm, kết nối các nhà máy chế biến rau, củ, quả trong và ngoài tỉnh để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Huyện cũng đang tính đến việc hình thành vựa thu mua và đóng gói trái cây trên địa bàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trái cây địa phương.
Cũng theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cư M’gar Phạm Quang Mười, ở khâu sản xuất, ngành nông nghiệp huyện đang tăng cường hướng dẫn bà con nông dân đăng ký và thực hiện sản xuất theo hướng VietGAP, xây dựng mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Trước đó, từ năm 2019, huyện Cư M’gar đã thực hiện thí điểm quản lý các cây trồng để kiểm soát chất lượng giống cây trồng đầu vào. Theo đó, đối với 26 cơ sở sản xuất giống cây trồng trên địa bàn đều phải đăng ký số lượng sản xuất, cam kết chịu trách nhiệm chất lượng giống cây trồng do cơ sở mình bán ra cho nông dân.
Chỉ đạo về tái cơ cấu ngành cà phê, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhắc nhở, công tác chế biến sẽ là một trong bốn giải pháp để phát huy tối đa giá trị của chuỗi ngành hàng cà phê.
"Ngành cà phê cần tập trung nhiều hơn cho công tác chế biến vì hiện nay đây là khâu yếu nhất của chúng ta. Từ chỗ chế biến thấp không những giá trị của chuỗi ngành hàng này thấp mà luôn bị động, được mùa mất giá. Như vậy việc tổ chức liên kết khu vực sản xuất nguyên liệu với khu vực tập trung chế biến và tổ chức thương mại thành chuỗi liên hoàn sẽ giúp phát huy tối đa giá trị của chuỗi ngành hàng cà phê", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định.
Tái canh cây cà phê đang là chủ trương nhất quán để nâng cao chất lượng và giá trị của cây cà phê, tiến tới trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Giúp người nông dân có thu nhập ổn định từ chính những vườn cà phê tái canh, thích ứng cả với biến đổi khí hậu đang là nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp tại "thủ phủ cà phê".