Hiệu quả thiết thực từ dự án về bảo vệ trẻ em

Trong giai đoạn 2017 - 2020, tổ chức Childfund Việt Nam phối hợp Sở LĐ-TB&XH triển khai dự án tăng cường hiệu quả hệ thống bảo vệ trẻ em (BVTE) tại địa phương, với tổng kinh phí 627.906 USD. Dự án thực hiện tại địa bàn các xã: Đú Sáng, Hợp Đồng - Thượng Tiến (nay là xã Hợp Tiến), Kim Truy (nay là xã Kim Bôi), Cuối Hạ, Nuông Dăm của huyện Kim Bôi. Dự án tạo hưởng lợi cho 9.992 người, bao gồm nhóm trẻ em trai và trẻ em gái dưới 14 tuổi; thanh niên nam, nữ độ tuổi từ 15-24 và người trưởng thành.

Tổ chức Chidfund phối hợp Phòng LĐ-TB&XH huyện, Huyện đoàn Kim Bôi tổ chức phiên tòa giả định về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em tại xã Cuối Hạ.

Tổ chức Chidfund phối hợp Phòng LĐ-TB&XH huyện, Huyện đoàn Kim Bôi tổ chức phiên tòa giả định về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em tại xã Cuối Hạ.

Dự án thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống BVTE dựa vào cộng đồng được tăng cường; mạng lưới BVTE cấp xã, huyện hoạt động hiệu quả; trong đó, 93% trẻ em được phỏng vấn biết báo cáo cho ai khi có nguy cơ bị xâm hại, hoặc thấy bạn bè có nguy cơ bị xâm hại. Trẻ em thấy an toàn tại gia đình, cộng đồng và trong trường học, 100% trẻ được phỏng vấn cảm thấy an toàn hơn so với 2 năm trước đây; 70% trẻ em có kiến thức về phòng, chống xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục do Childfund đào tạo. Nhận thức của cha mẹ, giáo viên và người lớn về BVTE, sự tham gia của trẻ em được nâng cao: 85% trẻ em cho biết cha mẹ có nói chuyện với mình về xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục và sức khỏe sinh sản; 100% cha mẹ được phỏng vấn đều có nhận thức đúng về xâm hại tình dục; phụ huynh, người dân đã báo cáo vụ việc xâm hại cho nhân viên công tác xã hội, cán bộ LĐ-TB&XH và đường dây 111 - Tổng đài quốc gia BVTE; phụ huynh ủng hộ, tạo điều kiện trẻ em được tham gia các chương trình, diễn đàn, hội trại nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu và thực hiện quyền tham gia của mình. Bên cạnh đó, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác BVTE tại các xã mục tiêu được cải thiện; cùng với đó phát huy tốt vai trò nhân viên công tác xã hội tại cộng đồng.

Hiệu quả thực hiện dự án đã góp phần giải quyết những khó khăn của địa phương gặp liên quan đến việc xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn; xây dựng một môi trường an toàn hơn cho trẻ em. Đáp ứng nhu cầu xây dựng năng lực cho các thành viên trong việc thực hiện trách nhiệm trong công tác BVTE tại cộng đồng. Sau khi dự án kết thúc, chính quyền địa phương cam kết duy trì, phát triển các hoạt động bằng chính nguồn lực của mình, tích cực thực hiện cam kết. Ngoài ra, việc dự án phối hợp với dự án khác do Childfund và Microsoft Việt Nam, Tổng đài 111 xây dựng phần mềm BVTE cũng là một trong các hoạt động duy trì tính bền vững của dự án.

Tuy nhiên, dự án còn có một số khó khăn như: Còn khoảng trống trong các hoạt động của nhà trường về mạng lưới BVTE; truyền thông hình ảnh của dự án và tổ chức chưa được chú trọng…

Để duy trì tốt các hoạt động sau khi kết thúc dự án, tổ chức Childfund Việt Nam tiếp tục phối hợp Sở LĐ-TB&XH, Cục Trẻ em vận động chính sách để tỉnh thí điểm trên toàn tỉnh mô hình mạng lưới BVTE tại xã, nhằm làm cơ sở tham khảo, vận động chính sách cho mô hình nâng cao hiệu quả mạng lưới BVTE cấp xã trong hệ thống BVTE. Phối hợp, vận động các tổ chức có cùng mục tiêu trong các dự án BVTE. Xây dựng chiến lược vận động chính sách BVTE của tổ chức Childfund. Hợp tác thực hiện các nghiên cứu đánh giá về mô hình BVTE và vai trò của nhân viên công tác xã hội trong hệ thống BVTE, vận động chính sách xây dựng hệ thống BVTE…

V.H

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/148284/hieu-qua-thiet-thuc-tu-du-an-ve-bao-ve-tre-em.htm