Hiệu quả nuôi ghép cá trắm cỏ là chính trong ao

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông (Trung tâm) triển khai thực hiện mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ là chính trong ao với quy mô 3ha, tại 6 hộ ở các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động, Văn Lâm và thị xã Mỹ Hào. Đến nay, mô hình được đánh giá cho năng suất, hiệu quả cao.
Để giúp các hộ nông dân nắm chắc được quy trình kỹ thuật nuôi ghép cá trắm cỏ là chính trong ao, Trung tâm đã tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình và một số hộ ngoài mô hình. Nội dung tập huấn gồm: Lợi ích của việc nuôi cá theo hướng an toàn, bền vững; đặc điểm sinh học của một số đối tượng cá; kỹ thuật chuẩn bị ao nuôi, thả giống, chăm sóc đàn cá nuôi và quản lý ao nuôi; kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm...

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi ghép cá trắm cỏ cho các hộ tham gia mô hình tại huyện Kim Động

Trước khi thả cá giống 15 ngày, Trung tâm hướng dẫn các hộ thực hiện tát cạn ao, vét bùn, tẩy trùng ao bằng vôi bột với liều lượng 7 - 10kg/100m2 rải khắp mặt ao, tiến hành phơi đáy ao 7 ngày, sau đó tiến hành cấp nước vào ao, nước được lọc qua lưới cước mau để loại bỏ cá tạp và vẩn cặn, mức nước lấy vào ao 1,8 - 2m nước; đồng thời tiến hành kiểm tra các tiêu chuẩn nước ao nuôi như: Độ pH, độ trong, màu nước ao… Sau khi ao nuôi bảo đảm các điều kiện, ngày 10/6, Trung tâm bàn giao giống cá trắm cỏ cho các hộ; cùng với đó, giám sát quá trình mua giống cá chép, cá trôi, cá mè trắng và rô phi đơn tính của các hộ tham gia mô hình. Mật độ thả, tỷ lệ ghép và kích cỡ cá giống thả theo tỷ lệ: 2,5 con/m2; tỷ lệ ghép cá trắm cỏ chiếm 50%, cá rô phi đơn tính đực 20%, cá chép 10%, mè trắng 10%, trôi 10%; kích cỡ cá giống thả theo đúng yêu cầu của mô hình. Cùng với đó, Trung tâm đã hỗ trợ 50% số thức ăn hỗn hợp; 50% số men tiêu hóa, Vitamin C, chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi cho chủ hộ tham gia mô hình với số lượng 22.680kg thức ăn hỗn hợp, 87kg chế phẩm vi sinh xử lý nền đáy ao, 144 lít chế phẩm vi sinh xử lý khí độc trong ao, 45,3 lít men tiêu hóa, 45,3kg Vitamin C. Trong thời gian nuôi thả cá, việc chăm sóc, quản lý môi trường ao nuôi được kỹ thuật viên của Trung tâm thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn chủ hộ thực hiện tốt quy trình kỹ thuật về quản lý ao nuôi, chăm sóc, phòng và trị bệnh cho cá... Khuyến cáo chủ hộ tham gia mô hình không sử dụng các thiết bị, hóa chất, dụng cụ có thể gây hại cho cá. Chế phẩm sinh học, hóa chất sử dụng để cải thiện môi trường ao nuôi được kỹ thuật viên của Trung tâm hướng dẫn các hộ sử dụng đúng liều lượng và không nằm trong danh mục cấm sử dụng trong nuôi thả thủy sản. Thức ăn hỗn hợp cho cá ăn, thuốc phòng bệnh, chế phẩm sinh học... được chọn mua từ cơ sở sản xuất có uy tín, đã được cấp phép và nằm trong danh mục được phép lưu hành. Ngoài thức ăn hỗn hợp, chủ hộ tham gia mô hình còn sử dụng thức ăn tự chế biến như: Ngô, thóc ủ mầm... bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Các hộ được hướng dẫn các biện pháp phòng và trị bệnh cho cá như xử lý nguồn nước định kỳ, sử dụng vôi, chế phẩm vi sinh xử lý nền đáy Bio - Floc 02, chế phẩm vi sinh xử lý khí độc Bio - Floc 01, chế phẩm EM và cho cá ăn thuốc phòng bệnh như Vitamin C, men tiêu hóa… do vậy, trong quá trình nuôi cá sinh trưởng phát triển tốt.Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ là chính trong ao ước tính sau 8 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống đạt 74% (yêu cầu của mô hình là 70%); khối lượng cá trắm cỏ đạt 1.200 gam/con (yêu cầu trên 720 gam/con), năng suất đạt 22 tấn/ha, lãi tính trên 1ha đạt 132 triệu đồng. Mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ là chính trong ao góp phần tạo điều kiện cho nông dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, giá trị kinh tế trong lĩnh vực nuôi thả thủy sản. Đồng thời, khắc phục những vướng mắc về kỹ thuật sử dụng thuốc, thức ăn... trong nuôi thả thủy sản cũng như tận dụng được tầng sống, tầng thức ăn, quá trình nuôi ít có dịch bệnh nghiêm trọng.

PV

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202211/hieu-qua-nuoi-ghep-ca-tram-co-la-chinh-trong-ao-4d56ec5/