Hiệu quả mô hình vườn cây đa canh theo hướng hữu cơ
Về thôn Mỹ Duệ, xã Tràng An, huyện Bình Lục, nếu hỏi thăm mô hình vườn cây ăn quả được trồng theo hướng hữu cơ của gia đình anh Hoàng Trường Sơn, thì ai cũng biết. Dù còn khá trẻ, nhưng anh đã gắn bó với sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ khá lâu. Nhìn vườn cây ăn quả bạt ngàn, xanh mát, cho thấy tâm huyết và công sức anh bỏ ra hơn chục năm qua để cải tạo khu vườn được chuyển đổi từ đất 'hai lúa'.
Trước đây gia đình anh Hoàng Trường Sơn chỉ sản xuất 1 – 2 vụ lúa trong năm, thu nhập chẳng đáng là bao. Năm 2009, khi Nhà nước có chủ trương, dồn điền đổi thửa, vận động chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang đất trồng cây ăn quả, gia đình anh đã xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cải tạo 2.000m2 đất ruộng sang mô hình trang trại đa canh. Thời điểm ấy gia đình anh còn xin thầu thêm 5.000m2 đất nông nghiệp của xã để mở rộng diện tích trang trại. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, do diện tích vườn quá lớn, khiến gia đình anh Sơn gặp không ít khó khăn về kinh phí đầu tư ban đầu. Nhưng được chính quyền địa phương tạo điều kiện tiếp cận những nguồn vốn vay, lãi suất thấp để cải tạo khu vườn, anh Sơn cùng gia đình bàn bạc và quyết định đầu tư vườn cây ăn quả đa canh, áp dụng phương pháp trồng cây hữu cơ. Anh mạnh dạn đầu tư trồng 50 gốc bưởi Tiến Vua, bưởi Diễn, bưởi đào da xanh. Lúc mới đưa hai giống cây trồng về, nhiều người cho rằng đất nơi đây không phù hợp, khiến cây bưởi khó phát triển. Nhờ chịu khó học hỏi và vận dụng linh hoạt các kiến thức khoa học kỹ thuật, sau 15 năm trồng và chăm sóc, vườn bưởi của gia đình anh đã cho thu hoạch hàng chục tấn quả, giá bán trung bình từ 15 – 20 nghìn đồng/quả.
Anh Hoàng Trường Sơn chia sẻ về những kinh nghiệm trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Ảnh: Bùi Linh
Ngoài trồng bưởi, gia đình anh Sơn còn trồng thêm 47 gốc ổi lê Đài Loan và ổi ruby. Theo anh Sơn, ổi là giống cây dễ trồng, ít sâu bệnh, không cần bỏ nhiều thời gian chăm sóc, lại là giống cây trồng ngắn ngày, nên cho thu hoạch quanh năm. Vì thế đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn lúa gấp 10 lần. Hiện tại vườn ổi nhà anh Sơn cho thu hoạch từ 20 – 40kg/cây, giá bán ổn định từ 15 – 30 nghìn/kg.
Để có những nông sản chất lượng gia đình anh đã lựa chọn canh tác theo hướng hữu cơ. Đây được coi như hệ vườn “3 không”: không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ. Anh Sơn tận dụng thu gom cỏ ủ làm phân xanh sau những lần sử dụng máy phát dọn cỏ và tận dụng phân chuồng, đậu tương… đã ủ hoai mục để chăm bón cho cây trồng, bảo đảm đất trồng, nguồn nước tưới không bị ô nhiễm, tránh làm ảnh hưởng tới sức khỏe. Để chất lượng quả được bảo đảm an toàn, gia đình anh hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó là bao quả, sử dụng các loại bẫy để diệt các loại côn trùng như: Ong châm, ruồi vàng, nhện hại quả, sâu bệnh. Để bảo đảm nguồn nước tưới tiêu, anh Sơn áp dụng hệ thống tưới nước thông minh, tận dụng cây lục bình phủ vào gốc cây trồng để giữ nước và dinh dưỡng cho cây.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả đã giúp gia đình anh có thu nhập 350 triệu đồng/năm. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, anh thường xuyên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với bà con trong thôn, xã để cùng nhau phát triển kinh tế.
Ông Đỗ Xuân Thụ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tràng An đánh giá mô hình vườn cây đa canh áp dụng theo hướng hữu cơ của gia đình anh Hoàng Trường Sơn là một mô hình thành công đem lại hiệu quả về kinh tế. Với ý chí quyết tâm, dám nghĩ dám làm, trên diện tích đất canh tác 7.000m2 đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh Hoàng Trường Sơn. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã phối hợp cùng các đoàn thể tiếp tục nhân rộng mô hình đến với người dân trong địa phương.