Hiệu quả mô hình trồng cây dược liệu chiết xuất tinh dầu ở Mộc Bắc
Những năm gần đây, việc mở rộng diện tích cây trồng dược liệu xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên đã được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân đặc biệt quan tâm. Việc trồng và chiết xuất tinh dầu dược liệu ngày càng cho hiệu quả cao hơn so với trồng lúa, ngô… đã mở ra triển vọng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân tại địa phương.
Xã Mộc Bắc nằm ở ven đê sông Hồng, ngành nghề chủ yếu của địa phương là sản xuất nông nghiệp. Do vậy, để thúc đẩy phát triển sản xuất, năm 2009, Hội Nông dân xã đã tổ chức cho hội viên tham quan mô hình trồng cây dược liệu tại Văn Giang (Hưng Yên). Nhận thấy được tiềm năng, cũng như hiệu quả kinh tế của mô hình đem lại, đã có 4 hộ tham gia trồng thử nhiệm mô hình cây húng quế dược liệu chiết xuất tinh dầu trên diện tích hơn 5 ha. Sau 5 năm, cho thấy được hiệu quả từ cây húng quế cao hơn trồng lúa, rau màu khác, lợi nhuận ước đạt cao gấp 2 – 4 lần, đã có 20 hộ tham gia trồng, nâng diện tích lên 30 ha. Hiện nay toàn xã có khoảng 55,5 ha cây dược liệu, với 31 hộ tham gia trồng và sản xuất tinh dầu.
Hộ gia đình chị Mai Thị Huyền, thôn Yên Bình, là một trong những hộ tham gia trồng cây dược liệu và sản xuất tinh dầu đầu tiên với doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm khu trồng dược liệu rộng 5,5 ha, chị vừa chia sẻ: Chị là một trong những người tham gia trồng từ năm 2009, nhận thấy được tiềm năng của cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và có thể phát triển tại địa phương, chị tận dụng diện tích đất của bà con nông dân không sản xuất, đứng ra thuê lại, đưa vào trồng cây dược liệu húng quế... Những ngày đầu, khi mới tham gia trồng thử nhiệm, chị chỉ trồng khoảng 1,5 ha. Thời điểm đó, gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc và phòng bệnh cho cây. Không nản, chị tìm hiểu trên sách báo, tham khảo ý kiến của những người trồng trước. Dần dần chị Huyền nắm vững được quy trình trồng và chăm sóc cây. Chị bắt đầu thuê thêm đất và mở rộng diện tích cây trồng.
Theo chị Huyền, thời điểm thích hợp để trồng dược liệu vào khoảng giữa tháng 2 âm lịch. Cây húng quế là cây ưa ánh sáng, phát triển mạnh vào mùa mưa, ẩm, thích hợp khi trồng ở đất thịt, đất phù sa. Sau khi làm đất và xuống giống, chị chỉ mất công chăm sóc trong khoảng 2 tuần đầu, cây cũng không cần nhiều phân, hay thuốc phòng trừ sâu bệnh. Để chất lượng tinh dầu đạt hiệu quả cao, cần phải chọn đúng thời điểm để thu hoạch, khi ngồng hoa húng quế bắt đầu đạt độ dài tối đa từ 5 – 7 cm, hoa có màu tím đậm, có mùi thơm đặc trưng, đó là lúc cây húng quế cho chất lượng tinh dầu nhiều nhất. Trung bình mỗi sào húng quế chị Huyền thu được 8 – 10kg tinh dầu/năm, giá bán ra khoảng 1500 – 1800 nghìn đồng/kg tinh dầu, cho thu nhập khoảng 13 triệu đồng.
Chị Huyền cho biết, giá tinh dầu dao động theo từng năm. Có năm thì giá tinh dầu khá cao, việc mua bán cũng thuận lợi, làm tới đâu hết tới đó. Nhưng cũng có năm, sản phẩm tinh dầu cũng chậm hơn, tất cả phụ thuộc vào thương lái và tình hình thị trường năm đó. Vào mùa thu hoạch, chị Huyền đã tạo việc làm cho 10 người lao động tại địa phương làm công việc cắt cây húng quế, với mức lương khoảng 300 nghìn đồng/ngày/người.
Rời nhà chị Huyền, chúng tôi tới thăm vườn dược liệu của gia đình chị Nguyễn Thị Viện, thôn Yên Bình. Đã có thời gian 12 năm gắn bó với cây dược liệu, chị Viện chia sẻ: Chi phí đầu tư trồng cây húng quế khá rẻ, chỉ khoảng 250 nghìn đồng/sào/vụ. Gia đình tôi trồng hơn 2 ha, mỗi vụ cho thu hoạch 3 lần. Năng suất trung bình khoảng 3- 3,5kg/sào. Công đoạn chưng cất tinh dầu được chị Viện tiến hành ngay sau khi thu hoạch. Thời gian chưng cất kéo dài khoảng 4 giờ đồng hồ theo phương pháp thủ công đốt củi. Việc bảo quản tinh dầu cũng không cần quá cầu kỳ, chỉ cần điều kiện nhiệt độ dưới 30 độ c, tránh ánh nắng trực tiếp. Tinh dầu sau khi được chiết xuất sẽ cho ra mùi thơm đặc trưng, vị hơi đắng, gây tê đầu lưỡi. Sản phẩm tinh dầu húng quế thường được sử dụng làm thuốc, tinh dầu đuổi muỗi, tạo hương liệu cho món ăn… Sau mỗi vụ thu hoạch, chị Viện có nguồn thu nhập khá cao khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm.
Đánh giá về hiệu quả mô hình, bà Trần Thu Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mộc Bắc cho biết: Đối với Mộc Bắc, cây dược liệu được coi là một trong những loại cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với những cây trồng khác. Tuy nhiên, hiện nay mô hình phát triển theo kiểu nhỏ, lẻ, chưa có sự liên kết, dẫn đến việc giá bán tinh dầu ra thị trường còn phụ thuộc nhiều vào thương lái, tình trạng ép giá, cũng như chất lượng tinh dầu chưa đạt yêu cầu vẫn xảy ra..
Vì vậy, tháng 5/2024, Hội Nông dân xã Mộc Bắc đã thành lập Tổ hội nghề trồng cây dược liệu chiết xuất tinh dầu, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo môi trường thuận lợi cho các hội viên có cơ hội được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, cùng nhau làm giàu. Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức ký kết hợp tác giữa các hộ tham gia mô hình với tổ chức, cá nhân trong liên kết giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Mộc Bắc khuyến khích người dân mở rộng quy mô sản xuất, tạo điều kiện, hỗ trợ người nông dân về kĩ thuật, từ đó mô hình trồng cây dược liệu chiết xuất tinh dầu ở xã Mộc Bắc ngày càng phát triển.