Hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm ở Nông Cống
Nông Cống từ lâu được xem là một trong những huyện có nhiều nghề thủ công truyền thống như làng nghề nón lá, chiếu cói (Trường Giang), nghề mộc (Thăng Thọ), miến gạo (Thăng Long), hương bài (Vạn Thắng), đan lát (Tân Thọ)... Tuy nhiên, do nhiều yếu tố mà có không ít làng nghề rơi vào quên lãng hoặc không phát huy được tiềm năng, thế mạnh. Một trong những nguyên nhân là do thiếu nguồn vốn đầu tư. Vì vậy nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện đã góp phần giải quyết bài toán thiếu vốn cho người dân các làng nghề.
Tính đến ngày 31-5-2023, dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Nông Cống là 67.878 triệu đồng, với 944 hộ vay vốn. Trong đó, nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH tỉnh là 16.005 triệu đồng, nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH huyện là 7.156 triệu đồng.
Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ, xã Tân Thọ Nguyễn Thị Thắm cho biết: Năm 2021 - thời điểm sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, rất may từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH, gia đình chị đã được tiếp cận vay 100 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn đối với quy mô đơn vị, song vào lúc chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, đây là nguồn vốn kịp thời giúp cho đơn vị tiếp tục duy trì hoạt động. Hiện tại, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ đã và đang tạo việc làm thường xuyên cho 500 lao động với mức thu nhập từ 1 đến 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Tại làng nghề miến gạo xã Thăng Long hiện có 52 hộ sản xuất, kinh doanh nghề làm miến gạo truyền thống thì đa phần các hộ đều là khách hàng vay vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH huyện Nông Cống. Trường hợp hộ gia đình ông Lê Bá Phiệt là một trong những hộ điển hình vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay này. Theo ông Phiệt, nhờ có vốn vay từ Ngân hàng CSXH mà gia đình ông đã có vốn đầu tư mua máy móc, dây chuyền duy trì sản xuất ngành nghề miến gạo truyền thống. Từ một hộ nghèo của xã, đến nay gia đình ông đã thoát nghèo bền vững, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Chủ nhiệm HTX làng nghề miến gạo Thăng Long Trương Hữu Hoa cho biết: Chủ trương của huyện luôn khuyến khích phát triển làng nghề, song trên thực tế vốn đầu tư luôn là bài toán khó với các hộ dân. Nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH huyện đã và đang là một trong những kênh quan trọng giúp người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Vì vậy, bà con mong muốn được quan tâm nhiều hơn nữa về phân bổ, giải quyết nguồn vốn vay, đồng thời nâng hạn mức cho vay tối đa từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng để tăng nguồn đầu tư phù hợp với thị trường.
Có thể khẳng định, việc Ngân hàng CSXH huyện Nông Cống đang cùng lúc triển khai nhiều chương trình vay vốn ưu đãi như cho vay sản xuất, vay hộ nghèo, cận nghèo, vay giải quyết việc làm... đã và đang góp phần giúp cho hàng trăm hộ gia đình có cơ hội vươn lên thoát nghèo, hàng nghìn người lao động có việc làm ổn định, làng nghề được khôi phục, phát triển, trong đó có một số làng nghề có sản phẩm được công nhận OCOP như miến gạo Thăng Long (Thăng Long), chậu cói Tân Thọ (Tân Thọ), HTX tre Thăng Thọ, hương bài Vạn Thắng, yến sào Nam Khánh (Vạn Hòa), túi xách Bảo Hường (Tân Phúc). Hay cho vay đối với các mô hình tiêu biểu như: cơ sở nông sản Thắng Nông (Tế Lợi), nuôi trồng thủy sản (Trường Giang), nghề mộc (Thăng Thọ), sản xuất mây tre đan (Tượng Sơn)...
Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nông Cống Nguyễn Xuân Bình cho biết: Đơn vị luôn bám sát Quyết định số 325-QĐ/HU, ngày 21-12-2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy về chương trình phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 để đầu tư nguồn vốn. Theo đó, từ nguồn vốn ngân sách UBND tỉnh, UBND huyện ủy thác, sẽ được ưu tiên cho vay đối với các sản phẩm OCOP, các mô hình, dự án sản xuất... Ngân hàng cũng thường xuyên phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện nắm bắt các lao động bị mất việc làm, lao động có nhu cầu vay vốn, từ đó phân bổ nguồn vốn một cách kịp thời. Tính đến ngày 31-5-2023 đã rà soát được 151 lao động có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 13.830 triệu đồng. Ngân hàng CSXH huyện đã thực hiện việc kiểm tra, thẩm định cho 32 khách hàng đủ điều kiện vay vốn, với số tiền 2.750 triệu đồng, trong đó đã giải ngân cho 5 khách hàng số tiền 500 triệu đồng.