Hiệu quả nguồn vốn vay tín dụng chính sách ở Đăk Tô
Để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách theo hướng ổn định, bền vững, thời gian qua, công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình theo nhóm hộ được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đăk Tô (Kon Tum) triển khai hiệu quả.
Điển hình như mô hình “Tổ liên kết chăn nuôi bò sinh sản tại hộ gia đình” ở thôn 5, xã Diên Bình được thành lập từ năm 2019 với 14 thành viên. Trên cơ sở từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, các hội viên mua 38 con bò giống để cùng nhau chăn nuôi. Sau hơn 3 năm, đến nay mô hình đã có 28 hội viên, với đàn bò là 106 con. Các hội viên tham gia mô hình đều sử dụng vốn đúng mục đích, chăn nuôi hiệu quả, tạo việc làm tại chỗ và góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Diên Bình cho biết: “Thông qua những buổi sinh hoạt định kỳ của mô hình, các thành viên được trao đổi, thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức bổ ích, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi. Từ đó, mô hình được nhân rộng, đặc biệt là thu hút hội viên người dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia”.
Tháng 6-2022, Hội Phụ nữ xã Tân Cảnh cũng xây dựng mô hình “Tổ phụ nữ dân tộc thiểu số chăn nuôi bò sinh sản” gắn với việc hỗ trợ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tại thôn Đăk Ri Peng 2, mỗi hộ được vay 50-100 triệu đồng để mua con giống và xây dựng chuồng trại. Ban đầu, tổ có 4 thành viên mua được 15 con bò giống. Sau gần một năm hoạt động, đến nay tổ đã có 7 thành viên với tổng đàn bò là 32 con. Đây là mô hình tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, là điều kiện thuận lợi góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là hội viên dân tộc thiểu số.
Với những cách làm này, đến nay, 9/9 cơ sở hội phụ nữ nhận ủy thác trên địa bàn huyện Đăk Tô đã triển khai giải ngân nguồn vốn chính sách gắn với xây dựng mô hình sinh kế hỗ trợ phụ nữ theo nhóm hộ, như các mô hình: “Liên kết trồng dứa”, “Tổ phụ nữ dân tộc thiểu số trồng mì cao sản KM140”, “Tổ hợp tác trồng mía”... thu hút hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia và ngày càng được nhân rộng cả về số lượng thành viên, quy mô, diện tích và địa bàn thực hiện. Đánh giá chất lượng hoạt động ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đăk Tô cho biết: “Đến nay, dư nợ do Hội quản lý là gần 160 tỷ đồng với 2.707 thành viên. Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế hỗ trợ hội viên phụ nữ gắn với hỗ trợ nguồn vốn chính sách là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình theo nhóm hộ gia đình, thành lập những tổ hợp tác, hợp tác xã, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn huyện”.