Hiệu quả sau giải tỏa vi phạm hành lang đê điều ở Lý Nhân

Trước mùa mưa, bão, lũ năm 2024, huyện Lý Nhân đã tổ chức giải tỏa, phát quang toàn bộ hành lang bảo vệ của hơn 27 km đê sông Hồng (đê Đại Hà) trên địa bàn. Việc giải tỏa giúp nâng cao năng lực phòng chống cho hệ thống đê trọng yếu này trước thiên tai, bão, lũ.

Đợt giải tỏa được tiến hành đồng loạt tập trung, quyết liệt tại cả 9 xã dọc theo tuyến đê Đại Hà của huyện. Các xã huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động đến người dân, nhất là những hộ nằm ven đê, có công trình, cây cối nằm trong hành lang bảo vệ đê theo Luật Đê điều. Đồng thời, giao cho lực lượng công an, dân quân làm nòng cốt tham gia giải tỏa. Các địa phương ấn định thời gian hoàn thành giải tỏa, chậm nhất xong trước mùa mưa, bão, lũ (trước tháng 6/2024)... Trong đợt giải tỏa, huyện Lý Nhân đã phát quang hơn 400.000m2 cây cỏ dại, trên 1.000 cây lấy gỗ, cây ăn quả (đường kính hơn 10 cm), 2.000 bụi chuối, 100m3 chất thải, tháo dỡ 3 lán tạm diện tích 60m2…

Điển hình tại xã Phú Phúc có chiều dài đê Đại Hà 4 km, trong 1 tháng (tháng 3) địa phương này đã hoàn thành giải tỏa hàng chục vật kiến trúc vi phạm hành lang bảo vệ đê (tường rào, cọc bê tông, giậu dây thép gai, giậu lưới B40, mái vẩy…) và toàn bộ cây cối trong phạm vi giải tỏa (rộng 5m tính từ cơ đê)... Quá trình thực hiện, xã đã huy động tổng số 266 ngày công; gần 30 ca xe máy xúc; 9,5 ca xe vận tải chuyên chở; 8,5 ca cưa máy... Theo bà Đỗ Thị Thu Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lý Nhân, các địa phương trong huyện đã thực hiện tốt việc giải tỏa hành lang bảo vệ đê Đại Hà năm 2024. Đợt giải tỏa có hiệu ứng tích cực, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cả chính quyền và người dân sống ven đê. Việc giải tỏa đã tác động trực tiếp đến công tác phòng, chống thiên tai cho tuyến đê Đại Hà.

Đê Đại Hà trên địa bàn huyện Lý Nhân luôn thông thoáng sau đợt giải tỏa năm 2024.

Đê Đại Hà trên địa bàn huyện Lý Nhân luôn thông thoáng sau đợt giải tỏa năm 2024.

Tính trong năm 2024 và các tháng đầu năm 2025, toàn tuyến chỉ có 3 vi phạm, giảm trên 70% so với trước. Các vi phạm này tập trung vào các vụ việc: hút bùn, cát ở ven đê và đổ chất thải lên cơ đê đều đã được ngăn chặn, xử lý. Không còn tình trạng trồng cây, xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ đê. Theo ông Vũ Anh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Chân Lý, địa phương có tuyến đê Đại Hà dài 6 km. Khi hành lang đê được giải tỏa thông thoáng, các vi phạm dễ phát hiện và dễ xử lý hơn trước đây.

Tập trung giải tỏa và kiên quyết xử lý các vi phạm bảo đảm cho đê Đại Hà thông thoáng giúp công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả. Trong đợt lũ sông Hồng lên trên báo động 3 nửa đầu tháng 9/2024, tại hệ thống đê Đại Hà của huyện Lý Nhân đã xảy ra nhiều sự cố nhưng đều được phát hiện, xử lý kịp thời. Điển hình là sự cố sạt trượt mái đê thượng lưu tại K154+236 – K154+280 trên địa bàn xã Tiến Thắng đã được lực lượng tuần tra, quản lý đê sớm phát hiện ngay từ khi sự cố mới xảy ra. Qua đó, chính quyền địa phương, ngành chức năng đã tập trung nhân, vật lực xử lý kịp thời ngay giờ đầu, bảo đảm an toàn cho đê. Ông Lương Thái Học, Hạt trưởng Hạt quản lý đê Lý Nhân đánh giá: Việc giải tỏa vi phạm và phát quang hành lang bảo vệ đã phát huy rất tốt hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai đối với đê Đại Hà. Các sự cố trên đê chính, bối và các cống qua bối vừa qua đều được phát hiện sớm do dễ nhận thấy trong quá trình tuần tra, canh gác khi nước sông Hồng lên cao để có phương án xử lý. Năm qua, mặc dù nước lũ trên sông Hồng lên nhanh, bất thường nhưng đê chính và đê bối, công trình trên đê đều được bảo vệ an toàn…

Đê Đại Hà đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai, bảo vệ dân sinh, kinh tế trong vùng phục vụ. Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, thiên tai xảy ra bất thường, khó dự báo. Theo dự báo của ngành chức năng, thời tiết sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường trong thời gian tới. Vì vậy, việc quản lý, ngăn chặn tốt các vi phạm trên hệ thống đê điều, trong đó có đê Đại Hà qua địa bàn huyện Lý Nhân cần tiếp tục được quan tâm và duy trì hiệu quả. Qua đó, bảo đảm hiệu quả cao trong công tác phòng, chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/hieu-qua-sau-giai-toa-vi-pham-hanh-lang-de-dieu-o-ly-nhan-154758.html