Hiệu quả phong trào giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế
Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị của Bộ Y tế, thời gian qua, các đơn vị trong ngành Y tế tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều mô hình, hoạt động, qua đó không chỉ giảm thiểu chất thải trong các cơ sở y tế, mà còn góp phần nâng cao nhận thức cho người bệnh, người nhà bệnh nhân và cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sống, sức khỏe của con người.
Chất thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu, hằng ngày tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất… Tuy nhiên, những vật liệu nhựa dùng trong các hoạt động này có thể thay thế bằng các chất liệu an toàn, thân thiện hơn đối với môi trường nếu có sự quyết tâm, chung tay của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Y tế, đặc biệt là người bệnh và người nhà bệnh nhân. “Khi mới vào nhập viện, tôi hay mua cơm, thức ăn được đựng trong hộp xốp, túi ni lông để sử dụng. Tuy nhiên, sau đó được cán bộ y tế tuyên truyền, vận động không nên dùng hộp xốp, đồ nhựa dùng 1 lần để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, do đó tôi đã chuyển sang dùng cặp lồng, mỗi lần mua cơm và ăn xong thì mang đi rửa để lần sau sử dụng lại”, một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết.
Song song với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người bệnh, người nhà bệnh nhân, thời gian qua, Sở Y tế, Công đoàn ngành Y tế tỉnh đã tổ chức tập huấn, kí cam kết với các đơn vị trực thuộc, đồng thời triển khai và đưa phong trào giảm thiểu chất thải nhựa vào xét thi đua khen thưởng hằng năm. Điều đáng mừng là chỉ sau một thời gian ngắn, các đơn vị trong ngành Y tế đã triển khai được nhiều hoạt động, mô hình thiết thực nhằm tiến tới thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng, hầu hết các cơ sở y tế đã sử dụng túi giấy để đựng, cấp phát thuốc thay vì túi ni lông; lắp đặt máy lọc nước để người dân sử dụng nhằm hạn chế mua các chai nước nhựa bên ngoài vào; loại bỏ hoàn toàn việc dùng hộp xốp, túi ni lông và thay vào đó là dùng cặp lồng để đựng cơm, thức ăn; thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định... nhờ vậy mà lượng rác thải nhựa mỗi ngày của các cơ sở y tế bước đầu đã có sự thay đổi nhất định.
Để phong trào Giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế thực sự có chất lượng, đi vào chiều sâu và mang tính bền vững, bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Quảng Trị cho biết: “Hiện nay, rác thải nhựa đang là vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu, không chỉ gây ảnh hưởng trong các cơ sở y tế, mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng, xã hội. Do đó, bên cạnh sự chung tay, đồng sức, đồng lòng của tập thể cán bộ y tế trong toàn ngành Y tế, thì cần có sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân, người bệnh, gia đình người bệnh để chúng ta có những hiệu quả tích cực từ các phong trào thi đua. Đặc biệt, hầu hết các phong trào thi đua của ngành Y tế đều hướng đến người bệnh, vì vậy chúng tôi mong muốn người bệnh, người nhà bệnh nhân hãy cùng chung tay với ngành Y tế thực hiện tốt phong trào giảm thiểu chất thải nhựa, để xây dựng cơ sở y tế thực sự xanh - sạch- đẹp và hướng tới sự hài lòng của người dân đối với ngành Y tế tỉnh nhà”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=145517