Hiệu quả qua ba thập kỉ nỗ lực phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế
Khi tỉnh Quảng Trị lập lại (tháng 7/1989), trên địa bàn tỉnh không có một khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) nào được hình thành. Sau 30 năm đổi mới và phát triển, đến nay toàn tỉnh đã có 2 KKT và 3 KCN đang hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH), đưa tỉ trọng phát triển công nghiệp lên ngang bằng các tỉnh trong khu vực.
Cùng với sự hình thành, phát triển các KKT, KCN, mô hình tổ chức bộ máy Ban Quản lí Khu kinh tế tỉnh được thành lập, kiện toàn; cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội các KCN, KKT được quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ đáp ứng nhu cầu hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp, đời sống của dân sinh trong khu vực; cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh ngày càng hoàn thiện phù hợp với pháp luật; hoạt động xúc tiến đầu tư ngày càng phát triển, thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước đến tham gia đầu tư;
Ông Trần Văn Đoàn, Trưởng Ban Quản lí Khu kinh tế tỉnh cho biết, tính đến ngày 31/12/2018, tại các KKT, KCN của tỉnh đã thu hút vốn đầu tư hạ tầng với tổng vốn là 2.673,7 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước là 1.961,7 tỉ đồng, các nguồn vốn khác là 712 tỉ đồng. Có 145 dự án đăng kí đầu tư với tổng vốn đăng kí đầu tư là 23.049 tỉ đồng, diện tích đất sử dụng là 3.038 ha. Có 24 dự án đang nghiên cứu hoàn thiện thủ tục đầu tư với tổng vốn dự kiến đăng kí là 163.900 tỉ đồng. Các dự án đầu tư tại các KKT, KCN đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2018 là 1.688 tỉ đồng; tạo việc làm cho khoảng 6.000 lao động/năm.
Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo được thành lập năm 1998 với diện tích 15.804 ha với tên gọi ban đầu là Khu vực khuyến khích phát triển kinh tế - thương mại Lao Bảo. Sau 5 năm triển khai hoạt động (1998-2003), ngày 12/1/2005 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 11/2005/QĐ-TTg ban hành Quy chế Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo. Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư phát triển SXKD, tốc độ đô thị hóa khu vực đã được đẩy nhanh. Sau hơn 20 năm, thị trấn Khe Sanh và thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa đã hội đủ tiêu chuẩn là đô thị loại IV. Đến nay tại đây đã thu hút tổng nguồn vốn trên 1.652 tỉ đồng đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng (CSHT). Nhờ đó đã tạo lập được hệ thống CSHT khá đồng bộ tại khu vực, bao gồm: Hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước mặt, trường học, bệnh viện, sân vận động, nhà thi đấu, nhà văn hóa cộng đồng, đài phát thanhtruyền hình, công viên, khu tái định cư, bưu điện, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... lần lượt được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác sử dụng, đáp ứng nhu cầu SXKD của doanh nghiệp, nhà đầu tư và đời sống dân sinh tại khu vực.
Đô thị hình thành và phát triển đã góp phần làm cho tình hình KT-XH và đời sống dân sinh được tăng cao: Tốc độ phát triển về kinh tế của huyện Hướng Hóa tăng từ 7% năm 1997 lên 12% năm 2001, 15% năm 2006 và trên 17% năm 2008; từ năm 2010 đến năm 2015 bình quân đạt 10%/năm; từ năm 2016 đến năm 2017 bình quân đạt hơn 9%/năm; thu nhập bình quân đầu người tại khu vực: Năm 1999 đạt 5,7 triệu đồng; năm 2014 là 18,8 triệu đồng; năm 2015 là 20,6 triệu đồng; năm 2016 là 31,6 triệu đồng; năm 2017 là 32,3 triệu đồng và năm 2018 đạt 31 triệu đồng/ người. Khi mới thành lập (năm 1998), có 12 doanh nghiệp, đến nay đã có hơn 400 doanh nghiệp đăng kí hoạt động tại địa bàn, có 63 dự án đăng kí đầu tư, với tổng số vốn đầu tư đăng kí là 3.720 tỉ đồng, diện tích đất thuê là 1.756 ha, trong đó có 50 dự án đã đi vào hoạt động với tổng số vốn đầu tư là 3.384 tỉ đồng, diện tích thuê đất gần 1.742 ha; 10 dự án đang triển khai xây dựng với số vốn đầu tư 336 tỉ đồng và diện tích thuê đất là 14 ha. Trong 63 dự án trên có 5 dự án FDI với tổng vốn đăng kí là 22,6 triệu USD. Bên cạnh đó có 400 phương án kinh doanh thương mại, dịch vụ được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn đầu tư đăng kí là 1.500 tỉ đồng.
