Hiệu quả sau 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân
Sau 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân (2014-2024), công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Với trên 122.000 lượt tiếp công dân, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài được giải quyết dứt điểm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đổi mới toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Giai đoạn 2014-2024 là thời kỳ Thanh Hóa đẩy mạnh thu hút đầu tư, triển khai nhiều dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội như các dự án của Tập đoàn FLC, SunGroup, Tổ hợp hóa chất Đức Giang, Cảng Container Long Sơn, Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đoạn qua Thanh Hóa... Việc thực hiện các dự án này đã tác động trực tiếp đến đời sống người dân thông qua công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, dẫn đến phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo phức tạp, có nguy cơ gây mất ổn định.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành đổi mới phương thức lãnh đạo trong công tác tiếp dân. Nổi bật là việc ban hành 106 văn bản chỉ đạo, trong đó có 2 chỉ thị, 21 kế hoạch, 15 quyết định và 68 công văn để triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Luật Tiếp công dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Tỉnh đã thành lập Ban Tiếp công dân tỉnh với 7 công chức chuyên trách, trong đó có trưởng ban và 1 phó trưởng ban. Tại cấp huyện, trưởng ban ban tiếp công dân là Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện. Ở cấp xã, phường, thị trấn đều bố trí công chức địa chính, tư pháp hoặc văn phòng kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tiếp công dân.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng. Ban Tiếp công dân tỉnh và cấp huyện có 66 công chức, 100% có trình độ đại học trở lên, 37,87% có trình độ thạc sĩ. Đặc biệt, 31,8% cán bộ được đào tạo chuyên ngành luật, đảm bảo năng lực chuyên môn phục vụ người dân.
Kết quả nổi bật và những vấn đề đặt ra
Sau 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân, toàn tỉnh đã tiếp 122.439 lượt với 142.513 người được tiếp, giải quyết 117.664 vụ việc. Trong đó, cán bộ tiếp thường xuyên tại các trụ sở tiếp dân đã tiếp 79.163 lượt với 86.458 người. Người đứng đầu UBND các cấp, các ngành tiếp định kỳ và ủy quyền tiếp là 43.276 lượt với 56.055 người.
Đáng chú ý, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp tiếp 1.107 lượt với 8.770 người. Lãnh đạo các huyện, xã cũng duy trì nghiêm lịch tiếp dân định kỳ. Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp 2 lần/tháng, cấp xã tiếp 1 lần/tuần. Việc người đứng đầu trực tiếp tiếp dân đã góp phần quan trọng nắm bắt tâm tư nguyện vọng và giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của người dân.
Các cơ quan hành chính cũng đã tiếp nhận và xử lý 116.569 đơn, trong đó 100.742 đơn đủ điều kiện xử lý. Phân loại theo nội dung có 14.953 đơn khiếu nại, 3.660 đơn tố cáo và 82.129 đơn kiến nghị, phản ánh. Đối với đơn thuộc thẩm quyền, đã thụ lý giải quyết 68.749 đơn, đạt tỷ lệ trên 95%.
Thành công nổi bật là nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp đã được tập trung giải quyết dứt điểm, không còn vụ việc kéo dài thuộc diện Trung ương phải chỉ đạo. Các vụ việc liên quan giải phóng mặt bằng được giải quyết ngay từ cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng”. Các cơ quan, đơn vị đã đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh qua 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân đã bộc lộ một số vấn đề cần được quan tâm giải quyết, đó là: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật Tiếp công dân và Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phải bố trí công chức thuộc thanh tra cơ quan làm công tác tiếp công dân, tuy nhiên hiện nay, với chủ trương sắp xếp tổ chức, bộ máy và tinh gọn các phòng chuyên môn bên trong cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh nên một số cơ quan không còn tổ chức thanh tra, do đó không thể bố trí công chức thanh tra làm công tác tiếp dân.
Luật cũng chưa quy định cụ thể về việc công dân ghi âm, ghi hình tại nơi tiếp dân cũng như thời hạn giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh. Điều này dẫn đến lúng túng trong xử lý tình huống người dân tự ý ghi hình, đưa hình ảnh lên mạng xã hội hoặc thiếu căn cứ ràng buộc về mặt thời gian khi giải quyết kiến nghị, phản ánh của công dân.
Đặc biệt, tổ chức bộ máy ban tiếp công dân các cấp chưa thống nhất từ Trung ương đến địa phương, dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ. Cụ thể, Ban Tiếp công dân Trung ương thuộc Thanh tra Chính phủ, cấp tỉnh thuộc Văn phòng UBND tỉnh, cấp huyện thuộc Văn phòng HĐND - UBND huyện. Bên cạnh đó, luật chưa có quy định cụ thể về xử lý trường hợp công dân vi phạm nội quy tiếp dân hoặc cố tình gây rối. Khi xảy ra tình huống này, cán bộ tiếp dân chỉ có thể nhắc nhở, thuyết phục. Tương tự, với trường hợp công dân đã có thông báo chấm dứt giải quyết nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại, luật chưa có cơ chế xử lý hiệu quả...
Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân trong thời gian tới, tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là các quy định về tổ chức bộ máy, tiêu chuẩn cán bộ và chế độ đãi ngộ. Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này. Có như vậy mới thực sự phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền với Nhân dân của công tác tiếp công dân.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hieu-qua-sau-10-nam-thuc-hien-luat-tiep-cong-dan-236226.htm