Hiệu quả mô hình trồng Dâu tây ở Mèo Vạc

BHG - Mô hình trồng Dâu tây trong nhà lưới tại thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc không chỉ là mô hình trồng Dâu tây đầu tiên ở huyện Mèo Vạc mà còn là mô hình có phương pháp canh tác độc đáo. Cây Dâu tây không trồng trên nền đất mà trong giá thể lơ lửng trên không. Nhiều người đến thăm mô hình không khỏi ngỡ ngàng trước phương pháp canh tác này và gọi đây là mô hình “Dâu tây bay”.

“Dâu tây bay” được trồng trên giá, cách mặt đất gần 1 m.

“Dâu tây bay” được trồng trên giá, cách mặt đất gần 1 m.

Anh Nguyễn Hoàng Nhân, thành viên HTX Tiểu thủ Công nghiệp 3/2 chủ mô hình Dâu tây, chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên tại thị trấn Mèo Vạc. Tôi hiểu rất rõ thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây và luôn trăn trở làm thể nào để xây dựng một mô hình phát triển kinh tế mới, lần đầu tiên được triển khai tại huyện. Qua tìm hiểu, tôi thấy khí hậu địa phương khá phù hợp với cây Dâu tây nhưng chưa từng có ai thử nghiệm nên đã quyết định trồng.

Nghĩ là làm, anh Nhân dành hàng tháng trời đi khắp thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng để học tập kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc Dâu tây. Trở về địa phương anh thuê đất của người dân tại thôn Sảng Pả A xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nước, dinh dưỡng tự động, nhỏ giọt trên diện tích 600 m2, trồng được 7.000 cây Dâu tây giống Hàn Quốc và Nhật Bản. Áp dụng phương pháp canh tác an toàn theo hướng VietGAP, hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân vô cơ.

Anh Nguyễn Hoàng Nhân giới thiệu về mô hình trồng Dâu tây.

Anh Nguyễn Hoàng Nhân giới thiệu về mô hình trồng Dâu tây.

Tới tham quan vườn “Dâu tây bay” của Nguyễn Hoàng Nhân, nhìn những chùm dâu đỏ mọng, lơ lửng giữa không trung, chúng tôi băn khoăn: “Tại sao đã trồng trong nhà lưới, không sợ ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh hại lại phải trồng Dâu tây trên cao như vậy?”. Nhân cho biết: Tôi đã tìm hiểu kỹ, dù trồng trong nhà lưới nhưng dưới đất vẫn có nhiều mầm bệnh và các loại côn trùng. Vì vậy tôi đã treo giá thể trồng dâu trên các trụ thép cách mặt đất gần 1m. Ngoài ra, việc trồng cây trên cao cũng thuận tiện cho chăm sóc và hái quả. Sắp tới tôi sẽ tiếp tục dùng bạt phủ kín toàn bộ mặt đất vườn dâu luôn sạch sẽ, như vậy mới hạn chế tối đa các mầm bệnh ảnh hưởng tới cây.

Mô hình “Dâu tây bay” của anh Nguyễn Hoàng Nhân được trồng từ tháng 11.2022. Sau 4 tháng chăm sóc, giữa tháng 3 cây bắt đầu ra quả, sản phẩm hiện chủ yếu được bán lẻ ngay tại địa bàn hoặc gửi về các huyện, thành phố trong tỉnh. Qua hơn 1 tháng thu hoạch, năng suất đạt trên 100 kg. Được biết, với quy trình chăm sóc đáp ứng đúng kỹ thuật, chu kỳ thu hoạch của cây Dâu tây khoảng 4 tháng, tổng sản lượng của vườn có thể đạt 4 - 5 tạ quả. Hiện nay, Dâu tây đang được chủ vườn bán với giá từ 180 – 300 nghìn đồng/kg (tùy từ kích cỡ), có thể đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/vụ.

Sau 6 tháng trồng “Dâu tây bay”, anh Nguyễn Hoàng Nhân cho biết thêm: Cây Dâu tây không khó trồng, năng suất lại cao, đầu ra cho sản phẩm rất lớn nhưng cần có kỹ thuật và dành nhiều thời gian chăm sóc. Nếu trồng trong nhà lưới chi phí đầu tư ban đầu sẽ lớn nhưng bền vững, chỉ cần đầu tư 1 lần có thể sử dụng hàng chục năm. May mắn khi HTX chúng tôi được huyện hỗ trợ cho vay có thu hồi 300 triệu đồng trong 3 năm và thường xuyên được hỗ trợ kỹ thuật của các nhà vườn tại Đà Lạt. Đây là động lực và chỗ dựa để vườn Dâu tây được hình thành và phát triển tốt. Thời gian tới chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng quy mô, gắn sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao với du lịch trải nghiệm. Hi vọng mô hình có thể là điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách khi đến Mèo Vạc.

Bài, ảnh: Lương Hà

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202305/hieu-qua-mo-hinh-trong-dau-tay-o-meo-vac-0bc516f/