Khi mới thành lập có 1.000 hộ kinh doanh cá thể đăng kí hoạt động, không có cơ sở kinh doanh thuần về thương mại dọc theo Quốc lộ 9, toàn khu vực chỉ có chợ Khe Sanh là chợ hạng III với khoảng 300 lô quầy kinh doanh, còn lại là các chợ nhỏ tại trung tâm các xã và các hộ buôn bán tại gia đình. Đến nay, có khoảng 4.000 hộ kinh doanh cá thể hoạt động. Các doanh nghiệp, dự án đầu tư và phương án kinh doanh đã giải quyết việc làm cho 5.000 lao động, chủ yếu là dân cư địa bàn huyện Hướng Hóa. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn năm 2005 mới chỉ 208 tỉ đồng, đến năm 2018 đạt gần 2.000 tỉ đồng (tăng 100 lần so với năm 2005). Tổng thu ngân sách trong 20 năm đạt khoảng 3.859 tỉ đồng. KCN Nam Đông Hà được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập năm 2004 với diện tích 99,03 ha, được đầu tư xây dựng chủ yếu từ nguồn vốn hỗ trợ ngân sách trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Từ năm 2003 đến nay, nguồn vốn đã bố trí đầu tư hạ tầng KCN là 78,89 tỉ đồng. Đến nay hạ tầng KCN Nam Đông Hà cơ bản đã hoàn thành, đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Có 33 dự án đầu tư vào KCN Nam Đông Hà với tổng vốn đầu tư đăng kí là 2.004 tỉ đồng, trong đó có 31 dự án đầu tư bằng nguồn vốn trong nước, với tổng mức vốn đầu tư đăng kí khoảng 1.774 tỉ đồng, có 2 dự án đầu tư bằng vốn từ nước ngoài với tổng mức vốn đầu tư đăng kí khoảng 230.437 tỉ đồng. Trong các năm từ 2010 đến nay, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp tại đây đã nộp ngân sách khoảng 35 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động địa phương.
KCN Quán Ngang được thành lập theo Quyết định số 17/2008/QĐ-UBND ngày 21/7/2008 của UBND tỉnh Quảng Trị với diện tích giai đoạn 1 và 2 là 201,39 ha, được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ ngân sách trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Từ năm 2008 đến nay, nguồn vốn đã bố trí đầu tư hạ tầng KCN là 135,858 tỉ đồng, đã đầu tư xây dựng các hạng mục thiết yếu đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp. Đến nay, có 21 dự án đầu tư vào KCN Quán Ngang, với tổng vốn đầu tư đăng kí khoảng 3.344 tỉ đồng, trong đó có 20 dự án đầu tư bằng nguồn vốn trong nước, với tổng mức vốn đầu tư đăng kí khoảng 2.242 tỉ đồng, có 1 dự án đầu tư bằng vốn từ nước ngoài với tổng mức vốn đầu tư đăng kí khoảng 102 tỉ đồng. Trong các năm từ 2010 đến nay, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp đã nộp ngân sách khoảng 84,1 tỉ đồng, giải quyết việc làm khoảng 1.500 lao động địa phương.
KKT Đông Nam Quảng Trị được thành lập theo Quyết định số 42/2015/QĐ-TTg ngày 16/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ với diện tích là 23.973 ha. Sự hình thành KKT Đông Nam đã mở ra nhiều cơ hội đối với tỉnh trong thu hút các nguồn vốn đầu tư vào KKT, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh. Nguồn vốn ngân sách đã bố trí đầu tư tại KKT từ năm 2017 đến nay là 807 tỉ đồng, hầu hết các dự án đều đang triển khai đầu tư, đáng chú ý là dự án Đường trung tâm trục dọc KKT Đông Nam được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, với chiều dài toàn tuyến là 23,5km, tổng mức đầu tư 630 tỉ đồng, Dự án hoàn thành sẽ tạo sự kết nối về giao thông các tuyến huyết mạch trong toàn tỉnh, thúc đẩy sự phát triển KKT Đông Nam và góp phần phát triển KT - XH của tỉnh. KKT Đông Nam được thành lập đã thu hút nhiều dự án đến nghiên cứu tham gia đầu tư. Hiện có 28 dự án đăng kí đầu tư vào KKT với tổng vốn đăng kí đầu tư là 13.762 tỉ đồng, trong đó có 7 dự án đã đi vào hoạt động, 21 dự án đang xây dựng và hoàn thiện các thủ tục cấp đất. Có 17 dự án đang nghiên cứu tìm hiểu đầu tư với tổng vốn đầu tư dự kiến là 162.372 tỉ đồng.
Hiện tại các KCN như Nam Đông Hà, Quán Ngang, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng và triển khai SXKD những lĩnh vực mà tỉnh Quảng Trị có nhiều lợi thế như dệt may, chế biến gỗ rừng trồng, chế biến nông sản, bia, nhựa thông, vật liệu xây dựng… Bên cạnh các KCN, KKT đã có, tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông thuận lợi để kết nối Khu du lịch biển Cửa Việt - Cửa Tùng, KKT Đông Nam Quảng Trị, các khu, cụm công nghiệp của các địa phương như Cụm công nghiệplàng nghề Hải Lăng; Cụm công nghiệplàng nghề Ái Tử (Triệu Phong), Cụm công nghiệp Cam Thành (Cam Lộ), Cụm công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá (Vĩnh Linh)… nhằm hỗ trợ cho nhau về nguồn nguyên liệu, mặt bằng, xuất khẩu sản phẩm, khai thác triệt để lợi thế của Hành lang kinh tế Đông - Tây, mở ra triển vọng mới cho việc đầu tư và phát triển của tỉnh trong những năm tới. Đây là hướng đầu tư mang tính đột phá để góp phần đưa Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=139851