Hiệu quả mô hình xử lý rác hữu cơ của tuổi trẻ Nam Toàn

Nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của người dân về xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình, đầu năm 2021, được sự hướng dẫn của Ban thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên xã Nam Toàn (Nam Trực) đã triển khai điểm mô hình

Nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của người dân về xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình, đầu năm 2021, được sự hướng dẫn của Ban thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên xã Nam Toàn (Nam Trực) đã triển khai điểm mô hình “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh bản địa” (IMO). Đến nay đã có một số hộ thử nghiệm sử dụng men vi sinh bản địa để xử lý mùi hôi chất thải, xử lý rác hữu cơ thành phân bón cho cây trồng, bước đầu đem lại hiệu quả.

Chị Phạm Thị Phương Liên, Bí thư Đoàn xã Nam Toàn trình diễn mô hình sử dụng men vi sinh IMO để xử lý rác hữu cơ.

Hiện nay, xu hướng sử dụng các chế phẩm sinh học làm phân bón, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp được nhiều người quan tâm. Mô hình sử dụng men vi sinh IMO để xử lý rác hữu cơ của Đoàn Thanh niên xã Nam Toàn không chỉ giúp tiết kiệm chi phí phân, thuốc bảo vệ thực vật, giảm bạc màu đất mà còn đảm bảo sức khỏe người nông dân và người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường. Người dùng có thể tự chế tại nhà theo công thức, nguyên liệu có sẵn. Các nguyên liệu để tạo men vi sinh IMO đều là những nguyên liệu có chi phí thấp, dễ kiếm như: Nước men giống, men rượu, cám gạo, sữa chua, chuối chín và nước sạch... Chỉ với khoảng 50-60 nghìn đồng mua nguyên liệu là có thể tạo ra khoảng 20 lít men gốc vi sinh IMO để xử lý rác thải hữu cơ trong sinh hoạt, phân chuồng trong chăn nuôi, khử mùi hôi từ nước thải... Tất cả nguyên liệu trộn đều, ủ trong thùng nhựa có nắp đậy, mỗi ngày mở nắp khuấy 1 lần, sau 7 ngày có thể sử dụng được. Tùy theo mục đích của người dùng, từ men này có thể pha loãng với nước sạch làm nước xịt khử mùi hôi trong không khí; có thể dùng ủ phân bón vi sinh hoặc chế tạo thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ. Bà Phạm Thị Tho ở xóm 4 sau khi dùng thử nghiệm men vi sinh IMO chia sẻ: “Trước kia, mỗi lần dọn dẹp vườn, các loại lá cây, cỏ thường được tôi đem đi đốt. Nhưng từ khi dùng thử nghiệm sản phẩm, gia đình tôi đã tận dụng lá cây, cỏ... để ủ cùng men vi sinh IMO làm phân bón cho một số loại cây như bưởi, ổi, na... rất hiệu quả, tiết kiệm chi phí mà đất lại tơi xốp. Với hiệu quả ban đầu sau này, tôi sẽ chính thức đăng ký tham gia mô hình. Những mô hình hữu ích như này nên được nhân rộng hơn nữa”. Chị Nguyễn Thị Thư ở xóm 4 chia sẻ: “Từ khi gia đình tôi áp dụng men vi sinh bản địa IMO vào sử dụng khử mùi tại nhà vệ sinh thấy rất hiệu quả; không tốn nhiều tiền mua nước khử khuẩn, nhà sạch sẽ, giảm hẳn ruồi, muỗi. Đặc biệt khi dùng nước men vi sinh để làm nước tưới cho rau rất xanh, không bị sâu, tiết kiệm được chi phí và nhất là hạn chế lượng rác thải ra môi trường. Tôi ủng hộ và tham gia mô hình, vì một làng quê nông thôn sạch đẹp”. Chị Phạm Thị Phương Liên, Bí thư Đoàn xã Nam Toàn cho biết: “Mô hình sử dụng men vi sinh bản địa IMO có nhiều ưu điểm như: Giảm tối đa chi phí mua phân, thuốc bảo vệ thực vật; tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn. Về phương diện môi trường, các phế phẩm và phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng hoàn toàn, giảm thải ra môi trường đất, nước và không khí ở khu dân cư. Tuy nhiên, để làm men vi sinh thành công, các hộ cần lưu ý thực hiện đúng hướng dẫn, ghi nhật ký làm men và làm nhiều lần. Sau những thành công ban đầu, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân tham gia, góp phần tạo nên cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Từ những lợi ích thiết thực, Đoàn Thanh niên xã Nam Toàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về việc phân loại, xử lý chất thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng vi sinh IMO đến các hộ dân trên địa bàn; duy trì, phát huy các hoạt động phong trào trong công tác bảo vệ môi trường; phấn đấu vận động 100% số hộ dân các xóm trong xã tham gia mô hình phân loại, tận dụng các vật dụng sẵn có trong gia đình để xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón phục vụ sản xuất. Các cơ quan chức năng sẽ tích cực giám sát, kiểm tra và đánh giá về kết quả việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình. Mô hình này được triển khai đã đem lại hiệu quả “kép” là giảm lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường và rác thải qua xử lý trở thành nguồn phân bón sạch cho cây trồng; từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường.

Với những thành công bước đầu, mô hình sử dụng men vi sinh IMO để xử lý rác hữu cơ của Đoàn Thanh niên xã Nam Toàn được nhân rộng, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn bền vững, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho nhân dân./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202109/hieu-qua-mo-hinh-xu-ly-rac-huu-co-cua-tuoi-tre-nam-toan-2546304/