Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ khởi công vào quý 3/2025

Dự án đường bộ cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành nối Đắk Nông và Tây Nguyên với Bình Phước và vùng Đông Nam Bộ, theo kế hoạch sẽ trình thẩm định phê duyệt hồ sơ dự án trong tháng 02/2025 và thực hiện các bước kế tiếp sau đó theo quy định để kịp khởi công vào tháng 9 năm nay...

Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành hoàn thành sẽ tạo tuyến giao thông thông suốt từ Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ. Ảnh minh họa

Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành hoàn thành sẽ tạo tuyến giao thông thông suốt từ Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ. Ảnh minh họa

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về kết quả phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng năm 2024 và kế hoạch, nhiệm vụ năm 2025 mới đây của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, Sở Giao thông vận tải tỉnh đã cho biết nội dung như trên.

Theo ông Hà Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Nông, đến nay, các ngành chức năng đã cơ bản hoàn thành hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án. Dự kiến, đầu năm 2025, nhà đầu tư và các cơ quan chức năng sẽ hoàn thành hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi, trình Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước. Sau đó, Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ xem xét hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi của dự án. Nếu không có gì thay đổi thì dự kiến chậm nhất tháng 9/2025 sẽ khởi công cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Dự án cơ bản hoàn thành vào cuối 2026, đưa vào khai thác 2027.

Hiện nay, tỉnh Bình Phước đã khởi công tuyến cao tốc Chơn Thành - Bình Dương kết nối với TP.HCM. Dự án đường cao tốc Bắc Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài 128,8 km (đoạn qua tỉnh Đắk Nông dài 27,8 km, còn lại đi qua địa phận tỉnh Bình Phước), vận tốc thiết kế 100 - 120 km/h, khi hoàn thành rút ngắn thời gian từ thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) đi TP.HCM từ 4 - 5 giờ đồng hồ xuống còn khoảng 2 giờ, đồng thời sẽ tạo tuyến giao thông thông suốt, mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của Đắk Nông trong tương lai.

Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 25.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương hơn 10.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 2.200 tỷ đồng; bao gồm: Bình Phước khoảng 1.200 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông 1.000 tỷ đồng. Phần vốn góp của nhà đầu tư hơn 12.700 tỷ đồng.

Toàn công trình được chia thành 5 dự án thành phần, và tách riêng phần giải phóng mặt bằng; nguồn bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Đắk Nông và Bình Phước sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công. Có một dự án thành phần được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT và được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông cũng cho biết, dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có tổng diện tích giải phóng mặt bằng đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Nông là 261 ha. Bao gồm: trên 8 ha đất ở; 1,58 ha đất trồng lúa; 25,1 ha đất trồng hoa màu; 175,9 ha đất trồng cây lâu năm và 50,2 ha đất trồng cây hằng năm. Tổng số hộ bị ảnh hưởng khoảng 408 hộ, dự kiến bố trí tái định cư khoảng 250 hộ, kinh phí 662 tỷ đồng.

Về nguồn cát, đá phục vụ thi công dự án, tỉnh Đắk Nông có đủ nguồn cung cho công trình. Cụ thể, dự tính tổng nguồn cát san lấp cho dự án đoạn qua địa bàn vào khoảng 130.000 m3 và tỉnh đang có 7 mỏ cát đang khai thác, công suất trên 180.000 m3/năm, đủ nguồn cung. TỈnh cũng có 9 mỏ đá và 19 mỏ đất đang khai thác, nên nguồn cung về đá công trình các loại và đất đắp thì đáp ứng đủ nhu cầu.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) được Quốc hội thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư tại phiên họp sáng 28/6/2024. Theo đó, Quốc hội đã quyết nghị việc triển khai, thực hiện dự án được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt.

Cụ thể như sau: 1/ cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện dự án đến hết năm 2026. 2/ cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... 3/ trong giai đoạn triển khai thực hiện dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng.

Xuân Nghi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cao-toc-gia-nghia-chon-thanh-se-khoi-cong-vao-quy-3-2025.htm